Self-help, từ cuốn sách tới thể loại thay đổi ngành xuất bản
Một thể loại sách kỳ lạ ra đời tại Anh đã mang lại doanh thu lớn cho nhà xuất bản, theo The Economist.
Năm 1859 là một năm quan trọng đối với ngành xuất bản của Anh. Cuốn On the Origin of Species (Nguồn gốc các loài) của Charles Darwin đã được xuất bản, cùng cuốn On Liberty (Bàn về tự do) của nhà triết học thực chứng Anh John Stuart Mill.
Nguồn gốc của sách self-help
Ngoài ra, còn có một cuốn sách của một tác giả tên là Samuel Smiles. Vào thời đó, tác phẩm này bị coi là nhàm chán, viết tệ và bị giới phê bình chỉ trích. Một nhà văn thậm chí đã gọi những cuốn sách cùng loại như vậy là "các cuốn sách ngớ ngẩn nhất từng được ra mắt".
Tuy nhiên, độc giả lại yêu thích chúng. Cuốn sách này bán chạy hơn cả tác phẩm của Darwin, và tên của nó đã thay đổi ngành xuất bản mãi mãi. Đó là cuốn sách Self-Help và ngày nay, tên gọi này thậm chí dùng để chỉ một thể loại sách lớn.
Mục tiêu của những cuốn sách này rất đơn giản: Dạy cho độc giả rằng "với ý chí, con người có thể làm bất cứ điều gì". Mục tiêu này đã được độc giả đón nhận. Năm 2023, riêng tại thị trường Anh, 3% số sách được bán ra là sách self-help, theo số liệu từ Nielsen BookData.
Tuy nhiên, cuốn sách của Samuel Smiles không phải là tác phẩm self-help đầu tiên. Ngay từ thế kỷ 17, những cuốn sách có nội dung tương tự đã xuất hiện, dù vẫn chưa được gọi là self-help. Đã có nhiều cuốn sách đưa ra lời khuyên về cách nuôi râu, giữ sức khỏe hay giải tỏa những điều khó chịu. Đến thế kỷ 18, một cuốn sách hướng dẫn của đạo Thanh giáo đã khuyến khích mọi người phát triển thói quen suy ngẫm về sự tử vong tương lai, từ đó nỗ lực hơn cho cuộc sống hiện tại.
Sau những manh nha này, các cuốn sách self-help dần phát triển mạnh mẽ trong cuộc Cách mạng Công nghiệp. Joseph Henrich, Giáo sư về sinh học tiến hóa tại Đại học Harvard cho biết: Trong “thế giới chủ nghĩa cá nhân này, bạn phải nuôi dưỡng một bản ngã độc đáo để tạo nên sức hút riêng. Để làm được việc này thì không chỉ cần cải thiện bản thân mà còn phải dành ra thời gian để thực hiện nó. Do vậy, mọi người trong giai đoạn này trở nên ‘ám ảnh với việc… sử dụng thời gian hiệu quả’”.
Và cuốn Self-Help của Smiles là một ví dụ điển hình. Cuốn sách nhấn mạnh, thông qua sự lao động chăm chỉ, “bất kỳ người đàn ông nào cũng có thể làm được điều những người đàn ông khác đã làm”. Để chứng minh điều này, cuốn sách dành ra 400 trang giải thích về những người duy trì kỷ luật, chỉ ngủ bốn tiếng mỗi đêm, làm việc 16 tiếng mỗi ngày và lựa chọn cải thiện chất lượng lao động thay vì “cuộc sống đồi trụy”. Để rồi sau đó, họ thành công một cách đáng ghen tị. Người đọc biết tới Galileo, sau 50 năm làm việc, đã phát minh ra con lắc hay James Watt đã phát minh ra động cơ hơi nước sau 10 năm.
Khi thể loại này phát triển, bộ sưu tập lời khuyên nhủ cũng phát triển theo. Tuy nhiên, sự phát triển này đôi lúc bị quá mức. Theo chia sẻ của Oliver Burkeman, tác giả của Four Thousand Weeks, một cuốn sách về quản lý thời gian, một lý do khiến sách self-help bị chế giễu là do đưa ra nhiều thông điệp lố bịch và thiếu cân nhắc.
Một số đầu sách, chẳng hạn như Stay Alive All Your Life, đưa ra lời khuyên về những điều quá mức nhỏ nhặt. Ngay cả những cuốn sách ăn khách như Think and Grow Rich và I Had Appendicitis and Cured it Myself, một số lời khuyên cũng dấy lên nhiều nghi ngờ về kết quả của chúng.
Nắm bắt khủng hoảng xã hội
Tuy nhiên, dù chúng khuyên đúng đắn hay sai lầm, có một lý do khiến chúng ăn khách. Đó là cuốn sách lấp đúng khoảng trống trong tâm lý độc giả, giải quyết được điều mọi người lo lắng hay những khó khăn họ phải đương đầu.
Ví dụ, nhìn lại bảng danh sách sách self-help của Mỹ thế kỷ 19 và 20, chỉ riêng phân loại tên tác phẩm bắt đầu bằng chữ cái "A" đã có tới 77 đầu sách về Tuổi vị thành niên, 17 đầu sách về lão hóa và 13 cuốn về chứng nghiện rượu. Trong mục “B”, có tới 19 cuốn sách về sự mất mát và nhiều tác phẩm về trẻ sơ sinh. Còn mục “L” có cuốn sách về cô đơn và tình yêu.
Jessica Lamb-Shapiro, tác giả của cuốn sách self-help Promise Land, giải thích những cuốn sách này đều “phản ánh nỗi sợ hãi và lo lắng” của thời đại chúng ta. Ví dụ, sau thời kỳ Đại suy thoái, những cuốn sách về cách kiếm tiền đã phát triển mạnh mẽ, mặc dù không rõ liệu chúng có giúp ích thực sự hay không.
Như cựu hoàng đế La Mã Marcus Aurelius từng viết, sự giàu có, tham vọng hay thành công đều vô giá trị vì con người chỉ tồn tại trong một khoảnh khắc ngắn ngủi trước khi bước vào “vực thẳm của sự vĩnh hằng”. Vì vậy, có nhiều cách để sử dụng khoảng thời gian đó một cách tốt hơn, thay vì đọc sách self-help.