Siết chặt quản lý tiền công đức để bảo tồn và phát huy giá trị di tích

Quản lý tiền công đức là vấn đề còn nhiều tồn tại ở một số địa phương, trong đó có Nghệ An. Chỉ có siết chặt quản lý, mới đảm bảo nguồn tiền sử dụng đúng mục đích.

Nhập nhèm tiền công đức

Đền Ông Hoàng Mười (xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) được xem là điểm đến văn hóa tín ngưỡng, tâm linh nổi tiếng xứ Nghệ. Vì vậy, hằng năm đây là nơi được đông đảo người dân đến cầu an.

Đền Ông Hoàng Mười tên chữ là Mỏ Hạc Linh Từ, thờ Quan Hoàng Mười, người có công hộ quốc bảo dân, chở che cuộc sống cộng đồng.

Đền Ông Hoàng Mười tên chữ là Mỏ Hạc Linh Từ, thờ Quan Hoàng Mười, người có công hộ quốc bảo dân, chở che cuộc sống cộng đồng.

Tuy nhiên, đầu năm 2024, vụ việc thành viên ban quản lý đền Ông Hoàng Mười lấy trộm tiền đã gây dư luận xấu đối với nhiều du khách thường xuyên đến cúng bái, công đức cho đền.

Theo đó, trong ca trực ngày 25/2, ông B.V.T (SN 1979, trú tại xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên) cùng các thành viên trong tổ trực thực hiện theo nhiệm vụ được phân công, thu tiền công đức được người dân đặt lễ tại các cung trong đền để bỏ vào hòm công đức.

Quá trình thu tiền tại gian nhà Trung điện, ông B.V.T đã lấy trộm một số tiền bỏ vào vỏ hộp bánh sau đó mang về cất giấu trong phòng bảo vệ. Quá trình này bị một người quay video lại.

Sau đó, cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 2,5 triệu đồng đối với hành vi trộm cắp tài sản của B.V.T, đồng thời trao trả lại ban quản lý đền Ông Hoàng Mười toàn bộ số tiền mà đối tượng này đã lấy trộm.

Cơ quan công an đã làm rõ số tiền mà đối tượng này biển thủ là hơn 1 triệu đồng.

Cơ quan công an đã làm rõ số tiền mà đối tượng này biển thủ là hơn 1 triệu đồng.

Bà Hoàng Thị Hoài Thanh, Trưởng phòng Văn hóa, Trưởng ban quản lý đền Ông Hoàng Mười cho biết, sau sự việc xảy ra ban quản lý đã họp và thực hiện nhiều biện pháp để chấn chỉnh.

"Để kiểm soát tốt hơn việc quản lý tiền công đức, ban quản lý đã lắp đặt camera giám sát tại vị trí thùng niêm phong nguồn tiền và bổ sung biển khuyến cáo du khách không đặt tiền trên các ban thờ. Các biện pháp này được hy vọng sẽ ngăn chặn tình trạng lạm dụng tiền công đức tại khu di tích", bà Thanh cho biết.

Sau sự việc xảy ra, các thùng công đức được niêm phong và có biển chỉ dẫn.

Sau sự việc xảy ra, các thùng công đức được niêm phong và có biển chỉ dẫn.

Trước ngày rằm tháng 7 âm lịch, có mặt tại đền Ông Hoàng Mười, phóng viên ghi nhận tại đây vẫn đón rất nhiều du khách đến dâng hương.

Sau khi nhận được nhiều phản ánh, ban quản lý cũng đã có một số thay đổi. Trên các cung đặt lễ đã có biển chỉ dẫn "Không dâng tiền trên bàn thờ". Bên trong đền, ban quản lý cũng vừa lắp camera giám sát tại nơi đặt thùng niêm phong nguồn tiền công đức.

Tuy nhiên, một số người đến dâng lễ vẫn thờ ơ với hướng dẫn này. Ngay phía dưới tấm biển chỉ dẫn đó, vẫn còn nhiều xấp tiền được du khách dâng lên. Đây chính là nguồn tiền mà ban quản lý đền vẫn loay hoay chưa tìm ra giải pháp để kiểm soát chặt chẽ trong suốt thời gian qua.

Nghệ An yêu cầu tăng cường kiểm tra, minh bạch tiền công đức

Trước việc này, UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành văn bản số 6800/UBND-VX về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ các di tích lịch sử, văn hóa.

Đền Ông Hoàng Mười Nghệ An được xem là điểm đến văn hóa tín ngưỡng, tâm linh nổi tiếng xứ Nghệ.

Đền Ông Hoàng Mười Nghệ An được xem là điểm đến văn hóa tín ngưỡng, tâm linh nổi tiếng xứ Nghệ.

Theo đó, UBND tỉnh giao sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với sở Tài chính, các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã nghiên cứu nội dung báo cáo, kiến nghị của Bộ Tài chính về kết quả kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên phạm vi toàn quốc năm 2023.

Đồng thời, chủ động tham mưu, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả theo quy định để tăng cường công tác quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa;

Rà soát văn bản, quy định của địa phương liên quan đến quản lý thu - chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội để ban hành quyết định mới hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp theo quy định của Bộ Tài chính;

UBND tỉnh cũng chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan công khai, minh bạch việc thu chi các khoản công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, cung cấp thông tin kịp thời khi được cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Siết chặt, quản lý, mới đảm bảo nguồn tiền công đức được sử dụng đúng mục đích.

Siết chặt, quản lý, mới đảm bảo nguồn tiền công đức được sử dụng đúng mục đích.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận xã hội, huy động sự vào cuộc, đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ và tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được sử dụng chặt chẽ, công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng mục đích, đúng quy định;

Trong đó, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật; tuyệt đối không để xảy ra lãng phí, tiêu cực, tham nhũng, lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi, phục vụ lợi ích cá nhân.

Việc siết chặt quản lý tiền công đức sẽ góp phần giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và đóng góp tích cực cho việc bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích, tổ chức lễ hội, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Anh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/siet-chat-quan-ly-tien-cong-duc-de-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-tich-204240816145058608.htm
Zalo