Sau vụ ông Abe Shinzo bị ám sát, Nhật Bản sẽ xem xét các quy định về súng tự chế

Chính phủ Nhật Bản sẽ xem xét các quy định có thể ban hành về súng tự chế sau vụ cựu Thủ tướng Abe Shinzo bị một đối tượng bắn từ phía sau khiến ông qua đời do mất máu hôm 8/7.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno ngày 12/7 cho biết, nước này đã có lệnh cấm sở hữu súng, song chính quyền vẫn xem xét sự cần thiết phải kiểm soát súng tự chế khi điều tra vụ tấn công cựu Thủ tướng Abe và các vụ việc tương tự.

Thông báo được đưa ra sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Abe Shinzo. Nghi phạm Tetsuya Yamagami đã tự chế khẩu súng hai nòng và nã hai phát súng vào ông Abe, khiến cựu Thủ tướng tử vong vì mất quá nhiều máu.

Khẩu súng (màu đen) được nghi phạm Yamagami dùng để bắn ông Abe hôm 8/7. Ảnh: Asahi Shimbun.

Dựa trên hình ảnh tại hiện trường, các chuyên gia về vũ khí nhận định khẩu súng tự chế của Yamagami dường như sử dụng cơ chế khai hỏa bằng cò điện, nhiều khả năng được nghi phạm tự chế tạo hoặc in 3D tại nhà.

Cùng ngày, Kyodonews dẫn các nguồn tin điều tra cho biết đã tìm thấy một lượng lớn vỏ nhựa có thể được sử dụng trong súng ngắn tại nhà của Tetsuya Yamagami - nghi phạm bị cáo buộc sát hại cựu Thủ tướng Abe.

Tetsuya Yamagami đã khai với các điều tra viên rằng ban đầu anh ta định sản xuất bom, nhưng sau đó đã quyết định sản xuất súng vì muốn tấn công mục tiêu mà không gây thương tích bừa bãi.

Nghi phạm Tetsuya Yamagami bị bắt giữ ngay tại hiện trường vụ ám sát

Yamagami cho biết hắn đã xem các hướng dẫn trên YouTube để học cách chế tạo súng và cơ quan điều tra xác nhận rằng ta xác nhận rằng vũ khí mà người đàn ông 41 tuổi này sử dụng để bắn ông Abe khi ông vận động tranh cử hôm 8/7 trên một con phố ở Nara sử dụng vỏ nhựa nhỏ có chứa các viên đạn.

Theo các nhà điều tra, khẩu súng được chế tạo từ hai ống kim loại được gắn lại với nhau bằng băng dính và sử dụng đạn được đặt trong vỏ nhựa nhỏ có thể bắn ra từ cả hai nòng. Cấu tạo của khẩu súng tự chế này tương tự như một khẩu súng ngắn.

Cảnh sát cũng đã phát hiện các vật dụng được sử dụng để phân chia thuốc súng và viên đạn trong vỏ nhựa tại nhà của Yamagami ở Nara, cũng như các phiếu giao hàng được cho là từ việc mua hàng trực tuyến, theo Kyodonews.

Các nguồn tin cho biết, Yamagami trước đó khai rằng, trước khi xảy ra vụ tấn công ở Nara, hắn đã mang một khẩu súng khác đến tòa thị chính ở thành phố Okayama - cách Nara khoảng 200 km về phía Tây, nơi ông Abe có bài phát biểu.

Các điều tra viên tin rằng khẩu súng mà Yamagami mang đến Okayama rất có thể không phải là một loại vũ khí dạng súng ngắn. Tuy nhiên, nghi phạm không thể tiếp cận gần Thủ tướng Abe khi ông có mặt tại tòa thị chính.

Cảnh sát cho rằng Yamagami đã chọn một khẩu súng sát thương hơn vào ngày hắn ta tiếp cận ôngAbe từ phía sau và bắn vào chính trị gia này 2 hai lần trong phạm vi 5 đến 7m.

Yamagami cũng khẳng định không tấn công ông Abe vì quan điểm chính trị. Tuy nhiên, đối tượng đã chọn nổ súng vào ông Abe sau khi ban đầu lên kế hoạch tấn công lãnh đạo một tổ chức tôn giáo mà nghi phạm thù hận.

Ngày 11/7, đối tượng khai với cảnh sát rằng ông ngoại của ông Abe, cố Thủ tướng Nobusuke Kishi, đã đưa vào Nhật Bản một nhóm tôn giáo mà hắn căm ghét. Và do đó, cảnh sát nghi ngờ Tetsuya Yamagami đã tin vào những thông tin không đáng tin cậy trên internet đã khiến hắn chuyển thái độ thù địch từ ông Nobusuke Kishi sang cháu trai của mình - ông Abe Shinzo, theo Kyodonews.

Theo một số nguồn tin, ông Abe đã gửi một tin nhắn video tới một sự kiện do một tổ chức có liên hệ với nhóm tôn giáo tổ chức vào tháng 9 năm ngoái

Trong cuộc họp báo cùng ngày 11/7 tại Tokyo, ông Tomihiro Tanaka, Chủ tịch của Liên đoàn Gia đình vì Hòa bình và Thống nhất Thế giới, thường được gọi là Giáo hội Thống nhất, tại Nhật Bản cho biết mẹ của nghi phạm là một thành viên của nhà thờ từ năm 1998 và đến năm 2002 thì gia đình có vấn đề về tài chính.

Ông Tanaka cho biết thêm cố Thủ tướng Abe và nghi phạm bị bắt đều không phải là thành viên của tổ chức tôn giáo. Ông Abe cũng không phải là cố vấn của giáo hội.

Người đứng đầu giáo hội tại Nhật Bản nói thêm rằng nhà thờ sẽ hợp tác với cảnh sát để điều tra nếu được yêu cầu. Ông cũng từ chối cung cấp thông tin về các khoản quyên góp của mẹ nghi phạm với lý do cảnh sát đang điều tra.

Cũng tại họp báo, ông Tanaka tuyên bố nếu sự phẫn nộ chống lại nhóm được chứng minh là lý do thúc đẩy Yamagami bắn ông Abe, họ sẽ phải “xem xét tình hình một cách nghiêm túc”.

Nhật Bản là một trong những quốc gia có luật kiểm soát súng nghiêm ngặt nhất thế giới. Số người chết vì súng hàng năm ở đất nước 125 triệu dân này thường là những con số đơn lẻ.

Quá trình cấp giấy phép sử dụng súng là một quá trình lâu dài và phức tạp ngay cả đối với công dân Nhật Bản, khi họ phải được một hiệp hội bắn súng giới thiệu và sau đó phải trải qua các cuộc kiểm tra nghiêm ngặt của cảnh sát.

Cụ thể, nếu người dân Nhật Bản muốn sở hữu súng, họ sẽ phải tham gia khóa học cả ngày, vượt qua bài kiểm tra viết, đạt độ chính xác ít nhất 95% trong bài kiểm tra bắn súng.

Sau đó, họ tiếp tục phải kiểm tra tâm lý, xét nghiệm ma túy tại bệnh viện và thẩm tra lý lịch. Trong quá trình này, các cơ quan chức năng sẽ điều tra hồ sơ tội phạm của họ, đồng thời phỏng vấn gia đình, bạn bè, đồng nghiệp người muốn sở hữu súng.

Người có nhu cầu chỉ có thể mua súng bắn đạn ghém hay súng hơi, các loại vũ khí quân dụng đều bị cấm. Chủ sở hữu súng phải cất giữ vũ khí ở nơi riêng biệt, có khóa và chìa khóa, sau đó thông báo với cảnh sát. Cứ ba năm một lần, họ phải tham gia lại khóa học và thực hiện đợt kiểm tra.

Nhật Minh

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/sau-vu-ong-abe-shinzo-bi-am-sat-nhat-ban-se-xem-xet-cac-quy-dinh-ve-sung-tu-che-210330.html
Zalo