'Siết' dạy thêm, học thêm: Có lo 'lách luật'?
Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ 14/2 đang nhận được nhiều ý kiến từ dư luận. Nhiều người lo ngại, khi có cầu, ắt sẽ có cung và giáo viên sẽ tìm cách 'lách luật' để tiếp tục dạy thêm trái quy quy định.
Theo Thông tư 29 Bộ GD&ĐT ban hành, việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt; Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Khi đối tượng dạy thêm bị thu hẹp và việc dạy thêm không có nguồn kinh phí (học phí học thêm) để chi trả thù lao cho giáo viên, trong khi thực tế học sinh và phụ huynh vẫn có nhu cầu, nhiều người lo ngại với quy định mới, sắp tới sẽ có những hình thức "lách luật" như việc trường bắt tay với trung tâm để dạy thêm, phụ huynh đóng góp tiền dưới các dạng thức khác để chi trả cho việc học thêm…
![Ảnh minh họa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_94_51441959/f87a81ccb5825cdc0593.jpg)
Ảnh minh họa
Để kiểm soát vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, quy định của Thông tư 29 là tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh thì phải đăng ký kinh doanh theo quy định. Như vậy, cá nhân không phải là giáo viên trong biên chế của các trường công lập có thể đăng ký kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm.
Theo quy định, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm phải công khai về môn học, giáo viên, thời gian, địa điểm, các điều kiện bảo đảm an toàn, sức khỏe của học sinh, học phí… để học sinh, phụ huynh lựa chọn và giám sát. Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm và giáo viên tham gia dạy thêm phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của nhà nước.
Sự công khai, minh bạch này giúp cho việc thu phí rõ ràng, minh bạch. Việc này khi vào nề nếp sẽ góp phần đáng kể vào việc giảm chi phí cho học sinh, phụ huynh.
"Quy định trong thông tư về việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường đã rõ về trách nhiệm đăng ký kinh doanh, công khai về nội dung dạy thêm, học phí và điều kiện tổ chức dạy học. Đồng thời cũng quy định rõ trách nhiệm của các cấp quản lý về giáo dục ở địa phương. Theo quy định của thông tư, các cơ quan, đơn vị, nhà trường phải có trách nhiệm quản lý, giám sát; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ngày 7/2/2025, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh phải chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định; kịp thời phát hiện, tuyên dương, khen thưởng, nhân rộng những tấm gương của tập thể, cá nhân tận tụy, tâm huyết, hết lòng vì học sinh; hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các nhà trường để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục", Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học cho hay.
Dạy thêm học sinh trong trường hợp nào?
Điều 4, Thông tư 29/2024 quy định các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm. Theo đó, giáo viên không được phép tổ chức dạy thêm với học sinh tiểu học, trừ 3 trường hợp: Bồi dưỡng về nghệ thuật; Thể dục thể thao; Rèn luyện kĩ năng sống.
Như vậy, giáo viên có thể tổ chức dạy thêm kể cả trong nhà trường lẫn ngoài nhà trường và có thu tiền hay không thu tiền với học sinh tiểu học thuộc 3 trường hợp nêu trên. Quy định này không thay đổi so với nội dung Thông tư 4/2014 được Bộ GD&ĐT ban hành trước đó.
Ngoài ra, Điều 4, Thông tư 29/2024 cũng quy định rõ những trường hợp không được phép tổ chức dạy thêm. Cụ thể, giáo viên không được dạy thêm chính học sinh của mình.
Ngoài ra, giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.