Sẻ chia với công nhân xa quê
Rời quê, đến Hải Dương làm việc, Tết này dù về hay ở lại, những công nhân xa quê đều nhận được sự chăm lo, sẻ chia thiết thực của tổ chức công đoàn và doanh nghiệp.
Hỗ trợ đi lại
Công ty TNHH May Tinh Lợi hiện là doanh nghiệp có số lượng lao động lớn nhất tỉnh Hải Dương, trong đó phần lớn công nhân từ tỉnh ngoài đến làm việc. Để sẻ chia với người lao động ở xa, ngoài các phần quà của công ty và công đoàn, những công nhân ở xa còn được hỗ trợ tiền xe đi lại. Công ty dựa vào địa chỉ thường trú của người lao động để chia ra các mức khác nhau.
Để bảo đảm công bằng, doanh nghiệp chia cụ thể các tỉnh, thành phố tùy vào khoảng cách với Hải Dương để xây dựng thang hỗ trợ. Theo đó, mức thấp nhất là 120.000 đồng/người, mức cao nhất 500.000/người (bao gồm công nhân ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên và các tỉnh từ Hà Tĩnh trở vào miền Nam).
“Dịp Tết về quê nhiều việc phải chi tiêu nên được công ty hỗ trợ tôi mừng lắm. Đây cũng là một trong những lý do níu chân tôi làm việc tại Hải Dương trong mấy năm qua”, chị Lù Thị Sín ở tỉnh Lai Châu chia sẻ.
Không chỉ bản thân các doanh nghiệp chăm lo cho công nhân của mình, thời gian qua, Công ty TNHH Triệu Phố (Thanh Miện) hoạt động trong lĩnh vực vận tải cũng tích cực hỗ trợ công nhân vùng xa. Nhiều năm qua, cứ đến dịp Tết, công ty lại tổ chức một chuyến xe miễn phí đưa công nhân ở xa về quê ăn Tết. Năm nay, công ty hỗ trợ đưa công nhân quê ở Hà Giang của Công ty TNHH Giày Continuance Việt Nam (Cẩm Giàng) về quê. Công đoàn Công ty TNHH Giày Continuance Việt Nam đã lên danh sách các công nhân đăng ký để thông báo giờ xe xuất phát.
“Chúng tôi là doanh nghiệp vận tải nên cuối năm rất bận. Tuy nhiên, đứng trước khó khăn của công nhân lao động xa quê, công ty muốn san sẻ phần nào”, ông Triệu Duy Lưu, Giám đốc Công ty TNHH Triệu Phố cho biết.
Từ lâu, việc hỗ trợ đi lại cho người lao động xa quê đến Hải Dương làm việc về quê ăn Tết đã trở thành nét đẹp văn hóa ở Hải Dương. Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, có rất nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp trong khu công nghiệp - nơi có nhiều lao động xa quê đến làm việc tổ chức xe đưa đón công nhân về quê hoặc hỗ trợ tiền vé xe đi lại.
Dịp Tết Ất Tỵ này, trong chương trình “Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng”, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tặng tiền tàu xe về quê ăn Tết cho 500 đoàn viên, người lao động xa quê (mức hỗ trợ 500.000 đồng/người). Bên cạnh đó, các công đoàn cơ sở cũng tích cực vận động doanh nghiệp chung tay hỗ trợ thêm cho những công nhân ở xa.
Chăm lo chu đáo người ở lại
Vì điều kiện công việc, vẫn có những công nhân lao động tỉnh xa phải ở lại Hải Dương đón Tết. Không chỉ nhận được mức lương thỏa đáng khi làm việc trong Tết, người lao động còn được quan tâm chăm lo rất tận tình.
Những ngày cận Tết này, anh Mạnh Ninh, công nhân Công ty CP Thiết bị chăn nuôi Hưng Huy ở xã Định Sơn (Cẩm Giàng) vẫn cần mẫn với công việc. Đây là năm thứ 2 anh Ninh đón Tết ở công ty cùng các đồng nghiệp.
Anh Ninh quê ở thị xã Mộc Châu (Sơn La). Do tính chất công việc đặc thù nên anh xác định không về quê dịp Tết mà ở lại. Trước Tết vài tháng, anh Ninh đã về quê thăm gia đình và các con.
Anh Ninh cho biết: "Không được đón giao thừa cùng vợ và các con là điều đáng tiếc. Nhưng do đặc thù công việc, tôi phải ở lại công ty. Dù xa quê, xa gia đình nhưng ngoài khoản thu nhập tăng thêm dịp Tết, tôi cũng được dự bữa cơm tất niên với nhiều anh em trong công ty. Điều này giúp tôi vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê", anh Ninh nói.
Ông Nguyễn Đắc Viêm, Giám đốc Công ty CP Thiết bị chăn nuôi Hưng Huy cho biết, do tính chất công việc yêu cầu nghiêm ngặt để phòng chống dịch bệnh nên người lao động trong công ty ít tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Lao động trong công ty chủ yếu là người ở các tỉnh vùng núi phía Bắc.
"Để công nhân yên tâm làm việc và đón Tết tại trang trại, công ty có nhiều chính sách động viên người lao động. Trong 5 ngày Tết, thu nhập của họ tăng gấp 4 lần so với ngày thường. Ngoài ra, chúng tôi tổ chức gói bánh chưng, làm bữa cơm tất niên và lì xì Tết để động viên người lao động làm việc. Mức thu nhập hấp dẫn nên hầu hết công nhân xa quê đều chọn ở lại đón Tết với công ty".
Tết này, vợ chồng chị Giàng Thị Dính ở tỉnh Bắc Kạn cũng ở lại Hải Dương ăn Tết. Đầu năm 2024, vợ chồng chị Dính dắt díu nhau xuống Hải Dương làm cho một nhà hàng ăn uống. Dịp Tết, lượng khách hàng tăng cao nên nhà hàng phục vụ xuyên Tết. Để đáp ứng yêu cầu, chủ nhà hàng mời vợ chồng chị Dính ở lại làm việc với mức thu nhập hấp dẫn nên hai người quyết định ở lại.
"Chúng tôi cũng muốn về quê đón Tết cùng các con nhưng kinh tế gia đình khó khăn. Đi lại dịp Tết cũng tốn kém, chưa kể thêm nhiều khoản chi phí khác nên vợ chồng tôi lựa chọn ở lại. Không về quê đón Tết, chúng tôi được chủ nhà hàng thưởng một khoản kha khá kèm theo quà để gửi về quê cho các cháu. Sau Tết, chúng tôi sẽ về quê bù đắp cho các con sau", chị Dính chia sẻ.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, Hải Dương hiện có khoảng 60.000 công nhân là người tỉnh ngoài đến làm việc. Sự sẻ chia thiết thực, kịp thời nhất là trong dịp Tết đến, xuân về này chắc chắn sẽ giúp họ thêm gắn bó với mảnh đất xứ Đông.