Sẽ nhân rộng các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch
Sáng ngày 21/1, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch.
Du lịch chịu tác động xấu từ rác thải nhựa
Thông tin tại sự kiện, ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thời gian qua, ngành du lịch đã triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, từng bước phục hồi ngành du lịch sau các tác động của đại dịch COVID-19; đẩy nhanh quá trình tăng trưởng trở lại của du lịch Việt Nam trong điều kiện, tình hình mới để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững.
Để đạt được mục tiêu đó, song song với quá trình thúc đẩy phát triển sản phẩm, hoàn thiện dịch vụ trong nước, việc hội nhập với quốc tế về các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là phát triển du lịch xanh, giảm thiểu phát thải để đóng góp tích cực đối với việc bảo vệ hành tinh, bảo đảm chất lượng môi trường sống của nhân loại rất được quan tâm.
Du lịch được xem là lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ ô nhiễm rác thải nhựa (RTN), nhưng đồng thời cũng là nguồn phát sinh đáng kể rác thải nhựa. Sự tham gia tích cực của ngành du lịch vào mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa được kỳ vọng là một trong những giải pháp quan trọng mang lại kết quả có ý nghĩa nhiều mặt đối với mục tiêu phát triển bền vững.
Dưới góc độ của một tổ chức xã hội nghề nghiệp, nhận thức được yêu cầu cấp thiết về bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững của đất nước, Hiệp hội Du lịch Việt nam (VITA) với vai trò là một tổ chức xã hội nghề nghiệp của ngành du lịch đã tích cực, chủ động hưởng ứng mọi chủ trương, chính sách của Nhà nước, hành động mạnh mẽ thực hiện mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch.
Trên cơ sở đề xuất của Hiệp hội Du lịch Việt nam, Dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam" đã được Chương trình Tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP/GEF-SGP) phê duyệt thực hiện trong hai năm 2023-2024.
Trong khuôn khổ triển khai Dự án, Kế hoạch hành động về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch được Hiệp hội Du lịch Việt nam xây dựng và ban hành làm cơ sở để các thành viên của Hiệp hội thực hiện các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa một cách bài bản, hiệu quả cao, qua đó góp phần đạt được các mục tiêu đặt ra trong Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Nhiều giải pháp được triển khai
Thông tin về Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam", ông Vũ Quốc Trí, Tổng Thư ký VITA cho hay, qua 18 tháng triển khai, Dự án đã đạt được nhiều các kết quả tích cực.
Cụ thể, thông qua các hoạt động truyền thông, hội thảo, tọa đàm, nhận thức về tác hại của rác thải nhựa và ý thức, trách nhiệm, khả năng/năng lực quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, cộng đồng doanh nghiệp du lịch, các hiệp hội du lịch, người dân được nâng cao. Các sản phẩm truyền thông, gồm: tờ rơi, tập gấp, poster, 02 video clip được xây dựng, sản xuất trong quá trình thực hiện Dự án sẽ tiếp tục được sử dụng để truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng trên phạm vi cả nước.
Các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, thí điểm và phổ biến các giải pháp/sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa trong nhà hàng, khách sạn, khu/điểm du lịch góp phần giảm thiểu rác thải nhựa phát sinh từ hoạt động du lịch trên phạm vi cả nước. Một số liệu đáng chú ý được ông Vũ Quốc Trí công bố là, trong 3 tháng thực hiện thí điểm, 60 đơn vị tại 2 địa phương đã giảm trung bình 35% lượng RTN tại đơn vị.
Đơn cử như tại Ninh Bình, so sánh tổng khối lượng rác thải nhựa phát sinh trước và sau thí điểm, cho thấy tổng khối luợng rác thải nhựa phát sinh sau khi thí điểm giảm từ 14% - 23% so với trước thí điểm ở các loại hình doanh nghiệp (khách sạn 23%, nhà hàng 14%, lữ hành 14%, điểm tham quan 20%). Hay ở Hội An, lượng rác thải nhựa phát sinh giảm 64% tại khách sạn trong quá trình tham gia chương trình thí điểm.
Bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa được xây dựng và ban hành góp phần lan tỏa các thông điệp, các thực hành và biện pháp quản lý tốt tới các doanh nghiệp du lịch thành viên của Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Đồng thời, nhân rộng các giải pháp/sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc, từ đó hình thành một công cụ quản lý rác thải nhựa trong ngành du lịch.
Bên cạnh đó, ứng dụng (App) quản lý rác thải nhựa trong ngành du lịch Việt Nam do Hiệp hội Du lịch Việt Nam xây dựng và vận hành được kỳ vọng sẽ trở thành công cụ phục vụ quản lý rác thải nhựa trong doanh nghiệp và hệ thống Hiệp hội Du lịch. Đối với doanh nghiệp, đây là công cụ hỗ trợ cho doanh nghiệp nắm bắt và quản lý thông tin về lượng rác thải trong đơn vị của mình, từ đó đề ra các biện pháp thực hiện nhằm giảm rác thải nhựa. Đối với hệ thống Hiệp hội Du lịch, App cung cấp hệ thống báo cáo thu thập dữ liệu về tình hình triển khai việc thu gom, xử lý rác thải nhựa trên địa bàn, là công cụ để thu thập thông tin và công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa khi tham gia áp dụng Bộ Tiêu chí doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa.
Kế hoạch hành động về giảm thiểu rác thải nhựa ngành du lịch do Hiệp hội Du lịch Việt Nam xây dựng và ban hành sẽ là cơ sở để các thành viên của Hiệp hội Du lịch Việt Nam triển khai, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa ở hầu khắp các tỉnh/thành phố trên phạm vi cả nước. Đồng thời, những kết quả, biện pháp được áp dụng trong thực tế có thể trở thành tài liệu tham khảo có giá trị trong quá trình xây dựng và đề xuất chính sách của các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch tại các địa phương và trung ương.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình tại Hội nghị cho biết, nhằm duy trì và phát huy kết quả của dự án, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 75% thành viên của VITA sẽ nâng cao nhận thức về rác thải nhựa, 100% khu du lịch, khách sạn không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và nhựa dùng một lần; 50% ban hành hướng dẫn giảm rác nhựa.
Mục tiêu đến năm 2030, 100% thành viên loại bỏ nhựa dùng một lần, lồng ghép nội dung giảm rác nhựa vào quy chế hoạt động. Hiệp hội cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và chia sẻ kinh nghiệm để xây dựng du lịch xanh, bền vững. Đồng thời, đại diện VITA cho biết cũng đặt trọng tâm vào hợp tác quốc tế để thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ giảm thiểu rác thải nhựa.