Sẽ giải phóng nhiều nguồn lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội

Chia sẻ về Dự án một luật sửa 7 luật gồm (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia), Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, nếu dự án Luật này được Quốc hội thông qua sẽ giải phóng nhiều nguồn lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Hóa giải được “điểm nghẽn của điểm nghẽn”

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, vừa qua, Bộ Tài chính đã chủ trì soạn thảo trình Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung 7 luật thuộc lĩnh vực tài chính theo hình thức trình tự, thủ tục rút gọn. Việc triển khai hình thức này có ý nghĩa như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi: Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng. Với ý nghĩa quan trọng đó, việc tháo gỡ những vướng mắc “điểm nghẽn” trong thể chế, tức là chúng ta giải quyết được “điểm nghẽn của điểm nghẽn”.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi.

Với quyết sách của Trung ương, cũng như Bộ Chính trị về xử lý các vướng mắc “điểm nghẽn” trong hệ thống pháp luật về tài chính vừa qua là chủ trương rất trúng, rất đúng và rất kịp thời.

Sau khi được Chính phủ đồng ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận, Bộ Tài chính đã chủ trì soạn thảo trình Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung 7 luật thuộc lĩnh vực tài chính theo trình tự, thủ tục rút gọn tập trung vào các vấn đề mà thực tế đòi hỏi, yêu cầu.

Việc dự án Luật được soạn thảo theo thủ tục rút gọn đã rút ngắn được thời gian so với trình tự, thủ tục xây dựng Luật thông thường và Luật cũng có hiệu lực ngay sau khi được phê chuẩn.

Với những nội dung báo cáo Quốc hội, dự án một luật sửa 7 luật sẽ giải phóng được rất nhiều nguồn lực, tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi để đóng góp vào sự phát triển của kinh tế - xã hội trong thời gian tới để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thì dự kiến các nội dung cấp bách nào trong dự án một luật sửa 7 luật cần phải sửa đổi, bổ sung?

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi: Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung mới trong dự án Luật này tập trung giải quyết những vướng mắc, điểm nghẽn về cơ chế chia sẻ, phân bổ, huy động nguồn lực ngân sách nhà nước, tài sản công, nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước cho tăng trưởng kinh tế. Các nội dung này được thể hiện ở dự án Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Bộ Tài chính đề xuất các chính sách nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các cấp, đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Tổng Bí thư là phân cấp mạnh để “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Quan điểm này thể hiện trong sửa Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Luật Kế toán.

Để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và đảm bảo sự công bằng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, Bộ Tài chính đề xuất thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp quản lý chặt chẽ nguồn thu, mở rộng cơ sở thu. Nội dung này nêu cụ thể trong sửa Luật Quản lý thuế.

Ngoài các nội dung trên, Bộ Tài chính cũng đề xuất các chính sách đảm bảo tính công khai, minh bạch, thuận lợi để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, quyền tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp, thu hút các nguồn lực của nhà đầu tư trong và ngoài nước nhắm hướng tới phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán một cách bền vững… Những nội dung này thể hiện trong sửa Luật Chứng khoán, Luật Kiểm toán độc lập và Luật Kế toán.

Đồng thời, Bộ Tài chính đề xuất sửa Luật Ngân sách nhà nước, Luật Dự trữ quốc gia nhằm tăng tính chủ động trong quan hệ đối ngoại với các nước.

Huy động nguồn ngân sách của các cấp, các địa phương

Phóng viên: Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) đề xuất bổ sung cơ chế cho phép sử dụng vốn đầu tư phát triển của địa phương để hỗ trợ ngân sách trung ương, hỗ trợ các địa phương khác đầu tư dự án hạ tầng có tính chất vùng và liên vùng. Chính sách này sẽ giúp tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong thực tế thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi: Trong thời gian qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thí điểm cho phép một số địa phương được sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư vào các công trình, dự án trọng điểm của Trung ương và trên địa bàn. Nội dung này cũng đã được luật hóa trong Luật Thủ đô.

Một số công trình hạ tầng trọng điểm đã được thực hiện và thực tế đã phát huy hiệu quả tích cực. Có thể kể đến nhiều dự án thực hiện theo cơ chế này, như các tuyến đường vành đai của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Dự án sân bay Điện Biên, Dự án cầu Bạch Đằng (nối TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh), Dự án cầu Như Nguyệt…

Trên cơ sở chủ trương của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Bộ Tài chính cũng đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội bổ sung nội dung này trong Luật Ngân sách nhà nước để huy động nguồn ngân sách của các cấp, các địa phương tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng quan trọng, có tính chất liên vùng, liên tỉnh, liên quốc gia, thậm chí là liên quốc tế.

Nếu cơ chế này được giải quyết, sẽ tạo ra nguồn lực tổng thể, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả Trung ương và địa phương, để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm của Đất nước, đóng góp vào sự phát triển của kinh tế - xã hội của từng địa phương, của vùng, của cả quốc gia, không những ở thời điểm hiện tại, mà còn trong tương lai.

Đề xuất bổ sung thêm đối tượng quyết định hoàn thuế

Phóng viên: Với Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đề xuất bổ sung thêm đối tượng quyết định hoàn thuế là Chi cục trưởng và Cục Thuế Doanh nghiệp lớn. Đề xuất này có giúp việc hoàn thuế diễn ra nhanh chóng hơn trước không, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi: Theo Luật Quản lý thuế hiện hành, chỉ có Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền xem xét, quyết định hoàn thuế.

Nhưng thực tế, chúng ta lại thực hiện việc thu thuế , xử lý hồ sơ thuế không chỉ ở Cục Thuế mà ở cả các chi cục Thuế. Nếu thực hiện hoàn thuế như quy định hiện nay thì quy trình, thủ tục và phối hợp giữa Cục Thuế với Chi cục Thuế trong xử lý hoàn thuế có thể mất nhiều thời gian hơn.

Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi quy trình quyết định phát hành TPDN ra công chúng nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp.

Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi quy trình quyết định phát hành TPDN ra công chúng nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khi thực hiện phân cấp cho các chi cục thuế và chi cục trưởng Chi cục thuế có thẩm quyền xem xét, hoàn thuế đối với những hồ sơ thuế mà chính mình được giao quản lý, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian xem xét hoàn thuế, nâng cao trách nhiệm của cấp quản lý thuế trực tiếp người nộp thuế.

Bên cạnh đó, khi thực hiện phân cấp, phân quyền như vậy sẽ phát sinh các thách thức. Do đó, cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện tại các cục thuế, chi cục thuế; đồng thời, nâng cao năng lực, trình độ cho các cán bộ thuế ở các chi cục để thực hiện đúng các quy định của pháp luật, tránh rủi ro phát sinh hoặc trục lợi trong quá trình hoàn thuế. Đây là nội dung đề xuất trong sửa Luật Quản lý thuế.

Điều này cũng đúng với trường hợp Cục trưởng Cục Thuế Doanh nghiệp lớn có thẩm quyền hoàn thuế, doanh nghiệp lớn, người nộp thuế khi thực hiện các thủ tục liên quan đến hoàn thuế chỉ cần làm việc với Cục Thuế Doanh nghiệp lớn, góp phần rút ngắn thời gian hoàn thuế, giảm bớt thủ tục hành chính.

Bổ sung quy định nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu riêng lẻ

Phóng viên: Một nội dung khác cũng nhận được quan tâm lớn trong thời gian qua là dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi). Dự án Luật này đề xuất quy định nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu riêng lẻ. Vậy, việc đề xuất nội dung này sẽ tác động thế nào tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi: Luật Chứng khoán đã được Quốc hội ban hành và có hiệu lực thực thi từ năm 2019. Thời gian qua, trong quá trình phát triển thị trường đã nảy sinh một số vấn đề liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và TPDN riêng lẻ.

Bộ Tài chính nhận thấy cần phải báo cáo Chính phủ để Chính phủ báo cáo Quốc hội có những điều chỉnh để đảm bảo mục tiêu đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra là phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán một cách an toàn, bền vững, minh bạch.

Đối với nhà đầu tư cá nhân, dự thảo Luật Luật Chứng khoán (sửa đổi) quy định theo hướng tôn trọng quyền đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường. Do đó, Bộ Tài chính không đề xuất sửa các nội dung liên quan đến quyền đầu tư của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường, nhà đầu tư cá nhân được quyền đầu tư tất cả các loại trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường, hạn chế rủi ro và đảm bảo quyền lợi trong hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường TPDN riêng lẻ, dự thảo Luật bổ sung quy định theo hướng nâng chất lượng của trái phiếu.

Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi quy trình quyết định phát hành TPDN ra công chúng nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp đủ điều kiện được nhanh chóng xem xét, cấp chứng nhận phát hành trái phiếu ra công chúng huy động vốn.

Đối với trái phiếu phát hành ra công chúng, tất cả các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức không phân biệt là chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp đều có thể tham gia.

Với những nội dung đề xuất trên, kỳ vọng thị trường chứng khoán, thị trường vốn, đặc biệt là thị trường TPDN sẽ phát triển bền vững, minh bạch, nâng cao chất lượng TPDN phát hành riêng lẻ, thúc đẩy các doanh nghiệp công khai, minh bạch thông tin, góp phần cải thiện niềm tin của nhà đầu tư, từ đó, thu hút nguồn vốn đầu tư cho các doanh nghiệp.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Minh Hà (t/h)

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/se-giai-phong-nhieu-nguon-luc-gop-phan-phat-trien-kinh-te-xa-hoi.html
Zalo