Sau sáp nhập tỉnh, cơ hội việc làm của sinh viên sư phạm không bị ảnh hưởng

Khi các đơn vị hành chính sáp nhập với nhau sẽ tạo ra thay đổi lớn trong cơ cấu hành chính. Tác động đến môi trường, cơ hội làm việc của sinh viên khi ra trường.

Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm bắt đầu áp dụng từ khóa tuyển sinh năm học 2021 - 2022.

Theo Nghị định, việc đào tạo giáo viên có thể thực hiện theo các phương thức: giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đào tạo theo nhu cầu xã hội. Sinh viên được hưởng hỗ trợ theo Nghị định này sẽ được cấp kinh phí để đóng học phí và chi phí sinh hoạt. Đến khoảng tháng 5-6/2025, khóa sinh viên sư phạm trình độ đại học đầu tiên được tuyển sinh đào tạo theo Nghị định 116 sẽ tốt nghiệp.

Tuy nhiên, trước bối cảnh sáp nhập các đơn vị hành chính đã đặt ra yêu cầu về kế hoạch bố trí, tuyển dụng và đảm bảo quyền lợi cho sinh viên sư phạm.

Không ảnh hưởng nhiều vì đào tạo và tuyển dụng là 2 quy trình khác nhau

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Bá Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh cho biết, hoạt động đào tạo và tuyển dụng là 2 quy trình khác nhau. Theo đó, Nghị định 116 quy định hỗ trợ cho sinh viên sư phạm về học phí và chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, đây chỉ là phần hỗ trợ trong quy chế đào tạo, nhằm khuyến khích sinh viên theo đuổi nghề giáo viên và giúp họ vượt qua khó khăn tài chính trong suốt quá trình học tập.

Hơn nữa, việc sinh viên sư phạm nhận hỗ trợ tài chính theo Nghị định 116 không đồng nghĩa với việc họ sẽ được ưu tiên trong quy trình tuyển dụng sau khi ra trường. Bởi theo quy định hiện tại, hoạt động tuyển dụng giáo viên lại theo một quy trình riêng, tuân theo các nghị định của Chính phủ hướng dẫn tuyển dụng viên chức. Như vậy có thể thấy, quy trình tuyển dụng đã đảm bảo sự công bằng về mặt chuyên môn, không liên quan đến việc sinh viên có nhận hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí từ Nghị định 116 hay không.

Bên cạnh đó, thầy Tiến cũng cho rằng việc sáp nhập các đơn vị hành chính có thể không trực tiếp ảnh hưởng đến ngành đào tạo giáo viên. Bởi vì khi các tỉnh hợp nhất, sẽ có sự cắt giảm bộ máy hành chính do việc tinh gọn tổ chức, hợp nhất các cơ quan, phòng ban, và bộ phận quản lý để tối ưu hóa hoạt động và tiết kiệm chi phí. Điều này sẽ dẫn đến việc giảm biên chế viên chức trong một số lĩnh vực hành chính không cần thiết hoặc dư thừa sau khi sáp nhập.

Tuy nhiên đối với lĩnh vực giáo dục, các cơ sở đào tạo vẫn tiếp tục thực hiện chương trình đào tạo theo các quy chế chung. Mặt khác yêu cầu về số lượng giáo viên có thể thay đổi dựa trên sự thay đổi về dân số và quy mô lớp học.

Cụ thể, nếu sau khi sáp nhập, dân số của tỉnh tăng lên hoặc có sự thay đổi lớn về cơ cấu dân cư, sẽ có sự thay đổi về nhu cầu tuyển dụng giáo viên, từ đó có thể ảnh hưởng đến việc phát triển ngành đào tạo giáo viên ở các cơ sở đào tạo.

 Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Bá Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh. Ảnh: website nhà trường

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Bá Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh. Ảnh: website nhà trường

Trong khi đó, theo chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Minh Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Trào: Hiện nay, sinh viên đang theo học tại nhà trường đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước. Trong đó tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tuyên Quang, Sơn La, Điện Biên, Hà Giang và Hà Nội.

Theo báo cáo hàng năm của Sở Giáo dục và Đào tạo ở những tỉnh này cho thấy nhu cầu tuyển dụng giáo viên ở địa phương khá lớn nên cơ hội việc làm dành cho sinh viên sư phạm của trường thường rất cao. Kết quả khảo sát việc làm của sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp của nhà trường đã phản ánh điều đó.

Bên cạnh đó, thầy Tuấn cũng chỉ ra rằng, theo quy định của Nghị định số 116 thì mọi đối tượng thụ hưởng đều bình đẳng trong quá trình tuyển dụng giáo viên sau khi đã tốt nghiệp. Tất cả sinh viên sư phạm dù thuộc đối tượng nào cũng đều phải tham gia thi tuyển hoặc xét tuyển để được tuyển dụng làm giáo viên sau khi tốt nghiệp, mà không được ưu tiên hay tự động đảm bảo việc làm. Việc nhận hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt không đồng nghĩa với việc được bố trí việc làm sau khi ra trường. Các sinh viên phải đáp ứng các yêu cầu tuyển dụng giống như các ứng viên khác. Nếu sinh viên không đủ điều kiện để nhận việc làm hoặc không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, việc bồi hoàn toàn bộ kinh phí hỗ trợ là điều bắt buộc. Điều này nhằm đảm bảo tính công bằng trong tuyển dụng giáo viên và khuyến khích sinh viên sư phạm phục vụ ngành giáo dục sau khi được đào tạo.

Do đó, trước bối cảnh sáp nhập các đơn vị hành chính có thể làm thay đổi số lượng giáo viên cần tuyển dụng, thầy Tuấn cho biết nhà trường đã chuẩn bị một số giải pháp để hỗ trợ những sinh viên đang theo học tại trường.

Thứ nhất là phát triển mạng lưới nghề nghiệp và hỗ trợ việc làm cho người học. Theo chia sẻ của Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Trào, nhà trường duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các trường học, cơ sở giáo dục và các đơn vị tuyển dụng nhằm tạo điều kiện thực hành, thực tập và mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên sư phạm. Trong quá trình đào tạo, nhà trường thường xuyên tổ chức các hội nghị, tọa đàm và các hoạt động kết nối giữa sinh viên với nhà tuyển dụng, chuyên gia giáo dục để cung cấp thông tin về nhu cầu thị trường lao động, cũng như các tiêu chí tuyển dụng đi kèm.

Bên cạnh đó, trường cũng tổ chức định kỳ chương trình “Ngày hội việc làm và kết nối doanh nghiệp” nhằm giúp sinh viên tiếp cận đa dạng cơ hội nghề nghiệp, nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm phù hợp với chuyên môn sau khi tốt nghiệp.

Việc tổ chức thường xuyên các hội nghị, buổi gặp gỡ giữa sinh viên và nhà tuyển dụng đã tạo điều kiện để sinh viên sư phạm của trường tìm được việc làm không chỉ trong lĩnh vực giáo dục mà còn ở các ngành nghề khác.

Ngoài ra, nhà trường còn khuyến khích sinh viên khởi nghiệp, cũng như các hoạt động giáo dục ngoài trường học để các em phát triển nghề nghiệp theo hướng tự tạo việc làm. Mặt khác, đơn vị cũng tạo điều kiện tối đa để sinh viên học song ngành, học thêm các chuyên ngành bổ trợ để tăng tính cạnh tranh trên thị trường lao động hoặc chuyển đổi ngành nghề phù hợp với nhu cầu tuyển dụng.

 Tiến sĩ Nguyễn Minh Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Trào. Ảnh: website nhà trường

Tiến sĩ Nguyễn Minh Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Trào. Ảnh: website nhà trường

Kiến nghị giải pháp với sinh viên sư phạm trong bối cảnh sáp nhập

Phát biểu tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trước ngày 30/6, hoàn thiện việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh hoàn thành trước 30/8.

Theo quan điểm của Phó giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, khi các đơn vị hành chính sáp nhập với nhau sẽ tạo ra thay đổi lớn trong cơ cấu hành chính. Từ đó có thể tác động đến môi trường, cơ hội làm việc của sinh viên khi ra trường.

Tuy nhiên, với lĩnh vực giáo dục, việc sáp nhập các tỉnh sẽ không tạo ra thay đổi lớn về cơ bản. Ví dụ như trường phổ thông vẫn giữ nguyên, dân số không thay đổi và sinh viên sư phạm vẫn có thể tự tìm kiếm cơ hội tuyển dụng.

Mặt khác, khi sáp nhập các tỉnh sẽ giúp địa bàn trở lên rộng hơn, cơ hội việc làm cũng vì thế tăng lên. Theo chia sẻ của thầy Thắng, thực tế trước đây nhiều sinh viên chỉ nghĩ đến việc quay về các vùng nông thôn, xã, phường để dạy học. Thế nhưng giờ đây, với xu hướng đào tạo công dân toàn cầu và việc sáp nhập các tỉnh sẽ là cơ hội mở rộng việc làm lý tưởng. Theo đó, sinh viên sẽ có thể tiếp cận với nhiều cơ hội hơn nhờ vào địa bàn rộng lớn và điều kiện tốt hơn, giúp họ phát triển nghề nghiệp trong một môi trường đa dạng và đầy tiềm năng.

 Phó giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: website nhà trường

Phó giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: website nhà trường

Tuy nhiên, thầy Thắng cũng cho rằng sinh viên sư phạm không cần quá lo lắng trước bối cảnh sáp nhập các đơn vị hành chính, nhất là khi việc tuyển dụng tại các đơn vị hành chính sự nghiệp đã chuyển từ biên chế sang ký kết hợp đồng lao động.

Thứ hai là thay đổi cơ chế trả lương theo nguồn thu của trường học, đặc biệt là đối với các trường tự chủ đã tạo ra những thay đổi lớn trong hệ thống giáo dục.

Thầy Thắng cho hay, với hình thức này, các trường có thể thực hiện chính sách giảm biên chế thông qua việc đánh giá hiệu quả làm việc của giáo viên dựa trên các tiêu chí cụ thể như KPI. Nếu một số giáo viên không đạt yêu cầu về chất lượng, trường có thể đưa ra lộ trình giảm biên chế và tuyển dụng những người có năng lực cao hơn để thay thế, qua đó nâng cao chất lượng giảng dạy.

“Ví dụ, nếu một trường có 500 giáo viên nhưng chỉ 300 người đạt chất lượng mong muốn, trường có thể giảm bớt số giáo viên không đạt tiêu chuẩn và thay thế bằng những người mới, giúp đội ngũ giảng viên ngày càng chất lượng hơn. Tuy nhiên, để thực hiện việc giảm biên chế và tuyển dụng linh hoạt, các trường cần phải có nguồn lực đủ mạnh để đảm bảo không thiếu hụt giáo viên và vẫn duy trì chất lượng giảng dạy”, thầy Thắng nêu ví dụ.

Bên cạnh đó Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cũng thông tin hiện nay, đối tượng sinh viên sư phạm thuộc diện đặt hàng của nhà trường chỉ có tỉnh Long An. Vì vậy, việc sắp xếp sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh trong năm 2025 (theo dự kiến là An Giang và Kiên Giang) sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thực hiện chính sách Nghị định 116 tại nhà trường.

Trong trường hợp sinh viên phải bồi hoàn kinh phí do không được bố trí việc làm như cam kết, thầy Thắng cho hay việc bố trí việc làm cho sinh viên theo diện đặt hàng thuộc về trách nhiệm của địa phương đặt hàng. Do đó, các địa phương cần phải xác định rõ nhu cầu về vị trí việc làm trong ngành giáo dục của mình, đồng thời phải có phương án dự phòng cho các đối tượng này trong trường hợp có sự thay đổi về việc tuyển dụng nhân sự của ngành giáo dục tại địa phương. Việc này giúp đảm bảo rằng sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ có cơ hội việc làm ổn định và phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương, đồng thời hạn chế tình trạng thiếu hụt hoặc dư thừa nhân lực trong ngành giáo dục.

Còn theo quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Minh Anh Tuấn, trong tình hình sáp nhập các đơn vị hành chính, để điều chỉnh chính sách đào tạo sư phạm phù hợp với tình hình thực tế của các tỉnh và đảm bảo sinh viên tốt nghiệp vẫn được tuyển dụng, cần có một số giải pháp cụ thể.

Thứ nhất, cần xây dựng cơ chế hợp tác giữa các trường và các địa phương. Theo đó, các tỉnh cần có cam kết rõ ràng về việc tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ các trường sư phạm trong vùng. Chính quyền các tỉnh có thể ký kết các hợp đồng hoặc cam kết đảm bảo số lượng tuyển dụng giáo viên hàng năm để tạo niềm tin cho sinh viên trong suốt quá trình học.

Về phía cơ sở đào tạo cần có chương trình hợp tác cụ thể với các sở giáo dục về các hoạt động thực tế, thực tập tại các trường học, giúp sinh viên hiểu rõ hơn về nhu cầu thực tế của từng địa phương và sẵn sàng làm việc ngay sau khi tốt nghiệp.

Thứ hai là các chính sách ưu đãi dành cho sinh viên, giáo viên sư phạm. Theo thầy Tuấn, các chính sách học bổng dành cho sinh viên sư phạm có thể được mở rộng và hướng đến các sinh viên có tiềm năng làm việc tại các khu vực vừa sáp nhập. Điều này giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho sinh viên trong suốt quá trình học tập, đồng thời thu hút được sinh viên chất lượng.

Các tỉnh/thành có thể đưa ra chính sách ưu đãi đối với sinh viên tốt nghiệp sư phạm như chế độ đãi ngộ tốt hơn, hỗ trợ chỗ ở, hoặc học bổng để thu hút sinh viên làm việc lâu dài tại các vùng này. Để đảm bảo sinh viên có thể tiếp cận được công việc ngay sau khi tốt nghiệp, các tỉnh có thể phối hợp với các tổ chức tín dụng hoặc các ngân hàng để cung cấp hỗ trợ tài chính. Ví dụ như vay vốn không lãi suất cho sinh viên trong thời gian đầu mới bắt đầu công việc giảng dạy.

Thứ ba, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương và các cơ sở đào tạo để đánh giá chính xác nhu cầu tuyển dụng giáo viên theo từng năm. Xây dựng cơ chế đặt hàng đào tạo theo nhu cầu thực tế của các tỉnh sáp nhập, tránh tình trạng đào tạo dư thừa dẫn đến khó khăn trong việc làm sau tốt nghiệp.

Mặt khác, cần xem xét việc thành lập hội đồng đánh giá, giám sát việc thực hiện cam kết tuyển dụng đối với sinh viên sư phạm, đảm bảo quyền lợi cho người học. Định kỳ rà soát, đánh giá hiệu quả chính sách đào tạo và tuyển dụng giáo viên để kịp thời điều chỉnh phù hợp với thực tế.

Đồng thời điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng tăng tính đa năng, giúp sinh viên có thể giảng dạy nhiều môn học hoặc đảm nhiệm thêm các vị trí trong ngành giáo dục (quản lý giáo dục, công tác đoàn đội, tư vấn học đường…).

ĐÀO HIỀN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/sau-sap-nhap-tinh-co-hoi-viec-lam-cua-sinh-vien-su-pham-khong-bi-anh-huong-post250351.gd
Zalo