Sẽ bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết trong năm 2025
Bộ trưởng Tài chính yêu cầu toàn hệ thống phấn đấu giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính (TTHC), giảm 30% chi phí tuân thủ TTHC, bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết trong năm 2025. Mọi TTHC liên quan đến doanh nghiệp phải được cung cấp trực tuyến, thông suốt, minh bạch, không phụ thuộc địa giới hành chính.
Xây dựng mô hình thủ tục hành chính “phi địa giới hành chính”
Hôm nay 27/5, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch và giải pháp đảm bảo cung cấp dịch vụ công trực tuyến tập trung trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Mục tiêu là hướng tới một nền hành chính hiện đại, phi địa giới hành chính, trong đó doanh nghiệp có thể thực hiện mọi thủ tục hành chính một cách thông suốt, minh bạch, không bị giới hạn bởi địa bàn cư trú hay đăng ký kinh doanh.
Theo Cục Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số (Bộ Tài chính), hiện Bộ Tài chính đang quản lý 949 thủ tục hành chính thuộc 22 lĩnh vực, với tổng số 991 dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, có 490 dịch vụ toàn trình, 137 dịch vụ một phần và 364 dịch vụ cung cấp thông tin.

Người dân đăng ký tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan Thuế và thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Đáng chú ý, việc xây dựng mô hình thủ tục hành chính “phi địa giới hành chính” đang mở ra hướng đi mới cho cộng đồng doanh nghiệp: mọi tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ, theo dõi và nhận kết quả ở bất kỳ đâu, không cần phụ thuộc vào nơi đăng ký kinh doanh hay trụ sở chính.
"Doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh có thể thực hiện thủ tục của Bộ Tài chính tại Hà Nội, hoặc ngược lại. Điều này không chỉ tiết kiệm chi phí, thời gian, mà còn góp phần xóa bỏ rào cản hành chính và thúc đẩy chuyển đổi số đồng bộ trên toàn quốc", đại diện Bộ Tài chính cho biết.
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị đã tham luận, trao đổi về nội dung đảm bảo cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Các đơn vị mong muốn có hướng dẫn cụ thể từ Bộ Tài chính về kết nối trao đổi, kết nối sử dụng dữ liệu số hóa với địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bùi Văn Khắng cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai, đặc biệt là về hạ tầng kỹ thuật, năng lực cán bộ và tính đồng bộ giữa các cấp hành chính. Theo Thứ trưởng, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) cần được thực hiện đồng bộ, liên thông giữa các đơn vị và các cấp chính quyền. Cục Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số được giao nhiệm vụ chủ trì cập nhật, kết nối và đồng bộ dữ liệu dùng chung với các bộ, ngành, đảm bảo tính thống nhất kỹ thuật.
Đồng thời, cần có phương án xử lý hồ sơ trong trường hợp hệ thống bị ngắt kết nối hoặc gặp sự cố. Việc đầu tư nâng cấp hạ tầng, trang thiết bị cũng là yêu cầu cấp thiết nhằm bảo đảm tiến độ và chất lượng cung cấp dịch vụ công.
Bên cạnh yếu tố kỹ thuật, Thứ trưởng nhấn mạnh, vai trò then chốt của đội ngũ cán bộ trong việc triển khai DVCTT. Từ năng lực chuyên môn đến tinh thần phục vụ đều cần được nâng cao, để bảo đảm mỗi cán bộ thực sự là “mắt xích” hiệu quả trong chuỗi cung ứng dịch vụ công hiện đại.
Bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết trong năm 2025
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là giải pháp căn cơ để nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong bối cảnh tổ chức lại bộ máy chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến không phụ thuộc địa giới hành chính sẽ là chìa khóa để duy trì tính liên tục, hiệu quả và minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính.
Bộ trưởng cũng lưu ý, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn liên quan đến quản lý tổ chức, đào tạo cán bộ, chuẩn hóa quy trình và đảm bảo vận hành hệ thống hiệu quả, thông suốt.
Trên tinh thần đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu, Cục Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số khẩn trương rà soát, trình Bộ phê duyệt danh mục DVCTT toàn trình, một phần trong tháng 5/2025; phối hợp với Văn phòng Bộ và các đơn vị quản lý thủ tục hành chính (TTHC) tái cấu trúc quy trình khi bỏ cấp huyện; cập nhật hạ tầng công nghệ, bảo đảm vận hành thông suốt trước ngày 25/6; phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng DVCTT.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giao Văn phòng Bộ Tài chính chủ trì, đôn đốc các đơn vị quản lý TTHC rà soát, đơn giản hóa quy trình liên quan đến việc kết thúc hoạt động chính quyền cấp huyện và tổ chức chính quyền 2 cấp; tổng hợp, báo cáo kết quả cải cách TTHC và điều kiện kinh doanh.
Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, xác định những yêu cầu thay đổi các thủ tục hành chính, các dịch vụ công trực tuyến theo kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp - không tổ chức cấp huyện, sáp nhập tỉnh, xã.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị (Ảnh: TBTCVN)
Bên cạnh đó, rà soát, đảm bảo mọi thủ tục liên quan đến doanh nghiệp phải tổ chức thực hiện trực tuyến thông suốt, liền mạch, hiệu quả, đảm bảo minh bạch, giảm tối đa giấy tờ; 100% TTHC thực hiện không phụ thuộc địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh. Thời hạn hoàn thành thực hiện trước 10/6.
Đồng thời, chủ động rà soát điều chỉnh quy trình nghiệp vụ, cắt giảm đơn giản hóa tối đa TTHC có liên quan khi bỏ cấp huyện theo chức năng nhiệm vụ được giao quản lý; triển khai các văn bản pháp lý về các thay đổi về pháp lý do đơn vị soạn thảo (nếu có) trước ngày 15/6 và thông báo để tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện (từ ngày 1/7).
Trên cơ sở kết quả thực hiện thí điểm của Cổng Dịch vụ công quốc gia trên Trung tâm Dữ liệu quốc gia (TTDLQG), triển khai rà soát, tái cấu trúc quy trình giải quyết TTHC, đảm bảo sẵn sàng các hệ thống DVCTT phục vụ thử nghiệm, tích hợp dữ liệu lên TTDLQG đối với các DVCTT thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính. Thời hạn hoàn thành trong tháng 12/2025.
Người đứng đầu ngành Tài chính yêu cầu toàn hệ thống phấn đấu giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, giảm 30% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết trong năm 2025. Mọi thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp phải được cung cấp trực tuyến, thông suốt, minh bạch và không phụ thuộc địa giới hành chính. Đây là bước đi mạnh mẽ nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch và thích ứng với các biến động toàn cầu.