Sẽ thử nghiệm mô hình hỗ trợ xúc tiến thương mại mang tính chất liên kết vùng mới

Bên cạnh việc xúc tiến thương mại (XTTM), phát triển xuất nhập khẩu theo quy mô của từng vùng kinh tế, để tiếp tục tìm ra những điểm nổi cộm nhất, mà cần thiết phải đi sâu hơn nữa cho các hoạt động XTTM… trong năm tới, Bộ Công Thương sẽ thử nghiệm mô hình hỗ trợ XTTM mang tính chất liên kết vùng mới, đó là mô hình tổ chức các đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài theo quy mô vùng, gọi theo tiếng Anh là 'Winning with Việt Nam'...

Thiếu nguồn nhân lực cho xúc tiến thương mại

Thời gian qua, việc liên kết chuỗi sản xuất và XTTM đã đem lại rất nhiều những lợi ích thiết thực cho các địa phương, doanh nghiệp trong việc nâng cao thương hiệu, mở rộng thị trường cho các sản phẩm chủ lực. Năm 2024, liên kết vùng đang là vấn đề được quan tâm và trở thành trọng tâm trong công tác XTTM. Theo đó, ngay từ đầu năm 2024, Cục XTTM (Bộ Công Thương) đã tham mưu Bộ Công Thương phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đồng chủ trì tổ chức các Hội nghị XTTM và phát triển xuất nhập khẩu tại các vùng kinh tế trọng điểm.

Chia sẻ về công tác XTTM thông qua các Hội nghị XTTM theo quy mô Vùng được Bộ Công Thương tổ chức từ đầu năm đến nay, tại tọa đàm “Tận dụng nguồn lực liên kết vùng trong XTTM” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 26/8, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục XTTM cho rằng, Hội nghị là dịp để các cơ quan Trung ương, các địa phương, các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp và nhiều chủ thể khác của hệ sinh thái XTTM trao đổi tìm ra những giải pháp XTTM có tính chất gắn kết hợp lực tốt hơn giữa các đơn vị, hướng tới phục vụ cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào quá trình thương mại, không chỉ ở thị trường trong nước, mà còn ở các thị trường nước ngoài được hiệu quả hơn.

Bộ Công Thương sẽ thử nghiệm mô hình hỗ trợ XTTM mang tính chất liên kết vùng mới. (Ảnh minh họa)

Bộ Công Thương sẽ thử nghiệm mô hình hỗ trợ XTTM mang tính chất liên kết vùng mới. (Ảnh minh họa)

“Chúng tôi cũng nhận thấy là có sự tham gia rất nhiệt tình của các doanh nghiệp, bởi vì họ nhìn thấy những cơ hội mới, họ nhìn thấy được là có những điều kiện, những môi trường để họ có thể tham gia sâu hơn vào những hoạt động quảng bá để phát triển sản phẩm...”, bà Nguyễn Thị Thu Thủy cho hay.

Đánh giá hiệu quả việc liên kết vùng và vấn đề XTTM, ông Đinh Lâm Sáng - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn cho biết, trong những năm qua, đặc biệt là năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, việc XTTM của Sở Công Thương Bắc Kạn đã làm khá tốt, đặc biệt là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và các hợp tác xã, các chủ thể đã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP được tiếp xúc trực tiếp cũng như gián tiếp thông qua kết nối của ngành Công Thương giữa các tỈnh để họ tìm hiểu và trao đổi những sản phẩm hàng hóa, qua đó, họ đã có những sự kết nối với nhau trong việc tiêu thụ các mặt hàng...

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trong XTTM, liên kết vùng, một trong những vấn đề được ông Đinh Lâm Sáng đề cập đó chính là khó khăn về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là dịch vụ logistics. Theo ông Sáng, Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh là những thành phố lớn, nhưng cũng chưa đáp ứng được về dịch vụ logistics, thì với những địa bàn tỉnh càng khó khăn hơn. “Một trong những khía cạnh nhỏ của logistics, đó là giao thông, mà giao thông không tốt, thì vận chuyển sẽ lâu, vận chuyển lâu sẽ khiến hàng hóa bị hư hỏng và sẽ tác động đến hàng loạt các vấn đề khác trong giới thiệu và bán sản phẩm”, ông Sáng đề cập.

Đề cập về những thách thức trong liên kết chuỗi, liên kết vùng sản xuất, trong các hoạt động XTTM, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục XTTM cho rằng, bất cập đầu tiên có thể xét đến ở góc độ các cơ quan làm việc XTTM ở các địa phương. Có thể thấy rằng, mô hình hoạt động của các cơ quan XTTM trên cả nước hiện nay không có sự đồng nhất.

Bên cạnh đó, một trong những khó khăn được đại diện Cục XTTM đề cập đó là tính liên kết trong công tác trong hoạt động giữa các cơ quan XTTM Trung ương và địa phương vẫn còn lỏng lẻo; là khó khăn về cơ sở hạ tầng cho XTTM, hay việc nguồn lực XTTM từ Trung ương đến địa phương cũng rất thấp.

Đặc biệt, khó khăn được bà Nguyễn Thị Thu Thủy nhấn mạnh đó là yếu tố con người. Theo bà Thủy, chúng ta phải nâng cao quan trí, tức là nâng cao tri thức, kỹ năng cho trực tiếp những cán bộ làm công tác XTTM của cả cơ quan Trung ương và địa phương. Để thực hiện những hoạt động XTTM và quy mô vùng, liên kết vùng rồi liên kết liên vùng lớn như thế này, thì bản thân các cán bộ làm XTTM cũng cần phải không ngừng học tập để trau dồi kiến thức và không ngừng tìm hiểu, học tập cách thức của các cơ quan XTTM nước ngoài, người ta rất sáng tạo và có những cách làm rất hay để mình học tập, phát triển.

Hỗ trợ xúc tiến thương mại mang tính chất liên kết vùng mới

Để tạo ra bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong việc phát huy vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của vùng, rất cần sự liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động XTTM và xuất nhập khẩu theo quy mô lớn, chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, làm sao để các doanh nghiệp có thể khai thác triệt để lợi thế liên kết vùng để phát triển bền vững và vươn xa, đó là vấn đề đang được quan tâm hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Hương Vân - Giám đốc Hợp tác xã Hương Vân Trà cho biết, nếu chúng ta không liên kết, không dùng đúng phương thức “bó đũa”, thì chúng ta sẽ không bao giờ đi xa được, cho nên tất cả các Hợp tác xã hầu như luôn muốn tiếp cận được nguồn vốn với những ưu đãi tốt nhất.

“Một sân chơi thương mại rất cần cơ sở vật chất tốt, bởi khi tập hợp được tất cả những sản phẩm (của Thái Nguyên chẳng hạn) thì rất cần những trung tâm thương mại quy mô lớn để đưa các sản phẩm của tỉnh Thái Nguyên cũng như các tỉnh khác liên kết với nhau. Đến đó, họ có thể lựa chọn được tất cả các sản phẩm của các vùng miền, của các tỉnh mà lại yên tâm tuyệt đối”, bà Vân cho hay.

Thời gian tới, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, ngành hàng và địa phương tăng cường liên kết chuỗi trong sản xuất và liên kết vùng trong các hoạt động XTTM, theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục XTTM, ngoài việc tiếp tục thực hiện các Hội nghị về XTTM, phát triển xuất nhập khẩu theo quy mô của từng vùng kinh tế, để tiếp tục tìm ra những điểm nổi cộm nhất còn cần thiết phải đi sâu hơn nữa cho các hoạt động XTTM, rồi tiếp tục tìm ra những lĩnh vực cấp thiết cho XTTM, thì trong năm tới, Bộ Công Thương sẽ thử nghiệm mô hình hỗ trợ XTTM mang tính chất liên kết vùng mới, đó là mô hình tổ chức các đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài theo quy mô vùng và chúng tôi gọi theo tiếng Anh là “Winning with Việt Nam”…

“Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tư duy sâu hơn nữa để tìm ra những biện pháp XTTM có sự hợp lực lớn hơn của các địa phương và doanh nghiệp trong thời gian tới, và khi có những hoạt động này, rất mong được các địa phương, các doanh nghiệp nhiệt tình ủng hộ để chúng ta bước ra thế giới với quy mô, vị thế là ngày càng mạnh mẽ hơn, vững vàng hơn”, bà Thủy nhấn mạnh.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/se-thu-nghiem-mo-hinh-ho-tro-xuc-tien-thuong-mai-mang-tinh-chat-lien-ket-vung-moi-175981.html
Zalo