Sĩ quan trẻ vượt qua nghịch cảnh, sống đẹp cho đời

Khắc phục những khó khăn của hoàn cảnh gia đình, Đại úy Lê Anh Quốc, Đội trưởng Đội Phòng, chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị luôn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trên cương vị bí thư chi đoàn, anh cùng cán bộ, chiến sĩ trẻ đơn vị tổ chức, duy trì đều đặn nhiều hoạt động thiết thực, góp phần hỗ trợ cuộc sống đồng bào vùng biên. Thế nhưng, khi được cấp trên, đồng đội đề xuất khen thưởng, Đại úy Lê Anh Quốc thường khéo léo từ chối.

Vượt qua nghịch cảnh gia đình

Đầu tháng 8-2024, sau những ngày dài trực tiếp tham gia đấu tranh triệt xóa thành công tụ điểm mua, bán lẻ ma túy phức tạp trên địa bàn biên giới, Đại úy Lê Anh Quốc được chỉ huy đơn vị giải quyết nghỉ tranh thủ về thăm gia đình. Khi chàng sĩ quan trẻ dừng xe máy trước cổng căn nhà cấp 4, cậu con trai Lê Anh Minh, 5 tuổi, đang chơi cùng bà nội ở sân chạy khập khiễng ra đón, sà vào lòng người bố đi xa lâu ngày trở về.

Ôm con vào lòng, Đại úy Lê Anh Quốc cúi chào mẹ già, tiến đến bên bàn thờ thắp nén hương lên di ảnh người cha mới qua đời vì căn bệnh ung thư gan, rồi đi vào căn phòng nhỏ thăm vợ vừa hạ sinh con trai thứ hai. Thấy vậy, bà Nguyễn Thị Bắc, 60 tuổi, tóc bạc phơ, dáng gầy gò - mẹ của Đại úy Lê Anh Quốc tiến tới mời nước, trò chuyện cùng những người bạn của con.

Tâm sự về chuyện gia đình, bà Bắc chia sẻ rằng, từ trẻ, vợ chồng bà chỉ dựa đồng ruộng, việc chăm lo cho 5 người con ăn học gặp rất nhiều khó khăn. Từ nhỏ, Lê Anh Quốc đã nỗ lực học rất giỏi và có ước mơ trở thành Bộ đội Cụ Hồ. “Cháu tự học, rồi quyết định thi vào Học viện Biên phòng theo ước mơ của mình. Ngày con báo tin trúng tuyển, cả gia đình và bà con lối xóm đều rất vui mừng", bà Bắc nhớ lại.

Sau 4 năm rèn luyện trên ghế nhà trường, năm 2014, quân nhân trẻ Lê Anh Quốc đã tốt nghiệp Học viện Biên phòng, được phong quân hàm thiếu úy, được điều động về Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị nhận công tác. Tại đơn vị, chàng sĩ quan trẻ luôn phát huy được năng lực chuyên môn, phẩm chất, hoàn thành tốt nhiệm vụ được cấp trên giao phó.

Những năm đầu, anh cũng tiết kiệm tiền lương để sửa chữa lại căn nhà cấp bốn để bố, mẹ già không phải lo khi mưa bão đến. Thế nhưng cuộc sống như muốn thử thách bản lĩnh quân nhân trẻ, khi lập gia đình riêng chưa được bao lâu, anh bất ngờ nhận được thông tin, bố bị bệnh ung thư gan chuyển nặng, còn mẹ cũng thường xuyên ốm đau. Cả 5 chị em, chỉ mình Quốc có thu nhập ổn định, sau khi nhận lương trừ lại sinh hoạt cơ bản, anh gửi số tiền còn lại về để vợ chăm lo thuốc thang cho cha, mẹ già. Rồi trong thời điểm khó khăn nhất, chàng quân nhân trẻ được an ủi phần nào khi biết vợ mang bầu, chuẩn bị được đón thành viên mới.

 Đại úy Lê Anh Quốc kiểm tra, chuẩn bị đưa con trai đi thay chân giả.

Đại úy Lê Anh Quốc kiểm tra, chuẩn bị đưa con trai đi thay chân giả.

“Xin lỗi vì để các anh chờ lâu, tại cũng khá lâu, tôi mới về thăm nhà” – Đại úy Lê Anh Quốc ôm cháu Anh Minh trở ra, khiến câu chuyện giữa chúng tôi với bà Bắc gián đoạn. Ngồi đối diện chia sẻ về quá trình thực hiện nhiệm vụ trên biên giới nhưng tay của chàng sĩ quan trẻ vẫn nhẹ nhàng bóp chân cho con trai. “Chân cháu Anh Minh bị làm sao vậy đồng chí?”- Câu hỏi của chúng tôi khiến nét mặt Lê Anh Quốc trở nên đượm buồn, ánh mắt suy tư. “Chân cháu đau lắm, không chạy nhanh được”- cậu bé Anh Minh hồn nhiên trả lời khi nghe mọi người nhắc đến tên mình. Rồi cậu bé kéo ống quần dài bên phải lên cao, để lộ chiếc chân giả bằng nhựa được gắn từ đầu gối xuống.

Lúc này, Đại úy Lê Anh Quốc mới lên tiếng: “Con không may bị dị tật bẩm sinh, khuyết chân phải từ khi mới lọt lòng. Nhưng bù lại, Anh Minh rất kiên cường, thông minh các anh ạ!” Theo lời kể của Lê Anh Quốc, dù gặp muôn vàn khó khăn nhưng khi Anh Minh bắt đầu tập đi, anh đã tích góp tiền lương, dành thời gian đưa con đi khám, lắp chân giả, mong muốn cậu bé tự tin phát triển về thể chất, tâm hồn.

“Năm đầu tiên, con trai tôi phải đưa thằng bé vào Đà Nẵng để khám, lắp chân giả với kinh phí 20 triệu đồng. Cháu đang tuổi lớn, mỗi năm ít nhất phải 2 lần đi khám, thay chân khác. Chắc lần này Quốc xin nghỉ tranh thủ về đưa Anh Minh đi kiểm tra, thay chân. Mấy hôm nay, cháu kêu chân bị chật và đau rồi. Tôi cũng ốm đau suốt, con dâu lại không có việc làm ổn định, mọi thứ trong gia đình đều một mình Quốc gánh vác. Tôi rất thương và tự hào khi con trai luôn vững vàng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và hết mực chăm lo cho gia đình", bà Bắc ngậm ngùi.

Tâm huyết với nhiệm vụ, hết lòng vì đồng bào

Đó là chia sẻ của Thượng tá Nguyễn Xuân Linh, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay khi được chúng tôi hỏi về sĩ quan trẻ thuộc biên chế đơn vị. Cán bộ, chỉ huy đồn biên phòng cũng chia sẻ để chúng tôi hiểu thêm về nhiệm vụ của những người lính mang quân hàm xanh nơi biên cương Tổ quốc. Trên đoạn biên giới dài hơn 22,5km và địa bàn hai xã A Bung và A Ngo (huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị) do Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay quản lý từng là một trong những khu vực trọng điểm của các loại tội phạm hoạt động, nhất là tội phạm ma túy xuyên quốc gia.

Trước tình hình thực tế, trên cương vị của mình, Đại úy Lê Anh Quốc đã cùng đồng đội bám dân, nắm thông tin, tham mưu cho chỉ huy đơn vị nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm một cách hiệu quả. Trong đó, Đại úy Lê Anh Quốc đã đề xuất đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật cho nhân dân, dựa vào dân để bảo vệ biên giới, bảo đảm an ninh trật tự. Cá nhân anh cũng là một cán bộ tuyên truyền viên xuất sắc.

“Cán bộ biên phòng nói về những kiến thức pháp luật cho bà con một cách rất dễ nhớ, dễ hiểu. Nhân dân địa phương cũng quen với hình ảnh sĩ Đại úy Lê Anh Quốc cùng đồng đội đến tận nhà cán bộ thôn bản, người có uy tín và các hộ dân để nắm tình hình về an ninh trật tự trên địa bàn", ông Hồ Văn Long, thôn A Rông Dưới, xã A Ngo, huyện ĐaKrông cho biết.

 Đại úy Lê Anh Quốc cùng đồng đội trao tận tay bát cháo nghĩa tình tặng bệnh nhân nghèo.

Đại úy Lê Anh Quốc cùng đồng đội trao tận tay bát cháo nghĩa tình tặng bệnh nhân nghèo.

Cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân, Đại úy Lê Anh Quốc đề xuất ban chỉ huy đồn biên phòng phối hợp chính quyền địa phương 2 xã A Bung và A Ngo thành lập, duy trì 16 tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới. Từ quá trình lao động, sinh hoạt, người dân đã nắm bắt, cung cấp nhiều thông tin có giá trị giúp Bộ đội Biên phòng kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm phạm biên giới. Cũng theo chia sẻ của đồng đội trong đơn vị, Đại úy Lê Anh Quốc là người rất dũng cảm, kiên quyết trong đấu tranh, trấn áp tội phạm, chặt chẽ, chỉn chu trong hoàn thiện hồ sơ khép lại các vụ án.

Trong những năm qua, Lê Anh Quốc đã trực tiếp tham gia đấu tranh triệt xóa nhiều đường dây, tổ chức tội phạm ma túy có quy mô lớn, trấn áp nhiều đối tượng nguy hiểm. Điển hình, đầu năm 2024, Đại úy Lê Anh Quốc đã được cấp trên giao nhiệm vụ tham gia điều tra, đấu tranh Chuyên án A424-3p, triệt xóa đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy số lượng lớn từ Lào vào biên giới tỉnh Quảng Trị đưa đi các địa phương khác của nước ta tiêu thụ. Sau nhiều tháng gian khổ, anh cùng đồng đội đã góp sức nắm rõ thủ đoạn, đấu tranh thành công chuyên án bắt giữ 5 đối tượng, thu giữ 100 bánh heroin cùng nhiều tang vật liên quan.

Cùng với nhiệm vụ chuyên môn, Đại úy Lê Anh Quốc được biết đến là thủ lĩnh đoàn năng động, khi anh cùng cán bộ, chiến sĩ trẻ đơn vị có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa hướng đến hỗ trợ cuộc sống đồng bào vùng biên. “Xuất thân từ gia đình khó khăn, tôi càng thấu hiểu với những thiếu thốn mà đồng bào Pa Cô, Vân Kiều trên địa bàn gặp phải. Từ đó, tôi đã trao đổi với các đồng chí đoàn viên, thanh niên đơn vị và địa phương để lên ý tưởng tổ chức, duy trì một số hoạt động mong muốn giúp đỡ được phần nào đó để cuộc sống bà con đỡ vất vả hơn", Đại úy Lê Anh Quốc chia sẻ.

Hơn 3 năm qua, cứ vào sáng thứ 6 hằng tuần, những bệnh nhân nghèo đang điều trị tại cơ sở 2, Trung tâm Y tế huyện Đakrông đều vui mừng phấn khởi đón nhận những suất cháo dinh dưỡng, nghĩa tình do Lê Anh Quốc và đoàn viên, thanh niên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay trực tiếp nấu, trao tận tay. Để có được bát cháo nóng, thơm ngon tặng bệnh nhân nghèo, cán bộ, chiến sĩ trẻ đơn vị biên phòng đã thức khuya, dậy sớm để chuẩn bị. Mỗi bát cháo đến với người dân không chỉ là bữa ăn mà còn là tình cảm của những người lính dành cho đồng bào. Người dân địa phương cũng đã quen với hình ảnh đoàn viên trẻ đơn vị biên phòng và các địa phương đều đặn mang những ổ bánh mì đến các điểm trường xa xôi để tặng học trò nghèo. Chương trình “ổ bánh mì nơi biên cương” được Chi đoàn Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay tổ chức, duy trì đã được 5 năm. Bên cạnh đó, Đại úy Lê Anh Quốc cùng đồng đội còn triển khai mô hình “dê giống khởi nghiệp”, tặng giống vật nuôi cho các gia đình nghèo...

Quá trình tìm hiểu hoàn thành bài viết, chúng tôi còn được Thượng tá Nguyễn Xuân Linh, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay chia sẻ rằng, Đại úy Lê Anh Quốc thường khéo léo từ chối khi được đề nghị khen thưởng. Tôi liền đưa câu chuyện hỏi chàng sĩ quan trẻ: “Tại sao đồng chí lại thường xin rút khỏi danh sách đề nghị khen thưởng của đơn vị”? Nghe vậy, Đại úy Lê Anh Quốc liền chia sẻ: “Trong thời gian công tác, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, các lĩnh vực khác, tôi luôn nhận được sự quan tâm, chỉ bảo từ các đồng chí, đồng đội có kinh nghiệm đi trước. Cùng với đó, tôi cũng được ban chỉ huy, mọi người tạo điều kiện về thời gian mỗi khi có việc gia đình cần giải quyết. Tôi suy nghĩ việc khen thưởng nên dành cho các đồng chí có thành tích, cống hiến tốt hơn”.

Bài và ảnh: VIẾT LAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/si-quan-tre-vuot-qua-nghich-canh-song-dep-cho-doi-791260
Zalo