Sẽ có một đường ống dẫn hydro nối Bắc Phi tới Châu Âu

Bộ Năng lượng Ý cho biết, Ý, Áo, Đức, Algeria và Tunisia đã tái khẳng định rằng họ có ý định phát triển một đường ống dẫn hydro tái tạo từ Bắc Phi đến Châu Âu.

Ảnh: OP

Ảnh: OP

Đường ống dẫn hydro dài 3.300 km (2.050 dặm), có tên là Hành lang SouthH2, được lên kế hoạch vận chuyển hydro xanh từ bờ biển châu Phi đến Ý và sau đó đi xa hơn về phía bắc đến Áo và Đức.

Các bộ trưởng và quan chức từ các quốc gia và quan chức Năng lượng của Ủy ban Châu Âu, Ditte Juul Jørgensen đã tham dự các cuộc họp để thảo luận về dự án.

Hành lang SouthH2 được Ủy ban Châu Âu công nhận là Dự án vì lợi ích chung (PCI), điều này có nghĩa là EU có thể tài trợ một phần cho dự án cơ sở hạ tầng.

Dự án sẽ sử dụng hơn 65% cơ sở hạ tầng được tái sử dụng, với các phân đoạn đường ống mới khi cần thiết. Hành lang này nhận được sự ủng hộ chính trị cũng như sự ủng hộ mạnh mẽ từ các công ty tham gia vào quá trình sản xuất và tiêu thụ hydro trên toàn bộ hành lang.

Dự án dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2030. Hành lang SouthH2 sẽ thúc đẩy hơn nữa vai trò của Ý như một trung tâm năng lượng của Châu Âu, Antonio Tajani, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ý cho biết.

Các dự án hydro xanh ở Châu Âu đã gặp phải những trở ngại trong những tháng gần đây, trong bối cảnh chi phí liên tục cao và nhu cầu trong tương lai không chắc chắn. Điển hình như, Đan Mạch đang tìm cách đưa vào sử dụng đường ống hydro xanh xuyên biên giới đến Đức vào năm 2031, muộn hơn ba năm so với mốc thời gian trước đó, chính phủ Đan Mạch cho biết vào tháng 10.

Shell và Equinor đã hủy bỏ các kế hoạch sản xuất và vận chuyển hydro carbon thấp ở Bắc Âu do nhu cầu không đủ. Công ty nghiên cứu BloombergNEF cho biết, hydro xanh sẽ phải vật lộn để cạnh tranh về giá với hydro xám được sản xuất từ khí đốt tự nhiên ít nhất là cho đến năm 2050 - lâu hơn nhiều so với dự đoán trước đây.

Báo cáo mới của BNEF về giá hydro cho thấy, hydro xanh, loại được sản xuất thông qua quá trình điện phân sử dụng năng lượng tái tạo, sẽ không đạt được mức giá ngang bằng với hydro xám vào giữa thế kỷ này, vì chi phí đã tăng gấp ba lần so với dự báo năm 2023.

Bình An

Reu/OP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/se-co-mot-duong-ong-dan-hydro-noi-bac-phi-toi-chau-au-723425.html
Zalo