Siết chặt kỷ luật, kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật

Bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp, với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, Quốc hội đã nhấn mạnh yêu cầu đổi mới trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật

Trình bày dự thảo Nghị quyết, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng nêu rõ, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và chính quyền địa phương quán triệt yêu cầu đổi mới trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cụ thể, trình ban hành, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền đúng chỉ đạo của Đảng, Quốc hội về đổi mới tư duy, phương pháp, quy trình lập pháp, bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.

Kiên quyết từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; các quy định của pháp luật phải mang tính ổn định lâu dài; minh bạch, dễ tiếp cận; thích ứng với sự biến động của thực tiễn, mang tính hệ thống và chặt chẽ, góp phần xây dựng xã hội tiến bộ, hài hòa và phát triển.

Đồng thời, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, của cơ quan chủ trì trong từng khâu của quy trình.

Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong văn bản quy phạm pháp luật theo đúng Quy định số 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 8. Ảnh: Quốc hội

Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 8. Ảnh: Quốc hội

Khẩn trương nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi ngay Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản thuộc thẩm quyền để cụ thể hóa định hướng đổi mới trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và tính kịp thời chủ động, sáng tạo của các chủ thể có liên quan.

Chủ động, tích cực, khẩn trương xây dựng khung khổ pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới, những vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng chưa có quy định, nhất là những vấn đề liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, tạo khuôn khổ pháp lý để thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi số, tạo đột phá phát triển đất nước trong những năm tiếp theo.

Xây dựng Đề án chung về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật

Tại cuộc họp báo, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang đã trả lời câu hỏi của báo chí về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật tại Kỳ họp thứ 8.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang khẳng định, việc đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật không phải là vấn đề mới, mà trong Nghị quyết 27 của Trung ương đã ra đặt vấn đề này.

Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang thông tin tại cuộc họp báo.

Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang thông tin tại cuộc họp báo.

Tại kỳ họp này, trên cơ sở chỉ đạo của của Trung ương, đặc biệt là chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, chỉ đạo chung của lãnh đạo Quốc hội, việc đổi mới tư duy xây dựng pháp luật đã được áp dụng ngay.

Phó Tổng Thư ký Quốc hội cho hay, trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nêu rõ, các quy trình, thủ tục sẽ được quyết định ở văn bản dưới luật, nhưng trong thời gian vừa qua, do tư duy muốn áp dụng ngay, nên trong các luật, nhiều khi cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, và các đại biểu Quốc hội cũng muốn cả quy trình, thủ tục vào. Dẫn đến, quá trình thay đổi rất nhanh của tình hình xã hội và nhu cầu điều chỉnh, khiến thời gian qua phải liên tục sửa đổi luật.

Cũng theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành phải có hiệu lực cùng với văn bản luật, nếu không ban hành kịp thì Quốc hội phải giám sát trách nhiệm. “Tôi nghĩ việc này hoàn toàn có thể làm được”, ông Giang nói và cho hay, thời gian gần đây Chính phủ báo cáo số lượng văn bản chậm ban hành ngày càng giảm đi.

Cũng theo Phó Tổng Thư ký Quốc hội, đổi mới công tác xây dựng pháp luật đặt ra nhiều vấn đề, theo yêu cầu của Nghị quyết 27 của Trung ương, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đang chủ trì cùng các cơ quan liên quan của Chính phủ chuẩn bị Đề án chung để báo cáo cấp có thẩm quyền. Trong Đề án chung này không chỉ đề cập đến Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đổi mới xây dựng pháp luật, trong đó có đổi mới quy trình xây dựng pháp luật.

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua 18 luật, 4 nghị quyết quy phạm pháp luật trên tinh thần đổi mới mạnh mẽ về tư duy trong công tác lập pháp theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/siet-chat-ky-luat-kiem-soat-quyen-luc-trong-xay-dung-phap-luat-181387.html
Zalo