Sẽ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm đầu

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra tại Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân mới đây là cơ chế, chính sách đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo đảm theo nguyên tắc thị trường và tuân thủ các cam kết quốc tế; bãi bỏ lệ phí môn bài; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm đầu thành lập.

Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân nhìn nhận trong nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới, cần thiết và cấp bách phải có những giải pháp tổng thể, toàn diện, đột phá để phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân, củng cố niềm tin, tạo khí thế và xung lực mới cho phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Mục tiêu đến năm 2030, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ Chính trị nhận định một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách.

Năm nay sẽ thực hiện cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính

Cụ thể, Nghị quyết của Bộ Chính trị khẳng định tầm quan trọng của việc đổi mới tư duy xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật bảo đảm nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sử dụng các công cụ thị trường để điều tiết nền kinh tế; giảm thiểu sự can thiệp và xóa bỏ các rào cản hành chính, cơ chế "xin - cho", tư duy "không quản được thì cấm". Người dân, doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành nghề pháp luật không cấm.

Đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật, xóa bỏ các rào cản tiếp cận thị trường đảm bảo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, rõ ràng, nhất quán, ổn định lâu dài, dễ tuân thủ, chi phí thấp. Minh bạch hóa, số hóa, thông mình hóa, tự động hóa, áp dụng triệt để trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong thực hiện các quy trình, thủ tục hành chính, nhất là về gia nhập, rút lui khỏi thị trường, đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan, bảo hiểm, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn...

“Trong năm 2025, hoàn thành việc rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, không phù hợp, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân; thực hiện cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo. Triển khai mạnh mẽ việc cung cấp dịch vụ công cho doanh nghiệp không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

Phấn đấu đến năm 2028, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam thuộc nhóm 3 quốc gia hàng đầu ASEAN và nhóm 30 quốc gia hàng đầu thế giới”, Nghị quyết của Bộ Chính trị khẳng định.

Liên quan đến nhiệm vụ này, cũng trong ngày 4/5/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 56 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung tổ chức rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và thủ tục hành chính nội bộ, bảo đảm bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh, giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính, 30% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính..., 100% thủ tục hành chính nội bộ được cắt giảm, đơn giản hóa phù hợp với quy định mới của pháp luật về phân cấp, phân quyền, ủy quyền và việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Đồng thời, rà soát, tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến của bộ, ngành, địa phương trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trong tháng 6/2025, bảo đảm thực hiện trực tuyến, thông suốt, liền mạch, hiệu quả, giảm tối đa giấy tờ; tổ chức triển khai thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh, bảo đảm hoàn thành trong năm 2025.

Sửa Luật phá sản; hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến công nghệ tài chính, trí tuệ nhân tạo, tài sản ảo...

Một giải pháp trọng tâm khác được Bộ Chính trị đặt ra để đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách là việc chuyển từ nền hành chính công vụ, quản lý là chủ yếu sang phục vụ và kiến tạo phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; hiện đại hóa quản trị công, quản trị dựa trên dữ liệu.

Điều này thể hiện qua việc thực hiện chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát. Chuyển việc quản lý điều kiện kinh doanh từ cấp phép, chứng nhận sang thực hiện công bố điều kiện kinh doanh và hậu kiểm, trừ một số ít lĩnh vực bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp phép theo quy định và thông lệ quốc tế.

Sửa đổi Luật Phá sản, rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục pháp lý, mở rộng phạm vi áp dụng chế tài phá sản rút gọn; đẩy mạnh áp dụng thủ tục tố tụng trên nền tảng điện tử, cải cách cơ chế xử lý tài sản. Thiết lập cơ chế đánh giá, phản hồi về các rào cản, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Khắc phục tình trạng thiếu nhất quán trong thực thi chính sách giữa trung ương và địa phương, giữa các bộ, ngành và giữa các địa phương với nhau.

Nghị quyết của Bộ Chính trị đồng thời khẳng định việc thực hiện cơ chế thị trường, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực vốn, đất đai, tài nguyên, tài sản, công nghệ, nhân lực, dữ liệu và các nguồn lực tài nguyên khác.

Mục tiêu rà soát, hoàn thiện các chính sách thuế, phí, lệ phí theo hướng bảo đảm đối xử công bằng giữa các thành phần kinh tế, giảm thuế suất, mở rộng cơ sở tính thuế, nhất là thu thuế điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; nghiêm cấm lạm dụng quyết định hành chính, hành vi bảo hộ cục bộ của ngành, địa phương. Xử lý nghiêm các hành vi làm hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh.

Bên cạnh đó, sẽ hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, kinh doanh dựa trên công nghệ và nền tảng số, đặc biệt là công nghệ tài chính, trí tuệ nhân tạo, tài sản ảo, tiền ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa, thương mại điện tử... Có cơ chế thử nghiệm đối với những ngành, lĩnh vực mới trên cơ sở hậu kiểm, phù hợp với thông lệ quốc tế. Hoàn thiện pháp luật, chính sách về dữ liệu, quản trị dữ liệu, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu, bảo đảm an ninh, an toàn.

Tạo mọi thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính; phân công, phân cấp, phân nhiệm rõ ràng giữa các cấp, ngành của từng cơ quan, đơn vị, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết thủ tục hành chính. Xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, trục lợi cá nhân, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức; đồng thời, có cơ chế miễn trừ trách nhiệm đối với trường hợp đã thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định liên quan, không tư lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhưng có thiệt hại do rủi ro khách quan.

Cơ chế, chính sách đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân cũng đặt ra nhiệm vụ về cơ chế, chính sách đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo đảm theo nguyên tắc thị trường và tuân thủ các cam kết quốc tế; bãi bỏ lệ phí môn bài; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm đầu thành lập.

Miễn thuế để khuyến khích hơn 5 triệu hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp là nội dung được sự đồng tình của các chuyên gia trong những thảo luận về giải pháp phát triển kinh tế tư nhân thời gian qua. Theo TS. Cấn Văn Lực (chuyên gia kinh tế trưởng BIDV), việc miễn thuế thu nhập trong 3-5 năm đầu cho hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp siêu nhỏ để nuôi dưỡng nguồn thu là một giải pháp khả thi để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển sang mô hình doanh nghiệp, qua đó nâng cao tính cạnh tranh.

Nguồn lực cho các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dự kiến sẽ được bố trí đủ từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, kết hợp huy động nguồn lực từ các quỹ đầu tư của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng, viện nghiên cứu, trường đại học... Qua đó tăng cường vai trò của kinh tế tư nhân, doanh nhân trong tham gia góp ý, phản biện chính sách, bảo đảm thực chất, hiệu quả, minh bạch.

Cùng đó, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng, đa dạng hóa các kênh phân phối, phát triển mạnh các nền tảng số, thương mại điện tử; triển khai thực chất, hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; nâng cấp, đổi mới chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân xây dựng và quảng bá thương hiệu.

Khuyến khích phát triển các tập đoàn bán lẻ tư nhân; có chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tham gia chương trình, kế hoạch, dự án mua sắm công phù hợp với thông lệ quốc tế. Nâng cao năng lực thực thi, tận dụng các cam kết quốc tế và có cơ chế hỗ trợ hiệu quả giải quyết tranh chấp quốc tế cho khu vực kinh tế tư nhân…

Cập nhật và chuẩn hóa hệ thống chỉ tiêu, số liệu thống kê, cơ sở dữ liệu về kinh tế tư nhân để phục vụ cho công tác đánh giá, hoạch định chính sách, chiến lược phát triển phù hợp cho từng giai đoạn. Có cơ chế phù hợp chia sẻ hệ thống dữ liệu cho các cơ quan, tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách.

Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, cả nước có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân. Có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10-12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55 - 58% GDP, khoảng 35-40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5-9,5%/năm.

Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á.

Thùy Dung

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/se-mien-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua-trong-3-nam-dau.html
Zalo