Sẽ bỏ thành phố, thị xã thuộc tỉnh khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp

Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn cho biết: 'Tới đây, khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp thì mô hình thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã… cũng không còn được duy trì'.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà chủ trì buổi họp báo.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà chủ trì buổi họp báo.

Đây là thông tin tại buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ và thông tin về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, do Bộ Nội vụ tổ chức sáng nay (28/4). Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà chủ trì.

Theo Bộ Nội vụ, đến tháng 4/2025, Bộ Nội vụ đã trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương 3 Văn bản, đề án; trình Quốc hội thông qua 2 Luật tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV và ban hành 5 Nghị quyết; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 3 Nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 4 Nghị định; 11 Nghị quyết; 7 Quyết định; Bộ trưởng xem xét, ban hành 8 Thông tư.

Bộ Nội vụ đã tập trung tham mưu cho Ban Chỉ đạo triển khai hoàn thành các nhiệm vụ liên quan đến tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW. Trên cơ sở Luật Tổ chức Chính phủ đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định ban hành Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về đẩy mạnh phân quyền, phân cấp theo quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương.

Tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ, ban hành Quy chế hoạt động và Kế hoạch của Chính phủ thực hiện sắp xếp ĐVHC và xây dựng mô hình tổ chức CQĐP 02 cấp, tổ chức thành công Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo; đã khẩn trương tiếp thu, giải trình ý kiến của các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy các ban, bộ, ngành Trung ương, ý kiến của Đảng ủy Chính phủ, ý kiến của Bộ Chính trị tại các phiên họp để hoàn thiện kỹ lưỡng, chất lượng Tờ trình và Đề án của Đảng ủy Chính phủ, Đề án và các tài liệu liên quan báo cáo Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị lần thứ 11.

Tại buổi họp báo, phóng viên đặt câu hỏi về việc tới đây, khi cả nước thực hiện chủ trương không tổ chức cấp huyện, trong 696 đơn vị hành chính cấp huyện hiện nay có 87 thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương sẽ không còn. Bên cạnh đó, rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học và nhiều người dân rất ủng hộ chủ trương này. Tuy nhiên không ít ý kiến cho rằng nên giữ lại các thành phố này bằng cách xem các thành phố là một loại hình trong cấp chính quyền cơ cơ sở?.

Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn cho biết, đề xuất ban đầu của Bộ Nội vụ vẫn có mô hình thành phố, thị xã và xác định đây là một ĐVHC cấp cơ sở. “Theo đề xuất ban đầu của chúng tôi, những nơi có thành phố, thị xã thì sẽ không còn xã, phường ở dưới nữa, như vậy vẫn bảo đảm việc tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp là cấp tỉnh và cấp cơ sở. Cấp cơ sở bao gồm xã, phường, đặc khu, thành phố, thị xã”.

Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn.

Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn.

“Khi trình lên, cấp có thẩm quyền đã cân nhắc rất kỹ. Bộ Chính trị đã ba lần xem xét, cho ý kiến về đề án này, cân nhắc rất kỹ vì sao không giữ lại tên thị xã, TP thuộc tỉnh. Lý do bởi chúng ta đã thống nhất chủ trương bỏ hoàn toàn cấp huyện, cấp cơ sở chỉ còn cấp xã. Mặt khác, có yếu tố tâm lý sợ tác động, ảnh hưởng đến nhiều người dân. Họ sẽ băn khoăn vì sao chủ trương bỏ cấp huyện mà vẫn giữ lại TP, thị xã hiện đang là cấp huyện” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tuấn, “Sau khi cân nhắc rất kỹ, Bộ Chính trị, Trung ương thống nhất tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, bỏ hoàn toàn cấp huyện. Đồng thời, Bộ Chính trị, Trung ương thống nhất tổ chức mô hình tương đối gọn nhẹ để bảo đảm hướng tới phục vụ người dân tốt nhất, bảo đảm bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chính quyền cấp cơ sở gần dân, sát dân…”

Theo đó, giữ nguyên cấp tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; cấp xã chỉ còn xã, phường, đặc khu (tổ chức ở các địa bàn hải đảo), tới đây sẽ có khoảng 12-13 đặc khu theo phương án trình của các địa phương.

Về nhiệm vụ trọng tâm quý II/2025, Bộ nội vụ cho biết sẽ tập trung cao độ vào việc tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương để hoàn thiện kỹ lưỡng, chất lượng tờ trình, đề án sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Đồng thời, sẽ thực hiện đánh giá công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Trong đó, Bộ tập trung xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ báo cáo tình hình kết quả thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Đáng chú ý, cũng trong quý II năm nay, cơ quan này sẽ nghiên cứu, rà soát các nội dung liên quan tại Kết luận số 83-KL/TW ngày 21/6/2024 để đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động (CBCCVC, LLVT, NLĐ) trong doanh nghiệp; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH bảo đảm đồng bộ, thống nhất các nội dung về tiền lương trong khu vực công và khu vực tư…

Chu Lương

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/se-bo-thanh-pho-thi-xa-thuoc-tinh-khi-to-chuc-chinh-quyen-dia-phuong-2-cap-476933.html
Zalo