SGK Ngữ Văn theo chương trình mới tạo nhiều cảm hứng cho giáo viên và học sinh
Nội dung trong SGK Ngữ Văn - bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống rất gần gũi và bám sát thực tiễn, giúp học sinh dễ dàng vận dụng trong thực tế.
Tác động tích cực đến cả giáo viên và học sinh
Năm học 2024 - 2025, chương trình giáo dục phổ thông mới tiếp tục được triển khai cuốn chiếu ở lớp 5, 9, 12. Như vậy, chương trình giáo dục phổ thông mới đã được triển khai ở tất cả cấp học, lớp học.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Phạm Thị Hương Thảo – giáo viên Ngữ văn – Tổ trưởng tổ Xã hội, Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: Sách giáo khoa là một phương tiện, tài liệu tham khảo vô cùng quan trọng mà bất kỳ một môi trường giáo dục nào cũng đều cần đến.
Theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2006, sách giáo khoa được coi là pháp lệnh, là duy nhất, thể hiện đồng nhất trên toàn quốc với mục tiêu tiếp cận chuẩn kiến thức kỹ năng.
Lâu nay, hầu hết giáo viên đã quen với việc dạy học bám sát nội dung trong sách giáo khoa. Nói cách khác thì sách giáo khoa trước đây được xem là “pháp lệnh” của cả giáo viên và học sinh.
Còn hiện nay, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có điểm khác biệt khi tiêu chuẩn, yêu cầu và mục tiêu đề ra là tiếp cận phẩm chất, năng lực người học.
Theo đó, sách giáo khoa chương trình 2018 có vai trò là nguồn tài liệu tham khảo, là sự triển khai cụ thể hóa chương trình giáo dục mới.
Lúc này, pháp lệnh mà giáo viên phải đảm bảo chính là chương trình khung với mục tiêu và yêu cầu cần đạt ở cuối mỗi lớp học. Còn những bộ sách giáo khoa được coi như những phương tiện khác nhau để giáo viên và học sinh hoàn thành các mục tiêu ấy.
Vậy nên việc triển khai, thực hiện theo chương trình giáo dục mới sẽ làm thay đổi căn bản cách dạy học của giáo viên, đòi hỏi sự chủ động của thầy cô giáo trong việc biên soạn giáo án, tổ chức kế hoạch dạy học cũng như sự sáng tạo và tâm huyết trong từng bài giảng được yêu cầu cao hơn.
Đối với người học, đây là nguồn tài liệu chính thống để học tập và rèn luyện các yêu cầu cần đạt của chương trình mới.
“Khi sách giáo khoa không còn là pháp lệnh nhất nhất phải làm theo mà chỉ là một học liệu quan trọng cho giáo viên tham khảo dạy học, các thầy cô buộc phải thay đổi trong phương pháp, cách thức giảng dạy, dám thử nghiệm nhiều hơn để làm mới chính mình và bài giảng của mình mỗi ngày.
Hiện nay, sách giáo khoa chỉ là phương tiện, tài liệu tham khảo cung cấp các chất liệu dạy học cho giáo viên. Còn sử dụng chất liệu nào, dạy chủ đề nào trước, chủ đề nào sau hoàn toàn phụ thuộc vào sự chủ động của giáo viên, miễn là bám sát yêu cầu đặt ra của chương trình môn học”, cô Hương Thảo chia sẻ.
Lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học của cơ sở đào tạo
Đối với Trường Trung học cơ sở Lê Lợi, trước khi nhà trường quyết sử dụng bộ sách nào để giảng dạy bộ môn nào, các thầy cô phụ trách bộ môn tương đương sẽ phải làm báo cáo, phân tích đặc điểm của bộ sách đã lựa chọn và nếu được thông qua thì mới được phép giảng dạy trong trường.
Trên cương vị là Tổ trưởng tổ Xã hội, cô Thảo cho biết bản thân đã dành một khoảng thời gian dài để phân tích các bộ sách. Sau cùng, quyết định lựa chọn bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống sẽ là tài liệu để giáo viên tổ xã hội tham khảo và sử dụng trên lớp.
Riêng với bộ môn Ngữ Văn, cô cho biết chương trình mới có sự đổi mới hoàn toàn, tập trung đề cao việc kiểm tra đánh giá năng lực người học.
Theo cô Thảo chia sẻ, đối với chương trình 2006, trước đây giáo viên dạy môn Ngữ Văn chỉ được dạy nội dung trong sách nên việc học thường áp dụng theo phương thức cô đọc, trò chép, lâu dài đã hình thành tâm lý thụ động, học vẹt cho học sinh.
Tuy nhiên, với chương trình mới 2018, giáo viên được “vượt rào” trong việc sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa. Thậm chí ngữ liệu sử dụng trong đề thi cũng không được trùng với ngữ liệu trong sách giáo khoa mà giáo viên giảng dạy trên lớp.
“Cái hay của sách giáo khoa Ngữ Văn - bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống chính là nội dung bài học được chia theo thể loại. Và ở mỗi thể loại, học sinh sẽ nắm được những đặc trưng cơ bản của thể loại đó, dạng bài đó, sau đó sẽ phải vận dụng với 1 bài mới hoàn toàn và buộc người học phải chủ động tư duy thay vì chỉ tập trung học 1 bài, 1 nội dung như trước.
Ban đầu đối với người dạy sẽ thấy rất khó khăn vì phải tìm cách làm sao để học sinh đang từ thói quen học tủ, học vẹt sang cách học tư duy. Đặc biệt ở môn Văn người học có tâm lý ngại đọc, khả năng diễn đạt, năng lực chính tả còn hạn chế.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào những ưu điểm, mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 thì sẽ thấy được sách giáo khoa mới có khả năng giúp học sinh “nhàn” hơn khi học sách cũ vì người học chỉ cần học nội dung một bài và biết cách tư duy thì sẽ áp dụng được cho nhiều bài khác nhau.
Trong sách giáo khoa Ngữ Văn - bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, các đầu bài đều được đặt theo hướng tiếp cận nội dung.
Cụ thể với chủ đề Tình bạn sẽ có bài Tôi và các bạn; chủ đề Tình cảm có bài học Giai điệu tâm hồn….Việc đặt tên đầu bài tương ứng với nội dung giúp người học dễ dàng tiếp nhận ngữ liệu, kiến thức được truyền tải.
Bên cạnh đó, bộ sách còn sử dụng nhiều ngữ liệu và đặt câu hỏi bám sát với đời sống, giúp học sinh có thể vận dụng dễ dàng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn. Qua đó góp phần phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất học sinh”, cô Phạm Thị Hương Thảo nêu quan điểm.
Cùng sử dụng bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống cho quá trình dạy học tại trường, cô Bùi Thị Hồng Yến - giáo viên bộ môn Ngữ Văn, Trường Trung học cơ sở Chương Dương (Hà Nội) cũng cho rằng kiến thức bộ sách mang lại đáp ứng được đầy đủ yêu cầu khung chương trình giáo dục 2018.
Bên cạnh đó, ngữ liệu trong sách được cập nhật phù hợp với nhận thức, trình độ tiếp thu của học sinh, phát huy được năng lực, phẩm chất người học.
Theo nhận xét của cô Hồng Yến, nhìn chung, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống đã kế thừa những ưu điểm, thành tựu từ chương trình giáo dục 2006 như việc giữ nguyên các tác phẩm kinh điển từ bộ sách giáo khoa cũ, đồng thời kết hợp và cập nhật nhiều tác phẩm mới một cách có chọn lọc.
Đối với môn Ngữ Văn, bộ sách đã mang đến một làn gió mới cùng nhiều sự thay đổi tích cực.
Đầu tiên là việc ngữ liệu được sử dụng trong sách rất mới mẻ, gần gũi với học sinh và đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu văn học theo từng thể loại.
Thứ hai, ngay từ nhan đề bộ sách là “Kết nối tri thức với cuộc sống” đã cho thấy yếu tố thực tiễn mà bộ sách mang lại. Đó là những ngữ liệu, câu hỏi, ví dụ gần gũi được lấy từ trong thực tế để giúp học sinh có cơ hội áp dụng lý thuyết sách vở vào những câu chuyện thực tế một cách dễ dàng.
Ví dụ trước đây khi học tác phẩm Quê hương, người học sẽ chỉ biết đến nội dung trọng tâm của bài thì theo mục tiêu chương trình 2018, học sinh khi học bài Quê hương sẽ nắm được kiến thức nền tảng và cách tư duy linh động để giải quyết được tất cả các tác phẩm khác có cùng thể loại, đặc trưng với bài Quê hương.
Sách giáo khoa Ngữ Văn theo chương trình mới không chỉ giải quyết tình trạng học vẹt, học tủ, thụ động của học sinh mà còn phát huy được năng lực sáng tạo qua nhiều tác phẩm khác nhau.
"Khi học sách giáo khoa Ngữ Văn thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, học sinh rất hào hứng vì được tiếp xúc với nhiều ngữ liệu mới, đặc biệt các câu chuyện, nội dung trong sách đều gần gũi, bám sát thực tiễn nên các em rất dễ hiểu và dễ vận dụng.
Với mục tiêu của chương trình giáo dục 2018, người học sẽ mở rộng tầm hiểu biết và phát triển tư duy, giáo viên giảng dạy cũng cần linh động và đổi mới phương pháp giảng dạy, tích cực truyền tải những nội dung mới để tạo sự hứng thú trong mỗi tiết học", cô Hồng Yến chia sẻ.