Sau vụ 600 sữa giả, Bộ Công Thương hỏa tốc yêu cầu kiểm tra sữa, thuốc
Bộ Công Thương yêu cầu các địa phương, lực lượng chức năng trên cả nước tập trung kiểm tra tại các cơ sở bán lẻ, đại lý không chính thức, sàn thương mại điện tử và mạng xã hội.

Một loại sữa trong đường dây gần 600 loại sữa giả mới bị phanh phui. Ảnh: VTV.
Bộ Công Thương vừa ban hành công điện hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố; Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước và Sở Công Thương các địa phương về việc tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt đối với các sản phẩm sữa, thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Công điện được ban hành trong bối cảnh lực lượng chức năng liên tiếp kiểm tra, phát hiện một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, quảng cáo, phân phối nhiều loại sữa giả; thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả tại một số địa phương. Đáng nói, hoạt động sản xuất, buôn bán các loại hàng giả này đã kéo dài nhiều năm gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân.
Trong công điện, Bộ trưởng Công Thương yêu cầu UBND các tỉnh, thành bám sát diễn biến của thị trường, kịp thời tổng hợp, báo cáo về tình hình biến động của thị trường hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là mặt hàng có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.
UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn. Đồng thời, thu hồi các loại thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả đã được phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.
Đặc biệt, Bộ trưởng Công Thương yêu cầu các lực lượng chức năng cần tập trung kiểm tra các cơ sở bán lẻ, đại lý không chính thức, sàn thương mại điện tử và mạng xã hội. Đây là những kênh phân phối đang tiềm ẩn nhiều rủi ro về hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc.
Bộ trưởng Công Thương cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện việc hậu kiểm về tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm, nhóm sản phẩm.
Các địa phương xây dựng kế hoạch hậu kiểm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Đồng thời, tập trung kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm, hậu kiểm việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng công thức dùng cho trẻ em...
Các địa phương chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác lấy mẫu để kiểm tra chất lượng hàng hóa đang lưu thông trên địa bàn.
"Cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi phát ngôn, quảng cáo sai sự thật, đặc biệt đối với những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân", công điện nêu rõ.
Đối với Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ trưởng yêu cầu cơ quan này chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, sữa giả, thuốc giả.