Sẻ chia trách nhiệm

Thế giới bước vào năm mới 2025 với những niềm hy vọng và cơ hội mới, song vẫn còn đó không ít thách thức nghiêm trọng cần sự chung tay gánh vác và sẻ chia trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và mọi quốc gia thành viên Liên hợp quốc (LHQ).

Tổng Thư ký LHQ António Guterres trình bày các ưu tiên trong chương trình nghị sự năm 2025. Ảnh: Quang Huy/TTXVN

Tổng Thư ký LHQ António Guterres trình bày các ưu tiên trong chương trình nghị sự năm 2025. Ảnh: Quang Huy/TTXVN

Trong các ưu tiên của chương trình nghị sự năm 2025 trình bày trước Đại hội đồng LHQ Khóa 79, Tổng Thư ký LHQ António Guterres đã nêu bật “4 thách thức thời đại” bao gồm xung đột tiếp diễn và leo thang ở nhiều nơi, bất bình đẳng lan rộng, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét và các nguy cơ từ việc khoa học công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển vượt tầm kiểm soát của con người. Để ứng phó với những thách thức này, người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh nhấn mạnh yêu cầu phối hợp hành động, hợp tác toàn cầu thông qua các sáng kiến, khuôn khổ hợp tác tại LHQ, với trọng tâm là việc thực hiện Hiệp ước vì Tương lai (Pact for the Future). Lời kêu gọi khẩn thiết của Tổng Thư ký LHQ cho thấy rõ một điều, là những vấn đề toàn cầu cần phải có cách tiếp cận và giải pháp toàn cầu; các thách thức và khủng hoảng lớn hiện nay mà thế giới đang phải đối mặt sẽ không thể giải quyết được chỉ với nỗ lực riêng lẻ của quốc gia hay tổ chức nào, kể cả LHQ, mà cần phải có sự chung tay hành động, sẻ chia trách nhiệm và nỗ lực của tất cả các quốc gia.

Phát biểu tại phiên thảo luận của Đại hội đồng LHQ, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, khẳng định Việt Nam là một đối tác có trách nhiệm và tin cậy của LHQ, Việt Nam đã và sẽ tiếp tục tham gia, đóng góp tích cực vào công việc chung của LHQ nhằm chung tay ứng phó với những thách thức hiện nay. Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy rằng Việt Nam đã không ngừng ghi dấu trên trường quốc tế, khẳng định mạnh mẽ Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động và tham gia hiệu quả vào công việc chung của LHQ, trong đó chung tay giải quyết thách thức an ninh toàn cầu là một “điểm sáng”. Môi trường an ninh quốc tế năm 2024 tiếp tục xấu đi, với hơn 120 cuộc xung đột, mức cao nhất kể từ năm 1946, trong đó nhiều cuộc xung đột kéo dài, leo thang và chưa có giải pháp hòa bình. Tại các diễn đàn đa phương lớn như LHQ, Việt Nam luôn giữ vững lập trường, thể hiện trách nhiệm đối với các mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, là quốc gia đi đầu ủng hộ chủ nghĩa đa phương và cách tiếp cận đa phương để giải quyết các thách thức, thúc đẩy đoàn kết, hợp tác thay cho chia rẽ, đối đầu. Việt Nam đã đóng góp tiếng nói mạnh mẽ của mình phản đối các hành động chính trị cường quyền và cấm vận đơn phương trong quan hệ quốc tế, không chỉ tại LHQ mà ở nhiều diễn đàn, khuôn khổ đa phương khác. Việt Nam luôn đề cao tuân thủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, đặc biệt là các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, quyền tự quyết dân tộc, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Đóng góp thiết thực nhất của Việt Nam, thể hiện trách nhiệm sẻ chia của “Dải đất hình chữ S” vào nỗ lực giảm xung đột, kiến tạo hòa bình - an ninh thế giới của LHQ, đó chính là việc đẩy mạnh tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế (PKO). Năm 2024 đánh dấu 10 năm tham gia PKO của Việt Nam, lực lượng Việt Nam tham gia PKO không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại những địa bàn xa xôi như Nam Sudan, CH Trung Phi và Abyei, các lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ và thực sự đã trở thành “sứ giả hòa bình” ở mỗi địa bàn đóng quân, được chỉ huy phái bộ và lãnh đạo LHQ ghi nhận như một mô hình mẫu.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ, phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quang Huy/TTXVN

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ, phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quang Huy/TTXVN

Liên quan tới thách thức về chống biến đổi khí hậu, một trong những trọng tâm hành động của Tổng Thư ký LHQ trong năm 2025, Việt Nam cũng có nhiều đóng góp hiệu quả. Dù nguồn lực còn khiêm tốn và là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng Trái Đất nóng lên, song Việt Nam đã nỗ lực hết mình ứng phó với biến đổi khí hậu, cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện; đẩy mạnh kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương. Bà Megumi Seki, Thư ký điều hành Ban Thư ký Ozone quốc tế, đánh giá sau 30 năm tham gia Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm cao, luôn nỗ lực thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp để quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo thống kê năm 2024 của Ban Thư ký Ozone quốc tế, Việt Nam đã loại trừ tiêu thụ 220 triệu tấn CO2 tương đương từ khi tham gia đến nay. Việt Nam cũng thuộc nhóm nòng cốt thúc đẩy Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ lấy ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) về trách nhiệm của các nước đối với biến đổi khí hậu. Kết quả này thể hiện rõ trách nhiệm và những đóng góp thiết thực của Việt Nam vào chương trình nghị sự chung của LHQ.

Bạn bè và đối tác quốc tế cũng chứng kiến sự tham gia tích cực, hiệu quả của Việt Nam vào các tiến trình thương lượng, phát triển và pháp điển hóa luật pháp quốc tế, trong đó đáng chú ý có việc kết thúc tiến trình xây dựng Công ước Tội phạm mạng, tham gia nghiên cứu của Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) về nước biển dâng và các vấn đề pháp lý mới nổi khác; tích cực tham gia thảo luận, đồng bảo trợ các nghị quyết về xây dựng khuôn khổ quản trị trí tuệ nhân tạo (AI) và an ninh mạng - những thách thức phi truyền thống mà thế giới đang phải đối diện. Bên cạnh những lợi ích và tiềm năng không giới hạn đối với sự phát triển của nhân loại, công nghệ số (nhất là AI) cũng đặt ra nhiều rủi ro và nguy cơ về an ninh, đe dọa sự phát triển bền vững của hầu hết các quốc gia. Trong bối cảnh đó, sự kiện Đại hội đồng LHQ cuối tháng 12/2024 thông qua “Công ước Hà Nội” về tội phạm mạng là dấu mốc quan trọng trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó với những mối đe dọa và thách thức ngày càng tăng trên không gian mạng. Việc dự kiến mở ký công ước tại Hà Nội - Thành phố vì hòa bình - là sự kiện cho thấy uy tín quốc tế ngày càng cao của Việt Nam, cũng như sự tham gia đóng góp chủ động, trách nhiệm và thực chất của Việt Nam trong toàn bộ quá trình đàm phán công ước; cho thấy Việt Nam giờ đây sẵn sàng tham gia dẫn dắt các tiến trình xây dựng và định hình các khuôn khổ quản trị số toàn cầu, bảo đảm an ninh mạng và chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, tạo tiền đề triển khai thành công chiến lược chuyển đổi số đưa đất nước sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trong thông điệp Năm mới 2025, Tổng Thư ký LHQ Guterres đánh giá thế giới đang bước đối diện với hàng loạt cơ hội lớn và thách thức song hành. Trong bối cảnh ấy, các đóng góp của Việt Nam tại LHQ thời gian qua đã thể hiện sắc nét đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả, chia sẻ trách nhiệm, tầm nhìn và giải pháp của Việt Nam về vai trò của LHQ trong các vấn đề lớn của thế giới, đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với hợp tác đa phương và các chương trình nghị sự lớn của LHQ.

Thanh Tuấn (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/se-chia-trach-nhiem-20250117154641554.htm
Zalo