Siết chặt quản lý BĐS hình thành trong tương lai
Luật Kinh doanh bất động sản 2023 với những quy định chặt chẽ về mua bán bất động sản hình thành trong tương lai được kỳ vọng sẽ giúp bảo vệ quyền lợi của người dân, lành mạnh hóa thị trường.
Việc giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai về mặt tích cực là hình thức huy động vốn linh hoạt, có lợi đối với cả nhà phát triển bất động sản và người mua nhà. Tuy nhiên, việc làm này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ trở thành lỗ hổng để nhà đầu cơ mua đi bán lại, lũng đoạn thị trường.
Điển hình, hàng trăm khách hàng đã đóng tiền vào một số dự án nhưng chưa thể nhận nhà trong suốt nhiều năm. Có thể điểm qua một vài cái tên như dự án như Athena Pháp Vân (quận Hoàng Mai), dự án Manhattan Tower và DLC - Complex Nguyễn Tuân (Harmony Square) cùng nằm trên địa bàn quận Thanh Xuân... hết lần này đến lần khác vỡ tiến độ. Điểm chung của những dự án này là đều hình thành trong tương lai, vốn được mua bán chủ yếu dựa trên sự tín nhiệm của người mua với chủ đầu tư.
Việc dự án chậm tiến độ đã khiến niềm tin nơi người dân sụt giảm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, hệ lụy của loại bất động sản hình thành trong tương lai là thị trường xuất hiện tình trạng mua đi bán lại. Dự án mới trên giấy nhưng đã được chào bán, khiến giá nhà tăng bất thường.
Ông Bùi Ngọc Sơn, nguyên Trưởng phòng Kinh tế Quốc Tế - Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới cho biết: "Mới chỉ có bản vẽ, có quyết định cho phép mở dự án đã thu tiền là điều vô cùng nguy hiểm. Bởi vậy, mới sinh ra trường hợp là người ta có mua về nhưng không ở, không quan tâm đến dự án. Lúc mua, người ta sẽ chú trọng địa điểm, rồi sau đó thị trường lên người ta bán lại cho người khác. Có trường hợp nhà chưa hoàn thiện đã bán đi bán lại cho người khác nhiều lần, tạo ra một nhu cầu ảo trên thị trường, rất nguy hiểm”.
Để ngăn chặn tình trạng này, tại khoản 5 Điều 23 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 đã quy định, chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai khi đã đủ điều kiện đưa vào kinh doanh. Các chuyên gia cho rằng, điều kiện này, sẽ buộc các chủ đầu tư phải có đủ nguồn lực thực hiện dự án.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng: “Giá đặt cọc mua các tài sản hình thành trong tương lai trong lĩnh vực bất động sản không vượt quá 5% là một trong những điều kiện rất quan trọng để buộc các chủ đầu tư phải có nguồn lực tài chính đủ lớn để thực hiện cái dự án của mình. Họ chỉ được phép huy động một bộ phận vốn để đầu tư từ người mua không quá 5% giá trị của tài sản mà họ đã bán ra. Đây là quy định đảm bảo quyền lợi cho người mua ở các chung cư; đồng thời cũng buộc các chủ đầu tư phải có trách nhiệm lớn hơn và có nguồn lực lớn hơn để thực hiện các dự án của mình, trên cơ sở đó làm trong sạch hơn thị trường bất động sản trong tương lai”.
Việc cho phép mua bán nhà ở hình thành trong tương lai sẽ đem đến những lợi ích về nguồn vốn cho chủ đầu tư, đồng thời làm giảm áp lực thanh toán cho người mua. Những quy định chặt chẽ của Luật Kinh doanh bất động sản không chỉ bảo vệ được quyền lợi của người dân mà còn giúp lành mạnh hóa thị trường BĐS.