Say đắm làn điệu dân ca của người Mông ở Cao Minh

Xuân về, không khí tết cổ truyền tràn ngập khắp các bản làng của người Mông ở Cao Minh, Tràng Định. Giữa tiết trời se lạnh, bên bếp lửa hồng, những làn điệu dân ca Mông lại càng trở nên ấm áp, sâu lắng. Ai đã một lần được tới nơi đây để nghe những làn điệu dân ca của người Mông chắc hẳn sẽ nhớ mãi không quên… Âm thanh của kèn lá, của sáo và những điệu hát mộc mạc, trong trẻo của người Mông dường như có thể làm đắm say cả những du khách khó tính nhất.

Thành viên Câu lạc bộ hát Sỉ Bảo tồn dân ca dân tộc Mông biểu diễn hát dân ca tại sự kiện cho Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Tràng Định tổ chức năm 2024

Thành viên Câu lạc bộ hát Sỉ Bảo tồn dân ca dân tộc Mông biểu diễn hát dân ca tại sự kiện cho Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Tràng Định tổ chức năm 2024

Với người Mông Đen ở xã Cao Minh, huyện Tràng Định, những điệu dân ca (tiếng Mông gọi là “Tú sỉ na mỉeo”) là một loại hình văn nghệ điển hình mang tính truyền thống lâu đời và độc đáo. Bà Trịnh Thị Khén, người cao niên trong xã cho biết: Ngay từ lúc mới sinh ra, trẻ em người Mông nơi đây đã biết đến những làn điệu dân ca nói về cuộc sống, xây dựng bản làng. Tôi cũng được nghe hát và học hát từ khi còn rất nhỏ. Mỗi dịp lễ, tết, đám cưới, mừng nhà mới… đều có tiếng hát ngân nga hòa lẫn với điệu kèn, điệu múa của các bà, các mẹ, của cả bản làng. Người Mông thường dùng lời ca tiếng hát để xua tan đi những mệt mỏi trong công việc, để biểu lộ tình cảm, cảm xúc. Cứ thế, qua thời gian, dân ca trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào dân tộc Mông từ nhiều đời nay.

Dân ca của dân tộc Mông là những bài hát do người dân tự sáng tác và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Dân ca Mông hiện nay còn lưu giữ được một số điệu hát như: hát trong sinh hoạt, đời sống, lao động sản xuất; những điệu hát giao duyên tình yêu đôi lứa; những điệu hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, làng bản, quê hương, đất nước đổi mới...

Nét độc đáo của hát dân ca Mông thể hiện ở nội dung ca từ do người hát tự ứng tác để bộc lộ tâm trạng, thể hiện cảm xúc. Những câu hát không hoa mỹ, lời lẽ mộc mạc, giản dị nhưng mang đậm chất trữ tình, vừa sáng tạo, vừa thể hiện tình cảm ngọt ngào, sâu lắng. Trong lời ca có mây, gió, núi, sông, cây cỏ, hoa trái bốn mùa... mượn thiên nhiên để nói về tình cảm giữa con người với con người. Tiêu biểu như những câu hát trong dịp tết: Mùng Hai tết đông vui/ Mùng Ba tết đông vui/ Cả nhà cùng xum họp/ Ăn bữa cơm gia đình/ Trai gái lấy nước mới rửa mặt/ Da mặt trắng như bông/ Trắng như quả trứng tròn/ Cha cho trai áo mới/ Mẹ cho gái áo hồng…

Điểm đặc biệt của dân ca đồng bào Mông ở Cao Minh đó là tiếng hát thường đi kèm với tiếng kèn lá hoặc tiếng sáo đặc trưng, mang âm hưởng của núi rừng. Với tình yêu những làn điệu dân ca truyền thống, thời gian qua, hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị những làn điệu dân ca này được cộng đồng bà con người Mông và các cấp, ngành quan tâm thực hiện.

Ông Nông Quốc Cờ, Bí thư Đảng ủy xã Cao Minh, huyện Tràng Định cho biết: Xã Cao Minh có 7 thôn với 136 hộ người Mông (chiếm 60% dân số toàn xã), trong đó, người Mông tập trung chủ yếu ở các thôn: Khuổi Làm, Khuổi Nặp, Khuổi Vang và Vàng Can. Người Mông ở Cao Minh chủ yếu thuộc nhóm người Mông đen với nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Trong đó có làn điệu dân ca đậm đà bản sắc, theo tiếng Mông là “Slỉ ná mẻo”. Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã đã tích cực tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; phát huy vai trò của người có uy tín trong tuyên truyền giữ gìn bản sắc; đưa công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc Mông vào nghị quyết Đảng bộ xã.

Đặc biệt, tháng 6/2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND huyện Tràng Định đã mở lớp truyền dạy hát dân ca Mông tại xã Cao Minh với 50 học viên. Sau hơn 1 tháng học tập, UBND huyện đã ra quyết định thành lập Câu lạc bộ (CLB) Bảo tồn dân ca dân tộc Mông với 50 thành viên trong độ tuổi từ 10 đến 60 tuổi. Ông Dương Văn Ngoan, Chủ nhiệm CLB cho biết: Tại đây, các thành viên được nghệ nhân dân gian, người cao niên ở xã truyền dạy các làn điệu dân ca truyền thống kết hợp với việc học cách chơi nhạc cụ truyền thống như thổi sáo, thổi kèn lá… Từ khi thành lập CLB đến nay, các thành viên đã mang tiếng hát giao lưu với các xã bạn, cũng như tham gia các sự kiện ở trong và ngoài huyện.

Với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền xã, sự tâm huyết của người dân, dân ca của người Mông ở Cao Minh được bảo tồn và gìn giữ những nét đặc thù, độc đáo, không hề lẫn với những điệu dân ca của bất cứ dân tộc nào.

Ông Nông Văn Lâm, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Tràng định cho biết: Cao Minh là xã tập trung đông người Mông sinh sống nhất trên địa bàn huyện. Đây cũng là xã làm tốt công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có các làn điệu dân ca truyền thống vô cùng đặc sắc và độc đáo. Nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông, thời gian tới, phòng tiếp tục tham mưu UBND huyện tăng cường chỉ đạo tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về giá trị và tầm quan trọng của việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống; đặc biệt là nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm các hoạt động văn hóa của người Mông ở Cao Minh.

Trong những ngày đầu xuân mới, được nghe những làn điệu dân ca mộc mạc của bà con người Mông, trong mỗi chúng ta đều thấy trân trọng hơn những vốn quý văn hóa truyền thống mà bà con đã dày công gìn giữ, trao truyền. Trong nhịp sống hiện đại hôm nay, những điệu dân ca của bà con người Mông nói riêng và những làn điệu dân ca truyền thống các dân tộc nói chung ngày càng lan tỏa và khẳng định sức sống với thời gian.

TUYẾT MAI

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/bai-so-xuan-say-dam-lan-dieu-dan-ca-cua-nguoi-mong-o-cao-minh-5031188.html
Zalo