Sau máy nhắn tin, bộ đàm phát nổ hàng loạt tại Lebanon

Hàng loạt máy bộ đàm của lực lượng Hezbollah tại Lebanon ngày 18-9 bất ngờ phát nổ khiến nhiều người thiệt mạng và bị thương. Sự việc xảy ra 1 ngày sau loạt vụ nổ máy nhắn tin mà chính phủ Lebanon và lực lượng Hezbollah quy trách nhiệm cho Israel.

Một máy bộ đàm phát nổ tại Lebanon ngày 18-9. Ảnh: CNN

Một máy bộ đàm phát nổ tại Lebanon ngày 18-9. Ảnh: CNN

Theo các nguồn tin an ninh Lebanon, loạt vụ nổ các máy bộ đàm cầm tay xảy ra chiều 18-9 khiến ít nhất 20 người thiệt mạng và khoảng 450 người bị thương, trong đó có nhiều trường hợp nguy kịch. Các vụ nổ được ghi nhận tại nhiều khu vực khác nhau, trong đó có ngoại ô thủ đô Beirut và thung lũng Beqaa - một trong những thành trì của phong trào Hezbollah. Đáng chú ý, số máy bộ đàm này cũng được nhập về Lebanon khoảng 5 tháng trước, trùng thời điểm Hezbollah nhập về các máy nhắn tin phát nổ chiều 17-9 khiến 12 người thiệt mạng và gần 3.000 người bị thương.

Công ty Nhật Bản phủ nhận liên quan

Hình ảnh về các bộ đàm phát nổ cho thấy nhãn hiệu "Icom" và dòng chữ "Made in Japan". Hãng thông tấn nhà nước Lebanon cho biết một số vụ nổ xảy ra ở sản phẩm một thương hiệu bộ đàm hai chiều, trong khi hình ảnh từ hiện trường vụ nổ cho thấy máy bộ đàm mang thương hiệu Icom và số hiệu V82. Nhà sản xuất thiết bị vô tuyến của Nhật Bản, Icom, đang điều tra những thông tin liên quan đến các bộ đàm phát nổ có logo của công ty. Thông báo từ Icom cho biết mẫu bộ đàm IC-V82 có dấu hiệu giống với mẫu trong các bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội, đã ngừng sản xuất vào năm 2014. Hãng không thể xác nhận các máy bộ đàm phát nổ ở Lebanon do mình vận chuyển hay không, đồng thời khẳng định pin dùng trong thiết bị đã ngừng bán và ngừng sản xuất từ 10 năm trước. Washington Post đưa tin, Icom đang điều tra các cáo buộc, nhưng những dấu hiệu ban đầu cho thấy những chiếc bộ đàm đó là hàng giả.

Icom có trụ sở tại Osaka, được thành lập vào năm 1954, là nhà sản xuất các sản phẩm truyền thông không dây. Các sản phẩm này được bán tại hơn 80 quốc gia trên toàn thế giới với các công ty con tại Mỹ, Australia, Đức, Tây Ban Nha và Trung Quốc. Công ty cho biết sản phẩm của họ chỉ được bán ra nước ngoài cho các nhà phân phối được ủy quyền và họ đã áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt, phù hợp với các quy định của chính phủ Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản cũng đang theo dõi chặt chẽ các báo cáo liên quan. "Chúng tôi đang thu thập thông tin", ông Yoshimasa Hayashi, chánh văn phòng nội các Nhật Bản, nói với các phóng viên tại Tokyo vào sáng 19-9.

Nguy cơ vũ khí hóa thiết bị liên lạc cầm tay

Trong khi giới chức Israel tiếp tục giữ im lặng và không đưa ra bất kỳ bình luận nào về các vụ việc, lực lượng Hezbollah đã tiếp tục cáo buộc Israel chịu trách nhiệm về cả hai vụ tấn công và thề sẽ tiến hành biện pháp trả đũa.

Tờ Euronews dẫn thông tin từ SMEX - một tổ chức phi chính phủ về kỹ thuật số ở Lebanon - rằng các thiết bị này có thể đã bị can thiệp trong quá trình vận chuyển. Hezbollah nói rằng trước khi đến Lebanon, các thiết bị này đã cập cảng nhiều tháng trước đó và Israel có thể đã ra tay trong khoảng thời gian này. Một nguồn tin an ninh cấp cao của Lebanon nói với Reuters rằng Hezbollah đã đặt hàng 5.000 máy nhắn tin cho các thành viên của mình và các máy này đến Lebanon vào khoảng 6 tháng trước. Các máy bộ đàm được mua vào cùng thời điểm với máy nhắn tin. Chưa rõ hai loại thiết bị này được vận chuyển đến Lebanon như thế nào.

Ban đầu, các máy nhắn tin được xác định là do công ty Đài Loan (Trung Quốc) Gold Apollo sản xuất. Tuy nhiên, Gold Apollo sau đó nói rằng đã cấp phép cho công ty BAC (trụ sở ở thủ đô Budapest, Hungary) sử dụng thương hiệu và BAC mới là bên sản xuất các máy nhắn tin bị nổ ở Lebanon. Cơ quan quản lý kinh tế Đài Loan cho biết không có hồ sơ nào về việc xuất khẩu trực tiếp máy nhắn tin Gold Apollo sang Lebanon. Trong khi đó, chính phủ Hungary ngày 18-9 nói rằng công ty BAC đăng ký hoạt động tại Budapest "là một trung gian giao dịch" không có cơ sở sản xuất nào tại Hungary. "Các thiết bị được nhắc đến chưa bao giờ có mặt ở Hungary", Bộ trưởng Truyền thông Quốc tế Hungary Zoltan Kovacs nhấn mạnh.

Diễn biến mới này khiến dư luận băn khoăn về mối nguy hiểm mà các thiết bị liên lạc cầm tay đặt ra đối với an ninh. Các chuyên gia an ninh cho rằng các thiết bị như đồng hồ thông minh, tai nghe và thiết bị y tế cũng có thể dễ bị lợi dụng. Quy mô của các cuộc tấn công sẽ bị hạn chế tùy theo công nghệ của từng sản phẩm. Ông Nandakishore Harikumar - nhà sáng lập công ty an ninh mạng Technisanct (Ấn Độ) - nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo mật chuỗi cung ứng trong sản xuất thiết bị điện tử. Chuyên gia này đề xuất các nhà sản xuất cần đưa ra cảnh báo nếu có bất kỳ thành phần giả mạo nào được đưa vào bên trong thiết bị.

Vụ việc cũng làm gia tăng mối lo ngại rằng cuộc xung đột âm ỉ giữa Israel và Lebanon có thể leo thang thành chiến tranh toàn diện. Thủ tướng Lebanon Najib Mikati ngày 19-9 tuyên bố nước này đang trong trạng thái chiến tranh với Israel sau các vụ nổ hàng loạt. Theo Văn phòng Thủ tướng Lebanon, ông Mikati đã đến thăm bệnh viện nơi điều trị cho các nạn nhân của đợt nổ đầu tiên. "Tội ác hàng loạt, chống lại những người không có khả năng tự vệ, là không thể diễn tả được", ông Mikati nói với truyền thông. Thủ tướng Lebanon cũng cáo buộc Israel đứng sau các vụ nổ thiết bị điện tử. Ông nói thêm rằng ông đã chỉ thị Ngoại trưởng Lebanon Abdallah Bou Habib đảm bảo rằng các cuộc tấn công vào đất nước này sẽ được HĐBA LHQ giải quyết.

Cao ủy Nhân quyền LHQ Volker Turk ngày 18-9 yêu cầu phải tiến hành điều tra "độc lập, toàn diện và minh bạch" về loạt vụ nổ máy nhắn tin, buộc các đối tượng liên quan phải "chịu trách nhiệm". Ông lên án mạnh mẽ loạt vụ nổ trên, đồng thời khẳng định ảnh hưởng của các vụ nổ đối với dân thường là "không thể chấp nhận được". Ông Turk nêu rõ tất cả các quốc gia có ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế cần thực hiện ngay các biện pháp nhằm ngăn chặn các cuộc xung đột hiện nay lan rộng.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/sau-may-nhan-tin-bo-dam-phat-no-hang-loat-tai-lebanon-post301601.html
Zalo