Serbia không xấu hổ khi từ chối áp lệnh trừng phạt chống Nga

Bất chấp áp lực từ phương Tây, chính quyền Belgrade không áp đặt bất kỳ biện pháp trừng phạt kinh tế nào với Nga kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukaine vào tháng 2/2022.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic phát biểu tại cuộc họp báo hôm 29/8. Ảnh: Getty

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic phát biểu tại cuộc họp báo hôm 29/8. Ảnh: Getty

“Belgrade không cảm thấy xấu hổ khi từ chối thực hiện lệnh trừng phạt đối với Moscow liên quan đến chiến sự tại Ukraine” - đài RT trích dẫn tuyên bố của Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 29/8.

Nhà lãnh đạo Pháp ngày 29/8 đã đến Belgrade trong chuyến thăm Serbia kéo dài hai ngày. Trong cuộc hội đàm diễn ra cùng ngày, hai Tổng thống Vucic và Macron đã thống nhất về việc bán 12 máy bay phản lực đa năng Rafale do Pháp sản xuất cho quốc gia Balkan. Tổng giá trị của thỏa thuận quốc phòng trên, bao gồm cả phụ tùng thay thế và phí dịch vụ, lên tới 2,7 tỷ euro (tương đương 3 tỷ USD).

Trả lời câu hỏi của phóng viên rằng liệu việc mua chiến đấu cơ của Pháp có phải là sự “xa lánh” Nga và gần gũi hơn với Liên minh châu Âu (EU) hay không, Tổng thống Vucic khẳng định, ông hiểu rõ rằng Tổng thống Macron muốn Belgrade cam kết trừng phạt Moscow, nhưng điều đó chắc chắn sẽ không xảy ra.

Ông Vucic lưu ý thêm, mặc dù không tham gia lệnh trừng phạt của phương Tây sau khi bùng phát xung đột giữa Moscow và Kiev, Serbia vẫn ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và cung cấp viện trợ nhân đạo cho Kiev.

Trong khi đó, Tổng thống Macron cho biết, quyết định mới nhất của Belgrade là một sự thay đổi chiến lược. "Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều người chỉ trích quan hệ đối tác của Serbia với Trung Quốc hoặc Nga, và giờ đây Serbia lại có quan hệ đối tác với Pháp" - Tổng thống Macron nói, đồng thời khẳng định ông tôn trọng chủ quyền và quan hệ đối tác quốc tế của Belgrade.

Giữa tháng này, Bộ trưởng Hợp tác kinh tế quốc tế của Serbia Nenad Popovich cho biết, nước này đang theo đuổi chính sách đối ngoại đa phương. Ông Popovich lưu ý rằng Belgrade đang hướng tới mục tiêu phát triển hợp tác với châu Âu, châu Á và thế giới Hồi giáo, đồng thời khẳng định quốc gia vùng Balkan này đang ưu tiên cho việc gia nhập EU.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Popovich nhấn mạnh, điều kiện tiên quyết của Brussels là Serbia phải áp đặt lệnh trừng phạt và cắt đứt quan hệ với Nga là "hoàn toàn không thể chấp nhận được".

Ông nói thêm phần lớn người dân Serbia phản đối bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với Nga và điều này đã được chứng minh từ các cuộc thăm dò ý kiến. Theo Bộ trưởng, những mối quan hệ kinh tế này dựa trên mối quan hệ chính trị sâu sắc, với việc Nga ủng hộ Serbia trong những vấn đề quan trọng.

Trước đó, hồi tháng 4 năm nay, Tổng thống Vucic cũng tuyên bố, bất chấp mọi áp lực bên ngoài, quan điểm ủng hộ Nga vẫn được quốc gia này duy trì trong suốt quãng thời gian diễn ra xung đột tại Ukraine.

Trong một diễn biến liên quan, tờ Euractiv ngày 29/8 đưa tin, EU có thể sẽ gặp khó khăn trong việc thông qua gói trừng phạt mới nhắm vào Nga do sự phản đối của Hungary - nước đang đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU.

Theo các nguồn tin của Euractiv, những bất đồng giữa Brussels và Hungary sẽ tác động đến quá trình ra quyết định trong khối, khiến các thành viên khó có thể thống nhất về gói trừng phạt thứ 15 đối với Nga trong vài tháng tới.

EU và Hungary gần đây leo thang căng thẳng về việc nới lỏng thị thực cho Nga và Belarus. Tháng trước, Ủy ban châu Âu quyết định sẽ giảm cấp độ tham gia các cuộc họp trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên của Hungary kéo dài trong 6 tháng cuối năm nay.

Ủy ban châu Âu, cơ quan chịu trách nhiệm đưa ra đề xuất về các biện pháp trừng phạt, được cho là sẽ không muốn mạo hiểm gây thêm căng thẳng với chính quyền Budapest. Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết, mọi thứ có thể thay đổi tùy thuộc vào tình hình thực tế tại Ukraine. Theo các nhà ngoại giao châu Âu, chiến sự leo thang có thể buộc Brussels phải siết thêm biện pháp han chế mới đối với Moscow.

EU hôm 24/6 đã thông qua gói trừng phạt thứ 14 đối với Nga, nhắm vào đội tàu của Moscow vận chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) qua châu Âu cũng như một số công ty.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/serbia-khong-xau-ho-khi-tu-choi-ap-lenh-trung-phat-chong-nga.html
Zalo