Sếp Vinamilk: Vị thế dẫn đầu hôm nay không bảo đảm tương lai doanh nghiệp vẫn là nhà vô địch
Trong thời đại công nghệ số cùng với xu hướng cá nhân hóa với những yêu cầu ngày càng cao từ người tiêu dùng, doanh nghiệp phải nhận thức được vai trò to lớn của đổi mới sáng tạo. Nói như Giám đốc điều hành Marketing của Vinamilk: Vị thế dẫn đầu hôm nay không bảo đảm doanh nghiệp vẫn là nhà vô địch trong tương lai...
Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia (THQG) Việt Nam năm 2025 diễn ra ngày 16/4 tại Hà Nội có chủ đề "Bứt phá từ đổi mới sáng tạo”. Tại đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, trong những năm gần đây, THQG Việt Nam đã có bước tiến ấn tượng. Theo Brand Finance, năm 2024, giá trị THQG được định giá 507 tỷ USD, xếp hạng 32 thế giới – tăng 1 bậc so với năm 2023.
Được Chính phủ phê duyệt từ năm 2003, chương trình THQG Việt Nam với các giá trị cốt lõi gồm: chất lượng, đổi mới sáng tạo (ĐMST) và năng lực tiên phong đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu mạnh, nâng cao uy tín hàng hóa và dịch vụ Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học – công nghệ và ĐMST, vai trò của thương hiệu quốc gia càng trở nên cấp thiết.
Với chủ đề "Bứt phá từ ĐMST” của diễn đàn lần này, Thứ trưởng nhấn mạnh, ĐMST là chìa khóa nâng cao năng suất, chất lượng, đồng thời tạo ra sự khác biệt bền vững trong môi trường toàn cầu cạnh tranh gay gắt. Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, kinh tế số lan tỏa, xu hướng tiêu dùng xanh – sạch – thông minh lên ngôi, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động thích ứng và tiên phong sáng tạo.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo tạo ra sự khác biệt bền vững trong môi trường toàn cầu cạnh tranh gay gắt.
Thông tin thêm về chủ đề diễn đàn, ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, ĐMST không chỉ là ứng dụng công nghệ, mà còn là sự thay đổi trong tư duy quản trị, mô hình kinh doanh và chiến lược thương hiệu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và tính bền vững của sản phẩm, dịch vụ. Khi các doanh nghiệp chú trọng đổi mới, họ có thể khẳng định vị thế trên thị trường, chinh phục người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Trong thời đại kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ĐMST là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, môi trường và trách nhiệm xã hội.
"Thông qua chủ đề này, Bộ Công Thương mong muốn thúc đẩy một làn sóng đổi mới mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp Việt, khuyến khích họ đầu tư vào công nghệ, nâng cao giá trị thương hiệu, từ đó nâng tầm vị thế của THQG Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới", ông Chiến chia sẻ.
Chia sẻ kinh nghiệm ĐMST để xây dựng thương hiệu doanh nghiệp vững mạnh, ông Nguyễn Quang Trí - Giám đốc điều hành Marketing, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, tháng 7/2023, Vinamilk bắt đầu hành trình chuyển đổi mới bằng việc công bố bộ nhận diện thương hiệu mới.
"Nhiều người đặt câu hỏi "tại sao đang yên đang lành, có giá trị thương hiệu lớn, vẫn đang tăng trưởng bền vững lại thay đổi logo, tái định vị thương hiệu". Chúng tôi luôn tâm niệm rằng: đã tốt càng phải làm tốt hơn nữa. Vị thế dẫn đầu hôm nay không bảo đảm vẫn là nhà vô địch trong tương lai, chưa kể đến những thách thức doanh nghiệp gặp phải", ông Trí nói.

Các sản phẩm Vinamilk liên tục được đổi mới, nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cá nhân hóa của người tiêu dùng
Theo ông Trí, một trong những thách thức lớn mà doanh nghiệp đối mặt là nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng phân hóa. Người muốn có sản phẩm ngày càng cao cấp hơn, người muốn có sản phẩm phổ biến, hợp với túi tiền. Doanh nghiệp không thể cung cấp giải pháp cho toàn bộ, mà phải có nhiều phân khúc nhỏ khác nhau. Nhu cầu cung cấp các giải pháp, sản phẩm, dịch vụ ngày càng cá nhân hóa hơn.
Ở góc độ chuyên gia, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thịnh khuyến nghị, doanh nghiệp cần tiếp cận thực tiễn và bao quát hơn về đổi mới sáng tạo. Doanh nghiệp cần phải nhìn nhận ở khía cạnh đổi mới sản phẩm, đổi mới quy trình, đổi mới tổ chức và khai thác công nghệ.
Trong đó, phải tạo ra những sản phẩm có tính khác biệt, giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu thay đổi liên tục của thị trường. Tối ưu hóa sản xuất, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, đồng thời tăng tính linh hoạt trong vận hành. Đổi mới tổ chức bao gồm cơ cấu tổ chức, cách thức vận hành nhằm thích ứng với bối cảnh công nghệ và chuyển đổi số ngày càng sâu rộng.
Về khai thác công nghệ, cần tận dụng công nghệ hiện đại, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo và nền tảng số, để đầu tư vào hoạt động R&D, gia tăng sức mạnh nội lực sáng tạo.
"Doanh nghiệp có thương hiệu mạnh không chỉ đầu tư vào sản phẩm, mà còn đầu tư vào quá trình đổi mới toàn diện, từ nghiên cứu phát triển đến quản trị, vận hành và chăm sóc khách hàng. Chỉ như vậy, doanh nghiệp mới có thể dẫn dắt thị trường, tạo ra giá trị khác biệt, và phát triển bền vững", chuyên gia nhấn mạnh.