Sau sắp xếp, bộ máy mới Ủy ban Dân tộc 'sẵn sàng đón nhiệm vụ mới'
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình lưu ý, Ủy ban Dân tộc cần nghiên cứu tổ chức bộ máy mới tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hơn sau sáp nhập và bộ máy mới phải sẵn sàng đón nhiệm vụ mới.
Các chương trình, mục tiêu phải được triển khai ngay
Sáng 30/12, phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác dân tộc năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 tại Ủy ban Dân tộc, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: Công tác dân tộc và chính sách dân tộc luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, thông qua chương trình mục tiêu quốc gia đã đi vào đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Kinh tế tăng trưởng, đời sống của đồng bào đã được cải thiện, qua đó phản ánh chính sách của Đảng và Nhà nước đã đi vào cuộc sống. Công tác giảm nghèo có chuyển biến tích cực, tỷ lệ giảm nghèo giảm 3,7%; các giá trị văn hóa truyền thống được phát huy; hệ thống chính trị ở cơ sở ổn định…
Tuy vậy, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn nhiều điều cần quan tâm: Cơ sở vật chất còn khó khăn, nhân lực mặt bằng chung về trình độ vẫn còn hạn chế; kinh tế - xã hội phát triển chậm; dịch vụ xã hội còn kém; tỷ lệ hộ nghèo còn cao… Chính điều này đặt ra cho chúng ta về chính sách dân tộc, giảm nghèo cần được quan tâm hơn nữa.
Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh: Năm 2025 có ý nghĩa rất quan trọng, Ủy ban Dân tộc cần xác định lại nhiệm vụ, quyết tâm, trách nhiệm chính trị với đồng bào. Năm 2025 phải hoàn thành chương trình xóa nhà tạm cho người nghèo, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Về thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương, Ủy ban Dân tộc là cơ quan có biến động, sáp nhập một phần của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và phần Tôn giáo của Bộ Nội vụ. Chính vì vậy, Ủy ban Dân tộc cần nghiên cứu tổ chức bộ máy mới tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hơn.
Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý, bộ máy mới phải sẵn sàng đón nhiệm vụ mới. Trước tháng 2/2025, khi có mô hình mới có thể triển khai ngay để thực hiện quyết tâm chương trình miền núi và chương trình giảm nghèo. Hai chương trình này có những điểm song trùng, khi thực hiện không ngừng nghỉ góp phần nâng cao đời sống người dân đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, sau khi Bộ Dân tộc và Tôn giáo (mới) ra mắt trong quý I/2025 các chương trình, mục tiêu phải được triển khai ngay. “Làm tốt việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công cho đồng bào, nhưng phải đảm bảo giải ngân cho đúng, cho đủ để không “có lỗi” với đồng bào...”, ông Nguyễn Hòa Bình yêu cầu.
Sắp xếp công chức, viên chức phù hợp
“Nhiệm vụ năm 2025 rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương với một quyết tâm cao với sự đồng lòng, đoàn kết tôi tin tưởng các đồng chí sẽ thực hiện thành công”, Phó Thủ tướng Thường trực bày tỏ.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành với phương châm sâu sát, quyết liệt. Đẩy mạnh phân cấp, phân công nhiệm vụ gắn với trách nhiệm và quyền hạn cụ thể.
Cùng với đó, cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; bố trí, sắp xếp công chức, viên chức, người lao động phù hợp với chuyên môn, năng lực, trình độ tương ứng với vị trí việc làm nhằm phát huy sở trường, năng lực của mỗi công chức, viên chức, người lao động.
Tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi khá cao, trong đó các tỉnh vùng Tây Bắc tăng bình quân 8,0%/năm, Tây Nguyên tăng bình quân 7,5%/năm, Tây Nam Bộ tăng bình quân 7,0%/năm.
Đến nay, 98,4% xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi có đường ô tô đến trung tâm; 96,7% hộ dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã có trường lớp mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở…
Năm 2025, Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh, sẽ tăng cường đôn đốc, kiểm tra giám sát để xử lý tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thực hiện các chương trình; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025…