Siết chặt quản lý hàng miễn thuế

Bộ Tài chính đề xuất sớm bãi bỏ quy định về miễn thuế hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ, đồng thời luật hóa quy định các sàn thương mại điện tử phải kê khai và nộp thuế thay cho khách hàng buôn bán kinh doanh trên sàn.

Sớm ngừng miễn thuế với hàng giá trị nhỏ

Những năm gần đây, do tốc độ phát triển nhanh và mạnh của các hình thức kinh doanh trực tuyến thông qua các nền tảng thương mại điện tử khiến số lượng và giá trị hàng hóa nhập khẩu miễn thuế vào Việt Nam tăng lên rất mạnh.

Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam đến năm 2023 đã đạt mức khoảng 20,5 tỷ USD, trong đó có khoảng 90.000 tỷ đồng tiền thuế thu được từ thương mại điện tử và dự kiến, con số này năm 2024 sẽ nâng lên mức 100.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024 đã có khoảng 1,3-1,9 tỷ USD hàng hóa giá trị nhỏ nhập khẩu qua biên giới (thông qua chuyển phát nhanh) không phải đóng thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng. Điều này khiến ngân sách thất thu một lượng thuế đáng kể, đồng thời tạo ra sự bất bình đẳng trong kinh doanh và tạo lỗ hổng để hàng hóa giá rẻ lợi dụng chính sách miễn thuế, tràn vào Việt Nam.

Để “trám lại” kẽ hở pháp lý về thuế này, thời gian qua Bộ Tài chính đã kiến nghị xem xét bãi bỏ các quy định về miễn thuế tại Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg, luật hóa các quy định mới trong dự thảo Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử và sửa đổi các điều khoản về miễn thuế trong Nghị định 134/2016/NĐ-CP.

Bộ Tài chính cho rằng, mặc dù các quy định miễn thuế hàng giá trị nhỏ phù hợp với cam kết tại Nghị định thư về đơn giản hóa và hài hòa thủ tục hải quan ngày 26/6/1999. Tuy nhiên, do tốc độ phát triển nhanh của thương mại điện tử, các quy định miễn thuế cần phải tính toán lại.

Theo quan điểm của Bộ Tài chính, đề xuất sẽ đưa các quy định quản lý thuế mới vào dự thảo nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử. Tuy nhiên, lộ trình ban hành nghị định này có thể kéo dài do phụ thuộc vào tiến độ đầu tư hệ thống hải quan số.

Vì vậy, Bộ Tài chính đã giao Tổng cục Hải quan rà soát, tổng hợp để báo cáo Chính phủ nhằm sớm bãi bỏ Quyết định 78/2010/QĐ-TTg mà không chờ tiến độ của nghị định kể trên. Song song đó, hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền về thực hiện điều ước quốc tế để làm việc với các đối tác nước ngoài (liên quan tới Công ước Kyoto về không thu thuế hải quan và thuế khác đối với hàng hóa có trị giá thấp) trong trường hợp Việt Nam bãi bỏ Quyết định 78/2010/QĐ-TTg.

Giá trị hàng hóa được luân chuyển qua các sàn thương mại điện tử, trong đó nhiều hàng hóa không phải đóng thuế

Giá trị hàng hóa được luân chuyển qua các sàn thương mại điện tử, trong đó nhiều hàng hóa không phải đóng thuế

Tăng trách nhiệm các sàn thương mại điện tử

Theo nhận xét của một số đơn vị tư vấn thuế, Bộ Tài chính đề xuất bãi bỏ các quy định về miễn thuế như trên là hợp lý vì hiện nay với sự thuận tiện của thương mại điện tử việc mua hàng hóa từ các nhà cung cấp nước ngoài (nhập khẩu qua chuyển phát nhanh) rất dễ dàng. Việc chia nhỏ đơn hàng để lách thuế cũng sẽ được các bên thực hiện một cách phổ biến.

Trong bối cảnh các tháng cao điểm chuẩn bị đơn hàng kinh doanh dịp cuối năm, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh sẽ tăng cường “săn deal quốc tế” để nhập hàng giá rẻ về bán, người tiêu dùng cũng sẽ tăng mua hơn để tận dụng các khuyến mại của các nhà cung cấp và các sàn thương mại điện tử.

“Vì thế, nếu được miễn thuế thì số lượng hàng giá rẻ sẽ tràn ngập, gây thất thu thuế và cạnh tranh không bình đẳng với hàng sản xuất trong nước”, ông Đinh Xuân Quang, Giám đốc một đại lý tư vấn kế toán – thuế tại TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) nhận định.

Đại diện Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho rằng, việc quản lý thuế đối với thương mại điện tử hiện nay rất được Chính phủ quan tâm và thường xuyên có chỉ đạo ngành thuế triển khai tích hợp trong các văn bản pháp lý cấp Luật và Nghị định.

Hiện nay, trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật thuế Giá trị gia tăng, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ về việc bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, trong dự thảo nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 123/2020/NĐ-CP, Bộ Tài chính cũng đã đưa ra phương án cho phép các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử có thể ủy quyền cho sàn giao dịch kê khai và nộp thuế thay mình.

Riêng về góc độ xây dựng, quản lý dữ liệu kinh doanh thương mại điện tử, Tổng cục Thuế cho biết, đến thời điểm hiện nay, ngành thuế đã quản lý được khoảng 1.000 chủ thể sở hữu nền tảng thương mại điện tử ở dạng website hoặc dạng ứng dụng. Sắp tới sẽ chia sẻ dữ liệu khoảng 50.000 chủ thể sở hữu website thương mại điện tử bán hàng để quản lý các loại thuế liên quan. Ngoài ra, Bộ Thông tin - Truyền thông cho biết, đã cung cấp cho Tổng cục Thuế thông tin của 44 tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có hoạt động quảng cáo xuyên biên giới hoặc cung cấp các dịch vụ phát thanh, truyền hình, truyền hình trả tiền từ nước ngoài.

Với kho dữ liệu như kể trên, Bộ Tài chính cho rằng thời gian tới, khi các quy định pháp lý về hóa đơn, chứng từ, cũng như các quy định về hàng hóa miễn thuế được chuẩn hóa, chi tiết hóa lại trong các Luật và Nghị định, việc quản lý, thu thuế thương mại điện tử chắc chắn sẽ minh bạch và hiệu quả hơn.

Thạch Bình

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/siet-chat-quan-ly-hang-mien-thue-156317.html
Zalo