Shangri-La 2019: Mỹ, Trung cạnh tranh chiến lược ngày càng quyết liệt

Lãnh đạo quốc phòng Mỹ và Trung Quốc sẽ đưa ra những thông điệp trái ngược tại diễn đàn năm nay trong bối cảnh hai cường quốc đang căng thẳng trong một loạt vấn đề.

Đối thoại Shangri-La, diễn đàn hàng đầu về an ninh châu Á - Thái Bình Dương, năm nay thu hút sự chú ý đặc biệt vì sự xuất hiện của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2011, Bắc Kinh cử quan chức cấp bộ trưởng tham dự diễn đàn - nơi Trung Quốc thường xuyên bị các nước chỉ trích về sự "trỗi dậy" và các động thái quân sự hóa ở các vùng biển.

Giới quan sát đang trông chờ màn "cọ xát" giữa ông Ngụy và quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan. Cả hai sẽ có bài phát biểu quan trọng tại đối thoại.

Trong khi ông Shanahan sẽ đề cập đến duy trì trật tự dựa trên luật lệ tại châu Á - Thái Bình Dương, ông Ngụy dự kiến sẽ nhấn mạnh "tính châu Á" hay "những giá trị châu Á" trong tầm nhìn về một trật tự mới cho khu vực, theo các nhà phân tích.

"Đây sẽ là cuộc chiến truyền thông giữa hai cường quốc", tiến sĩ Trương Bạc Hối, giảng dạy khoa học chính trị và là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương tại Đại học Lĩnh Nam, Hong Kong, nói với Zing.vn.

Tháng 11/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó, ông James Mattis, đón Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa ở Washington. Người đứng đầu phái đoàn Mỹ đến Shangri-La lần này sẽ là quyền Bộ trưởng Shanahan. Ảnh: Reuters.

Tháng 11/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó, ông James Mattis, đón Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa ở Washington. Người đứng đầu phái đoàn Mỹ đến Shangri-La lần này sẽ là quyền Bộ trưởng Shanahan. Ảnh: Reuters.

Trở lại sân khấu chính

Diễn đàn thường niên tại Singapore vốn là sân khấu lớn cho sự xuất hiện của lãnh đạo quốc phòng các nước, để nói về các vấn đề an ninh khu vực. Những năm qua, Trung Quốc đều cử quan chức cấp thấp hoặc học giả tham dự - hai năm gần đây nhất là lãnh đạo của Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc - vì không muốn quan chức cấp cao phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa tại diễn đàn.

Việc Trung Quốc sau 8 năm "im ắng" cử bộ trưởng quốc phòng đến Đối thoại Shangri-La có thể không quá bất ngờ nhưng cũng gợi lên nhiều suy đoán về thông điệp của Bắc Kinh.

Tiến sĩ Koh Swee Lean Collin, nghiên cứu và giảng dạy tại Trường Quan hệ Quốc tế Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, cho rằng lý do có thể là quân đội Trung Quốc "ít nhiều đã hoàn tất việc cải tổ" và Bắc Kinh đang quay lại "tái khởi động" ngoại giao quốc phòng.

Ngoài ra, việc Diễn đàn Hương Sơn, vốn được Bắc Kinh tạo ra để đối trọng với Diễn đàn Shangri-La, không đạt hiệu quả như kỳ vọng có lẽ cũng khiến giới chức Trung Quốc phải thay đổi chính sách.

"Tôi tin giới tinh hoa chính sách Trung Quốc chắc hẳn đã cảm thấy không thể tiếp tục để bộ trưởng 'ngồi nhà', và để Đối thoại Shangri-La trở thành diễn đàn thuần chỉ trích Trung Quốc mãi được nữa", ông Koh trả lời Zing.vn.

Trong những năm qua, Trung Quốc gần như bị cô lập giữa những lời chỉ trích thẳng thừng của đại diện các nước tại Đối thoại Shangri-La, xoay quanh những hành động ngang ngược của Bắc Kinh. Tại đối thoại năm ngoái, bộ trưởng quốc phòng Mỹ khi đó là tướng James Mattis mạnh mẽ chỉ trích việc Trung Quốc quân sự hóa các điểm và thực thể trên Biển Đông, nói Mỹ "có thể đối đầu cứng rắn nếu cần".

Những đe dọa tương tự cũng được đưa ra tại sự kiện năm 2017, khi ông Mattis cáo buộc Trung Quốc coi thường lợi ích các quốc gia khác và không tuân thủ luật pháp quốc tế.

"Tham dự Đối thoại Shangri-La, ông Ngụy có thể chuyển tải thông điệp mới, quan trọng đến cộng đồng quốc tế mà có thể thách thức những cáo buộc của ông Shanahan", phó giáo sư Thành Hiểu Hà, giảng dạy về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nhận xét.

Theo chuyên gia Trương Bạc Hối, Bắc Kinh có lẽ đã lo lắng trước việc Mỹ ngày càng tỏ rõ thái độ gay gắt và cạnh tranh hơn với Trung Quốc. Mới đây, Washington không chỉ tăng cường tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông, thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, mà còn đang xem xét một dự luật tại thượng viện nhằm trừng phạt các cá nhân, tổ chức làm tổn hại hòa bình và ổn định tại khu vực.

"Trung Quốc muốn dùng những quan chức ở cấp quan trọng hơn để thuyết phục các nước trong khu vực rằng sự trỗi dậy của nước này không phải là mối đe dọa với họ", ông Trương nói. "Điều này về cơ bản cho thấy cạnh tranh chiến lược ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực".

Diễn đàn thường niên tại Singapore được xem là sân khấu lớn cho sự xuất hiện của lãnh đạo quốc phòng các nước. Ảnh: Reuters.

Diễn đàn thường niên tại Singapore được xem là sân khấu lớn cho sự xuất hiện của lãnh đạo quốc phòng các nước. Ảnh: Reuters.

Chi tiết cho chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương

Trong lần đầu tiên sau 8 năm Bắc Kinh cử một vị bộ trưởng quốc phòng, Washington thậm chí còn chưa có được sự chấp thuận cho vị bộ trưởng Quốc phòng mới. Ông Patrick Shanahan hiện vẫn chỉ là quyền bộ trưởng Quốc phòng.

"Trong bối cảnh Mỹ chỉ có thể gửi một quyền bộ trưởng và cả khu vực đang lo lắng về sự cam kết của Washington, Trung Quốc đang lợi dụng cơ hội này để gửi đến một quan chức cấp cao hơn và chiếm lấy sân khấu", Gregory B. Poling, Giám đốc chương trình nghiên cứu Đông Nam Á và Thái Bình Dương, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định với Zing.vn.

"Đây là động thái khôn ngoan của Trung Quốc, sau nhiều năm họ chịu chỉ trích vì chỉ gửi các quan chức cấp thấp đến để né tránh các câu hỏi gai góc", ông nói.

Hầu như các nhà quan sát đều cho rằng người đứng đầu bộ quốc phòng của Mỹ và Trung Quốc sẽ đưa ra những thông điệp khác nhau, thậm chí trái ngược, về tầm nhìn cho khu vực.

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Shanahan, người từng nói trọng tâm của quân đội Mỹ giờ đây là "Trung Quốc, Trung Quốc và Trung Quốc", được dự báo sẽ tiết lộ những chi tiết mới liên quan đến chiến lược "Ấn Độ - Thái Bình Dương Tự do và Mở" của chính quyền Trump. Đây cũng là chuyến đi đầu tiên của ông Shanahan đến châu Á trên cương vị này.

"Đây là cơ hội tốt để (ông Shanahan) công bố tài liệu giúp làm rõ chính sách và mối quan tâm của Mỹ tại khu vực", ông Brian Harding, chuyên gia tại CSIS, nói với Zing.vn.

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan. Ảnh: Reuters.

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan. Ảnh: Reuters.

Theo vị chuyên gia, ông Shanahan có thể tiết lộ một "báo cáo chiến lược" phù hợp với Chiến lược An ninh Quốc gia của Mỹ (NSS) cũng như các phát biểu và tài liệu khác hiện có. Lầu Năm Góc đã công bố một vài "báo cáo chiến lược" như vậy trong thập niên 1990 nhưng gần đây không tiến hành việc này.

Đối đầu chiến lược mới

Ông Poling thì cho rằng quyền bộ trưởng Mỹ sẽ làm rõ khía cạnh quốc phòng trong chiến lược "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Mở" vì sau hơn hai năm, "hầu hết đối tác Mỹ ở châu Á vẫn không hiểu chính xác về nội hàm chiến lược".

"Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao chưa từng giải thích rõ (về chiến lược), vì vậy Lầu Năm Góc ít nhất đang tìm cách làm rõ nội dung về quốc phòng của nó", ông Poling nói.

Trong bối cảnh căng thẳng hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc, phát biểu của ông Shanahan về chiến lược khu vực có thể được xem là lời kêu gọi các đồng minh và đối tác "cùng nhau chống lại điều mà chính quyền Trump xem là nỗ lực thay đổi trật tự dựa trên luật lệ của Bắc Kinh".

"Ông ấy có thể tuyên bố rằng quan hệ đồng minh và đối tác của Mỹ tại châu Á đang được tăng cường thông qua những sáng kiến mới, bao gồm việc đưa trang thiết bị đến một số nước để hỗ trợ giám sát hàng hải và chống khủng bố (Philippines), một số cuộc tập trận đa phương đã được lên kế hoạch (có thể tại Biển Đông) và hồi sinh quan hệ đồng minh cũ (Thái Lan)", chuyên gia Koh dự đoán.

Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Mở được TT Trump công bố năm 2017 nhưng kế hoạch cụ thể về nó vẫn luôn mơ hồ. Ảnh: Reuters.

Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Mở được TT Trump công bố năm 2017 nhưng kế hoạch cụ thể về nó vẫn luôn mơ hồ. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, cũng theo chuyên gia Koh, ông Ngụy Phượng Hòa có thể sẽ nhấn mạnh "tính châu Á" hay "những giá trị châu Á" khi đưa ra tầm nhìn mới cho khu vực.

"Ông Ngụy có thể sẽ cố khắc họa những gì ông Shanahan nói là lời kêu gọi thiết lập trật tự khu vực độc quyền nhằm kiềm chế Trung Quốc. Đồng thời ông cũng có thể tìm cách nhấn mạnh thông điệp của Trung Quốc là nước này tìm kiếm một trật tự thế giới bao trùm", ông Koh nói.

Trung Quốc đã và đang nỗ lực xây dựng hình ảnh một người ủng hộ toàn cầu hóa và cơ chế đa phương, đối lập với chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump. Bắc Kinh cũng đang ra sức tìm kiếm sự ủng hộ cho chiến lược "Vành đai, Con đường", sáng kiến kết nối hạ tầng được kỳ vọng giúp Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng toàn cầu.

"Tôi nghĩ ông Ngụy sẽ nhấn mạnh sự hợp tác với các nước châu Á vì lợi ích kinh tế, vì mục tiêu cùng thắng", tiến sĩ Peter Layton, nghiên cứu viên tại Viện Châu Á Griffith ở Australia, nói với Zing.vn. "Tôi nghĩ ông ấy sẽ cố tạo ra sự đối lập rõ ràng giữa ông và quyền bộ trưởng Shanahan".

Ông Ngụy sẽ phát biểu vào ngày 2/6, một ngày sau phát biểu của ông Shanahan. Diễn đàn diễn ra trong ba ngày có sự góp mặt của bộ trưởng quốc phòng nhiều nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp...

"Sẽ là cuộc tranh chấp ăn miếng trả miếng giữa hai vị bộ trưởng", ông Thành Hiểu Hà nói.

Vũ Mạnh - Phương Thảo

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/shangri-la-2019-my-trung-canh-tranh-chien-luoc-ngay-cang-quyet-liet-post951425.html
Zalo