Sẽ công khai cơ sở sản xuất bánh trung thu vi phạm về an toàn thực phẩm
Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm và công khai thông tin của cơ sở sản xuất bánh trung thu vi phạm quy định về an toàn thực phẩm…
Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, Phó Tổng Cục trưởng Chu Thị Thu Hương đã ban hành Văn bản số 2257/TCQLTT-CNV gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết Trung thu năm 2024 và kiểm tra chất lượng hàng hóa đến hết năm 2024.
Nội dung công văn chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh, trường hợp phát hiện vi phạm tại các cơ sở sản xuất bánh trung thu, yêu cầu cơ quan quản lý thị trường tại các địa phương xử lý nghiêm theo quy định pháp luật và công bố công khai tên các tổ chức, cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đây là động thái của cơ quan quản lý thị trường nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng trong mùa Trung thu năm 2024.
Theo đó, Tổng cục Quản lý thị trường đề nghị Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quản lý theo địa bàn, thu thập thông tin, kiểm tra, kiểm soát thị trường để ngăn chặn, xử lý việc kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền, giả mạo nhãn hiệu, không bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Trung thu như bánh trung thu, rượu, bia, nước giải khát, đồ chơi trẻ em ...
Đặc biệt, riêng đối với mặt hàng bánh Trung thu, cần giám sát kiểm tra, kiểm soát theo nhiều giai đoạn. Cụ thể, trong giai đoạn trước Tết Trung thu, tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh Trung thu một số nội dung sau: Nguồn gốc nguyên liệu sản xuất bánh Trung thu; việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, kiểm tra chất lượng sản phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm.
Trong dịp Tết Trung thu, tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh, các đại lý, cửa hàng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu. Sau dịp Tết Trung thu, tập trung kiểm tra việc thu hồi và xử lý các sản phẩm hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng.
Trong quá trình kiểm tra, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố lưu ý kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng hàng hóa, công bố tiêu chuẩn chất lượng, công bố phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; về sử dụng dấu hợp chuẩn, hợp quy, mã số, mã vạch; sự phù hợp của hàng hóa đối với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng; kiểm tra thực tế sự phù hợp của chất lượng hàng hóa với nội dung công bố trên nhãn hàng hóa.
Kết hợp tuyên truyền tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh các quy định của pháp luật về kinh doanh hàng hóa và bảo đảm an toàn thực phẩm, việc chấp hành các quy định về công bố tiêu chuẩn, công bố hợp quy sản phẩm hàng hóa các các quy định về chất lượng hàng hóa.
Trước đó, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng có công văn số 1964 gửi các đơn vị liên quan về việc tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2024. Theo đó, nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, yêu cầu các cơ quan kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, nếu phát hiện cơ sở vi phạm có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyển cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP) quy định, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền.
Mức phạt tiền tối đa về an toàn thực phẩm là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1 và 5 Điều 4; khoản 6 Điều 5; khoản 5 Điều 6; khoản 7 Điều 11; các khoản 1 và 9 Điều 22; khoản 6 Điều 26 Nghị định 115/2018/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 1 đến 6 tháng, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 1 đến 24 tháng; Đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 đến 12 tháng được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 25 của Luật xử lý vi phạm hành chính; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, vi phạm quy định về an toàn thực phẩm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015(sửa đổi, bổ sung năm 2017)