Sẽ có tiêu chí mới để thành lập Văn phòng Thừa phát lại
Bộ Tư pháp đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, TP về hoạt động của Thừa phát lại sau khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Bộ Tư pháp vừa ban hành văn bản gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn xử lý vấn đề phát sinh trong lĩnh vực thừa phát lại khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Theo khoản 1 Điều 21 Nghị định 08/2020 quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại phải căn cứ vào các tiêu chí:
- Điều kiện về kinh tế - xã hội của địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại.
- Số lượng vụ việc thụ lý của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại.
- Mật độ dân cư và nhu cầu của người dân ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại.
- Không quá 02 Văn phòng Thừa phát lại tại 01 đơn vị hành chính cấp huyện là quận, thành phố thuộc tỉnh, thị xã; không quá 01 Văn phòng Thừa phát lại tại 01 đơn vị hành chính huyện.
Tuy nhiên, kể từ ngày 1-7-2025, chính quyền địa phương cấp huyện sẽ kết thúc hoạt động, do đó các tiêu chí gắn với địa bàn cấp huyện nêu trên sẽ không còn được áp dụng.
Hiện nay, Bộ Tư pháp đang xây dựng Luật Thi hành án dân sự sửa đổi và Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2020, trong đó sẽ quy định về các tiêu chí thành lập Văn phòng Thừa phát lại theo hướng: Số lượng Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn cấp tỉnh do UBND cấp tỉnh quyết định trên cơ sở các tiêu chí về điều kiện kinh tế - xã hội, số lượng vụ việc thụ lý của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự, dân số và nhu cầu của người dân trên địa bàn cấp tỉnh.
Do đó, Bộ Tư pháp thông tin đến UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương để kịp thời phổ biến đến cơ quan, đơn vị trên địa bàn nhằm triển khai, thực hiện chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đảm bảo thực hiện nhiệm vụ thông suốt, liên tục, không gián đoạn, không bỏ sót nhiệm vụ.