Sẽ sớm có ứng dụng đo huyết áp trên điện thoại thông minh
Huyết áp cao (hay còn gọi là tăng huyết áp) làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe như suy tim hoặc suy thận, nhưng lại không được chẩn đoán ở hàng triệu người vì thiếu thiết bị.
Nhưng tình trạng này có thể được giải quyết sớm nhờ một ứng dụng điện thoại Android mới được phát triển. Ứng dụng này có khả năng ước lượng áp lực trong động mạch của một người khi tim họ co bóp, cung cấp thông tin cảnh báo sức khỏe người đó mà không cần thiết bị chuyên dụng.
Được phát triển bởi một nhóm nghiên cứu từ Đại học Pittsburgh, ứng dụng này hoạt động bằng cách thu thập nhiều loại dữ liệu từ cảm biến gia tốc, camera và cảm biến chạm tích hợp trong các smartphone hiện đại.
Thay vì phải đến gặp bác sĩ hoặc sử dụng thiết bị chuyên dụng, mọi người trong tương lai có thể chỉ cần sử dụng điện thoại trên tay. Chính điều đó làm cho sáng chế này trở nên đặc biệt quan trọng ở những khu vực mà việc tiếp cận chăm sóc y tế còn hạn chế.
Ramakrishna Mukkamala, kỹ sư sinh học tại Đại học Pittsburgh cho biết: “Ở những cộng đồng chưa có hệ thống y tế đầy đủ, nhiều người không có máy đo huyết áp, không đi khám thường kỳ, hoặc thậm chí không biết đây là một vấn đề – nhưng họ lại có smartphone”.
Huyết áp thường được đo bằng một thiết bị có tên khó phát âm, gọi là sphygmomanometer. Một vòng bít được bơm căng sẽ bóp chặt động mạch chính của cánh tay, kẹp chặt động mạch, trước khi từ từ giải phóng động mạch trở lại.
Với mỗi nhịp tim, áp suất sẽ thay đổi giữa co bóp - được gọi là huyết áp tâm thu - và giãn ra - được gọi là huyết áp tâm trương. Huyết áp tâm thu được biểu thị là số cao hơn trong phép đo huyết áp và huyết áp tâm trương là số thấp hơn.
Một số thiết bị kỹ thuật số có thể tự động nhận biết sự thay đổi ghi lại dưới dạng milimét thủy ngân, hay mm Hg. Một chỉ số huyết áp tâm thu vượt quá khoảng 130 mm Hg thường được coi là tình trạng cần chú ý theo dõi.
Smartphone không thể tạo ra áp lực để ngăn chặn và giải phóng động mạch như vòng bít huyết áp truyền thống. Thay vào đó, ứng dụng sử dụng trọng lực và áp lực từ ngón tay trên màn hình cảm ứng của điện thoại để tính toán huyết áp.
Điều làm cho ứng dụng trở nên thông minh là cách mà nó yêu cầu người dùng thay đổi vị trí tay để điều chỉnh hoạt động của mạch máu, và thực hiện một số thao tác chạm được hướng dẫn trên màn hình điện thoại để thu được các chỉ số huyết áp chính xác.
Vishaal Dhamotharan, kỹ sư sinh học từ Đại học Pittsburgh giải thích: “Nhờ trọng lực, có sự thay đổi áp lực thủy tĩnh ở ngón cái của bạn khi bạn nâng tay lên trên tim, và với cảm biến gia tốc của điện thoại, bạn có thể chuyển đổi điều đó thành sự thay đổi áp lực tương đối”.
Trong các thử nghiệm trên 24 người và so sánh với một cơ sở dữ liệu lớn hơn, phương pháp của ứng dụng đã xác định được huyết áp xung một cách khá chính xác, sai số trong khoảng 8 mm Hg. Nếu tiếp tục phát triển và chỉnh sửa, mức độ chính xác của ứng dụng rất có thể sẽ còn được cải thiện hơn nữa.
Các nhà nghiên cứu thừa nhận họ sẽ cần làm việc để “thay đổi tư duy” về việc sử dụng huyết áp xung như một chỉ số huyết áp đáng tin cậy. Thế nhưng rõ ràng đây là giải pháp tốt nhất mà chúng ta thấy cho việc đo chỉ số quan trọng này bằng một smartphone thông thường.
Sanjeev Shroff, kỹ sư sinh học từ Đại học Pittsburgh đánh giá: “Phát triển một thiết bị đo huyết áp không cần vòng bít mà không cần hiệu chuẩn bên ngoài là một mục tiêu lý tưởng – hiện tại, chưa có thiết bị nào như vậy”, đồng thời Shroff khẳng định: “Công trình nghiên cứu được báo cáo trên Scientific Reports. là một bước quan trọng trong việc tìm hướng đi đúng”.