Sầu riêng Đông Nam Á không ngại sầu riêng 'tự cung tự cấp' Trung Quốc
Dù chiến lược 'tự cung tự cấp' của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu sầu riêng, các nhà sản xuất Đông Nam Á vẫn chiếm ưu thế về chất lượng và giá thành sản phẩm.
Theo SCMP, dù chiến lược "tự cung tự cấp" sầu riêng của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu từ Đông Nam Á - thị trường xuất khẩu sầu riêng lớn của Trung Quốc - đây không phải mối lo lớn với các nhà sản xuất sầu riêng khu vực này.
Thay vào đó, tình trạng phát triển mất kiểm soát của ngành trồng sầu riêng ở Đông Nam Á, dẫn đến thừa cung, kết hợp với nhu cầu giảm do kinh tế suy thoái, đang là nguyên nhân chính làm giảm nhu cầu nhập khẩu sầu riêng của quốc gia tỷ dân.
Trong nhiều năm qua, các nhà xuất khẩu sầu riêng lớn từ Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Philippines... đã tập trung tại Triển lãm Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc để tìm kiếm những đơn hàng tiềm năng mới.
Nhận định về sầu riêng Trung Quốc, ít người trồng tại Đông Nam Á tỏ ra lo ngại về sự cạnh tranh này.
"Trung Quốc có công nghệ tốt, nhưng khác với Malaysia, đất đai trồng trọt ở Trung Quốc không phù hợp để trồng sầu riêng", ông Jeremy Chin, Giám đốc điều hành, đồng thời là nhà đồng sáng lập của LKE Group, công ty chuyên kinh doanh sầu riêng ở Kuala Lumpur, nhận định.
Ông cho biết dù Hải Nam là khu vực trồng phù hợp nhất tại Trung Quốc, điều kiện địa lý và khí hậu ở đây vẫn không quá thuận lợi. Điều này khiến chi phí trồng trọt và giá bán lẻ sầu riêng nội địa Trung cao hơn nhiều so với các nhà sản xuất Đông Nam Á.
Theo Straits Times, Trung Quốc lần đầu tiên thử nghiệm trồng sầu riêng vào năm 1958, nhưng trong nhiều năm, cây sầu riêng gần như không ra trái. Mãi đến năm 2018, việc trồng sầu riêng thương mại mới bắt đầu được triển khai nghiêm túc.
Feng Xuejie, Giám đốc Viện Cây ăn quả nhiệt đới Hải Nam, cho biết vụ thu hoạch sầu riêng lớn đầu tiên của Trung Quốc chỉ đạt 50 tấn vào năm 2023, và dự kiến sản lượng sẽ đạt 200 tấn trong năm 2024.
Ông giải thích rằng sản lượng vẫn thấp vì cây sầu riêng cần 6-7 năm để phát triển. Thêm vào đó, thời tiết mưa bão ở Hải Nam cũng gây thiệt hại lớn, khi vườn sầu riêng của ông mất hơn 2.000 trái sau những trận mưa lớn.
"Ngoài ra, hương vị sầu riêng ở Hải Nam còn chưa đồng đều, ít trái ngon và phần lớn không đạt chất lượng", ông cho biết. Trong vụ thu hoạch đầu tiên năm 2022, sầu riêng thậm chí không có mùi vị.
Sản lượng sầu riêng ở Hải Nam năm 2024 dự kiến chỉ đạt 0,014% so với sản lượng nhập khẩu năm 2023, khiến giá sầu riêng tăng cao, trung bình với giá 120-140 nhân dân tệ/kg (khoảng 5.83 USD/kg).
Trong khi đó, sầu riêng Đông Nam Á đa dạng hơn về chủng loại, hương vị đậm đà hơn, trong đó có dòng "vua sầu riêng" Musang King. Giá nhập khẩu loại trái cây này từ Đông Nam Á cũng rẻ hơn nhiều. Cụ thể, giá sầu riêng của Việt Nam nhập vào Trung Quốc chỉ khoảng hơn 4,3 USD/kg, theo SCMP.
"Do đó, Trung Quốc vẫn có khả năng phụ thuộc nhiều vào nguồn cung sầu riêng từ Đông Nam Á như trước đây", ông Jeremy Chin dự đoán.
Năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 929.000 tấn sầu riêng tươi từ Thái Lan, 493.000 tấn từ Việt Nam và 3.763 tấn từ Philippines, với tổng giá trị hơn 6,7 tỷ USD.