Sẽ ban hành nghị định về quản lý mỹ phẩm
Theo lãnh đạo Cục Quản lý Dược, quản lý mỹ phẩm là một trong những 'điểm nóng' mới cần đặc biệt tập trung tăng cường trong thời gian tới.
Hiện nay, thị trường mỹ phẩm phát triển mạnh mẽ nhưng tình trạng hàng giả, kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp. Do đó,câu chuyện quản lý mỹ phẩm đang đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết.
Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với TS. Tạ Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế (cơ quan đầu mối trong công tác quản lý nhà nước về dược và mỹ phẩm) để làm rõ hơn vấn đề này.

TS. Tạ Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược. Ảnh: Nguyên Thảo
Đâu là lỗ hổng?
- Thực tế cho thấy, tình trạng làm giả mỹ phẩm đang diễn biến phức tạp. Liệu sau thực phẩm chức năng, mỹ phẩm có thể trở thành "điểm nóng" tiếp theo về hàng giả hay không, thưa ông?
TS.Tạ Mạnh Hùng: Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đã thường xuyên chỉ đạo và hiện nay, chúng tôi xác định rằng, quản lý mỹ phẩm là một trong những điểm cần đặc biệt tập trung tăng cường trong thời gian tới.
Tương tự như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm hiện nay được quản lý theo phương thức công bố, tức là chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Đối với sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu, việc công bố được thực hiện tại Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế. Còn với các sản phẩm mỹ phẩm sản xuất trong nước, hồ sơ công bố được tiếp nhận và xử lý tại sở y tế địa phương.
Thủ tục công bố mỹ phẩm hiện nay khá đơn giản. Doanh nghiệp chỉ cần nộp mẫu phiếu công bố theo đúng quy định, kèm theo hồ sơ theo yêu cầu. Thời gian giải quyết hồ sơ là 5 ngày làm việc. Sau khi sản phẩm được công bố, về nguyên tắc, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiến hành hậu kiểm.
Tuy nhiên, thực tế đang tồn tại nghịch lý, sản xuất mỹ phẩm là ngành kinh doanh có điều kiện và phải được cấp phép, trong khi kinh doanh mỹ phẩm lại là ngành kinh doanh không có điều kiện. Các doanh nghiệp chỉ cần đăng ký hoạt động theo quy định của Luật Đầu tư là có thể triển khai kinh doanh mỹ phẩm.
Điều này khiến cho việc quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trở nên khó khăn. Trong khi nguồn lực cho công tác hậu kiểm hiện rất hạn chế, số lượng doanh nghiệp và mặt hàng mỹ phẩm lưu hành trên thị trường ngày càng lớn. Hằng năm, số lượng phiếu công bố mỹ phẩm được cấp cũng rất nhiều, vượt quá khả năng giám sát toàn diện.
Kiểm nghiệm mỹ phẩm khó hơn thuốc
- Hiện nay, hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động quản lý mỹ phẩm được xây dựng như thế nào? Trong thực tiễn triển khai, Bộ Y tế có đang gặp trở ngại nào trong việc hậu kiểm các sản phẩm mỹ phẩm đã công bố hay không, thưa ông?
TS.Tạ Mạnh Hùng: Hiện nay, chúng ta chưa có khả năng lấy mẫu toàn bộ các sản phẩm mỹ phẩm đang lưu hành trên thị trường để kiểm tra chất lượng. Ngoài ra, quy định quản lý mỹ phẩm cũng chưa đầy đủ và chặt chẽ như đối với lĩnh vực dược.
Ví dụ, với thuốc, chúng ta có Luật Dược, Nghị định 54, Nghị định 155 sửa đổi, Nghị định 88, cùng hệ thống thông tư chi tiết, rõ ràng.
Trong khi đó, đối với mỹ phẩm, hệ thống văn bản pháp lý hiện hành chỉ bao gồm: Nghị định 93/2016/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất mỹ phẩm; Hiệp định hòa hợp ASEAN về quản lý mỹ phẩm và một văn bản hướng dẫn duy nhất là Thông tư 06/2011/TT-BYT về quản lý mỹ phẩm.
Như vậy, hệ thống quản lý mỹ phẩm hiện vẫn còn thiếu nhiều quy định, đặc biệt là về hậu kiểm và trách nhiệm doanh nghiệp.
Hiện tại, chưa có cơ chế yêu cầu doanh nghiệp phải kiểm định chất lượng định kỳ cho các sản phẩm mỹ phẩm của mình. Đồng thời, cũng chưa có quy định rõ ràng trao quyền cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc lấy mẫu, kiểm nghiệm mỹ phẩm đang lưu hành.
Khác với lĩnh vực dược, việc lấy mẫu thuốc hiện nay diễn ra thuận lợi, theo đúng quy định và được các đơn vị phối hợp tích cực. Trong khi đó, việc lấy mẫu mỹ phẩm lại rất khó khăn. Khi đoàn kiểm tra đến, nhiều cơ sở kinh doanh mỹ phẩm có thái độ thiếu hợp tác, thậm chí đóng cửa, không bán sản phẩm, không cho phép lấy mẫu để kiểm tra chất lượng.

Lực lượng chức năng kiểm tra một kho mỹ phẩm tại TP. Bắc Giang. Ảnh:DMS
- Thời gian qua, Bộ Y tế đã có động thái nào cụ thể để kiểm soát chất lượng mỹ phẩm trên thị trường?
Trong thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, các trung tâm kiểm nghiệm trên cả nước đã tích cực, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát chất lượng mỹ phẩm lưu thông trên thị trường. Hằng năm, các đơn vị đã tiến hành lấy khoảng 3.000 mẫu mỹ phẩm để kiểm nghiệm chất lượng.
Qua quá trình kiểm tra, chúng tôi đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm chất lượng. Đối với các mẫu không đạt tiêu chuẩn, Bộ Y tế đã ban hành các công văn đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu hủy sản phẩm. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, Bộ cũng tiến hành rút lại phiếu tiếp nhận công bố sản phẩm mỹ phẩm của doanh nghiệp vi phạm.
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý mỹ phẩm trong thời gian tới, Bộ Y tế đang tham mưu Chính phủ ban hành một nghị định mới về quản lý mỹ phẩm. Nghị định này sẽ tạo hành lang pháp lý để quản lý toàn diện từ khâu sản xuất, kinh doanh đến giám sát chất lượng, hướng tới mục tiêu bảo đảm an toàn cho người sử dụng.
Rạch ròi giữa sai phạm đơn lẻ và hệ thống
- Hiện nay, đã có quy định nào yêu cầu kiểm nghiệm bắt buộc đối với các lô sản phẩm khác trong trường hợp một lô mỹ phẩm đã bị phát hiện vi phạm và thu hồi hay chưa? Ngoài ra, có cơ chế nào để tăng cường giám sát, quản lý chất lượng các lô tiếp theo của cùng sản phẩm đó không?
Giống như các mặt hàng khác, trong lĩnh vực mỹ phẩm, một mặt hàng có thể được sản xuất thành nhiều lô khác nhau. Trong số đó, có những trường hợp vi phạm chỉ xảy ra ở một lô sản xuất cụ thể tại một thời điểm nhất định. Với các trường hợp như vậy, cơ quan quản lý chỉ xử lý đối với lô vi phạm, bao gồm thu hồi lô hàng, xử phạt hành chính, chứ không áp dụng cho toàn bộ mặt hàng.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp qua kiểm nghiệm và đánh giá cho thấy vi phạm không chỉ là cá biệt mà mang tính hệ thống hoặc phản ánh sai phạm trên toàn bộ sản phẩm. Trong những tình huống đó, chúng tôi sẽ thu hồi toàn bộ phiếu công bố sản phẩm và xử lý tất cả các lô liên quan, chứ không dừng lại ở một lô vi phạm duy nhất.
Đây chính là sự phân biệt giữa "vi phạm lô" và "vi phạm mặt hàng". Nếu chỉ là lỗi xảy ra ở một lô đơn lẻ, thì xử lý ở mức độ lô vi phạm. Nhưng nếu lỗi đó thể hiện rằng toàn bộ sản phẩm không đạt chất lượng, chúng tôi sẽ xử lý ở cấp độ mặt hàng theo đúng quy định pháp luật.
- Tại Đồng Nai, chỉ trong vòng một tuần, 2 sản phẩm của Công ty TNHH EBC Group liên tiếp bị phát hiện lỗi chất lượng. Vậy, trường hợp này có được coi là yếu tố nguy cơ mang tính hệ thống hay không? Liệu có cần kiểm tra sâu thêm, cũng như cân nhắc biện pháp xử phạt phù hợp hơn không, thưa ông?
Về nội dung này, Bộ Y tế thông qua báo cáo ban đầu của Sở Y tế Đồng Nai đã có các công văn chỉ đạo tiếp theo, yêu cầu Sở tập trung làm rõ bản chất vụ việc. Cụ thể, cần xác định xem đây là lỗi vi phạm mang tính chất hệ thống, hay chỉ là vi phạm mang tính cá biệt.
Nếu xác định được là lỗi hệ thống, Bộ Y tế sẽ xử lý tổng thể, không dừng lại ở việc xử lý từng lô sản phẩm đơn lẻ. Việc xử lý sẽ bao gồm cả phiếu công bố sản phẩm, hoạt động sản xuất và các lô liên quan.
Hiện, Bộ đang chờ báo cáo chính thức từ Sở Y tế Đồng Nai, để có đầy đủ căn cứ tiến hành các bước xử lý cụ thể và phù hợp theo đúng quy định.