Sân bay Gia Bình sẽ rộng hơn Nội Bài, Tân Sơn Nhất
Bộ Xây dựng vừa ban hành Quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập điều chỉnh quy hoạch sân bay Gia Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phối cảnh sân bay Gia Bình. Ảnh: CAAV.
Theo Bộ Xây dựng, phạm vi nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch sân bay Gia Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là khoảng 1.960 ha và khu vực lân cận, cần bố trí không gian hợp lý để bảo đảm khả năng phát triển của sân bay đáp ứng hoạt động phục vụ chuyên cơ, phù hợp với nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa; nghiên cứu đề xuất lộ trình đầu tư phù hợp.
Với diện tích này, sân bay Gia Bình dự kiến rộng hơn sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất (khoảng 1.500 ha), chỉ đứng sau sân bay Long Thành (5.000 ha).
Cơ quan tổ chức lập quy hoạch là Bộ Xây dựng; cơ quan lập quy hoạch là Cục Hàng không; nhà tài trợ sản phẩm quy hoạch là Công ty TNHH MTV Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không có trách nhiệm bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc theo quy định của Chính phủ.
Quy hoạch được lập phải dựa trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật về quy hoạch, pháp luật về hàng không dân dụng; các tiêu chuẩn quốc gia về hàng không dân dụng và các tiêu chuẩn, khuyến cáo của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO); bảo đảm quốc phòng - an ninh, an toàn khai thác; bảo đảm tính khả thi của quy hoạch.
Các nội dung chủ yếu của nhiệm vụ lập quy hoạch gồm khảo sát, điều tra, thu thập các số liệu cần thiết phục vụ công tác lập điều chỉnh quy hoạch; cập nhật các quy hoạch của địa phương có liên quan đến kết nối với sân bay Gia Bình.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu phương án điều chỉnh quy hoạch để bổ sung nhu cầu sử dụng đất nhằm bảo đảm khả năng phát triển dài hạn của sân bay và nghiên cứu các nội dung điều chỉnh khác (nếu có). Song song đó là ước toán tổng mức đầu tư theo nhu cầu phát triển của sân bay để đề xuất phương án phân kỳ đầu tư phù hợp.
Cục Hàng không được giao nhiệm vụ lập điều chỉnh quy hoạch sân bay Gia Bình dựa trên kết quả thẩm định của Vụ Kế hoạch - Tài chính. Thời hạn lập quy hoạch là 30 ngày, không bao gồm thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch.
Trong quá trình lập, nhà chức trách hàng không phải chỉ đạo đơn vị tư vấn phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, UBND tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình khảo sát, lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch, bảo đảm tuân thủ các quy định về an ninh, an toàn... Đồng thời, đề xuất Bộ Xây dựng phương án cắm mốc giới quy hoạch sau khi quy hoạch được phê duyệt để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án.
Theo đề xuất mới đây của Cục Hàng không, sân bay Gia Bình sẽ nâng công suất gần bằng sân bay Nội Bài.
Cụ thể, từ nay đến năm 2030, nâng công suất sân bay Gia Bình từ 5 triệu hành khách mỗi năm lên 30 triệu hành khách mỗi năm. Tầm nhìn đến năm 2050, sân bay này có công suất là 50 triệu hành khách mỗi năm, thay vì 15 triệu hành khách mỗi năm như quy hoạch hiện nay.
Diện tích đất sân bay Gia Bình cũng được đề xuất tăng từ 408 ha lên gần 2.000 ha để phù hợp với công suất trên.
Đối với sân bay Nội Bài, Cục sẽ điều chỉnh công suất thời kỳ 2021-2030 dự kiến khoảng 35 triệu hành khách/năm, tầm nhìn đến năm 2050 có công suất dự kiến khoảng 60 triệu hành khách/năm.
Theo cơ quan quản lý hàng không, vùng trời sân bay Gia Bình nằm gần vùng trời kiểm soát tiếp cận của sân bay Nội Bài (khoảng cách giữa 2 cảng hàng không chỉ khoảng 43 km).
Do năng lực tổng thể của vùng trời xác định là hữu hạn, lãnh đạo Cục Hàng không cho rằng việc bổ sung, điều chỉnh tăng công suất của sân bay Gia Bình không làm tăng năng lực tổng thể của vùng trời dùng chung, mà sẽ yêu cầu giảm công suất tương ứng của sân bay Nội Bài, và phải thực hiện tái phân bổ lưu lượng khai thác giữa hai sân bay.