Sâu lắng những dòng cảm xúc từ Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Lần đầu tiên, toàn bộ những cảm tưởng về Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch lưu giữ trong suốt 55 năm qua (1969-2024) đã được hệ thống hóa để tuyển chọn và giới thiệu rộng rãi đến công chúng trong và ngoài nước. Đây không chỉ là những dòng xúc cảm giàu sức lay động, mà còn là minh chứng cho tầm ảnh hưởng sâu rộng và tình cảm chân thành mà nhân loại dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các đại biểu tham quan không gian Triển lãm.

Các đại biểu tham quan không gian Triển lãm.

Chiều 19/12, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tổ chức khai mạc Triển lãm “Dòng cảm xúc từ Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch”, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Bác về sống và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch, 78 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/2024); và thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Phát biểu khai mạc Triển lãm, Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Lê Thị Phượng cho biết, cách đây tròn 70 năm, ngày 19/12/1954, sau khi kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc đã trở về sống và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch, tiếp tục chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đi đến bến bờ thắng lợi. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc nhiều nơi nhưng Khu Phủ Chủ tịch vinh dự là nơi gắn bó với Người lâu nhất - 15 năm cuối đời.

Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Lê Thị Phượng phát biểu khai mạc.

Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Lê Thị Phượng phát biểu khai mạc.

Theo bà Lê Thị Phượng, 70 năm trôi qua, di sản của Người vẫn hiện hữu trong từng tài liệu, hiện vật, từng góc không gian của Khu Di tích. Những con đường trong Khu Di tích tuy không còn đón bước chân của Bác mỗi ngày nhưng đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế vẫn theo lối sỏi quen đến thăm nơi ở và làm việc của Người.

“Khi tới thăm ngôi nhà của Bác, lắng nghe những câu chuyện nhỏ nhưng chứa đựng bài học lớn, rất nhiều khách tham quan đã để lại những dòng cảm tưởng trân trọng, xúc động về Bác Hồ - Người Việt Nam đẹp nhất. Việt Nam - Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng không thể tách rời và Khu Di tích quốc gia đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch chính là một phần quan trọng không thể thiếu, làm cho biểu tượng ấy càng thêm sinh động và gần gũi” - Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch nhấn mạnh.

Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm.

Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm.

Triển lãm “Dòng cảm xúc từ Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch” là không gian chứa đựng tình cảm sâu sắc, được chọn lọc từ 7.200 cảm tưởng của nhân dân khắp mọi miền trong cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài, cùng 3.200 cảm tưởng quốc tế từ 90 quốc gia của các nguyên thủ, chính khách và bạn bè quốc tế trong suốt 55 năm kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về cõi vĩnh hằng. Mỗi cảm tưởng như một dấu ấn, thể hiện sự kính trọng và ngưỡng mộ vô hạn đối với vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, chiến sĩ cộng sản quốc tế, người bạn thủy chung của nhân loại tiến bộ và yêu chuộng hòa bình.

Triển lãm được kết nối theo hai phần:

Phần một: “Dòng cảm xúc của nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao và nhân dân Việt Nam” giới thiệu xúc cảm lắng đọng của các nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo cấp cao mỗi khi thăm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời khắc họa những cảm tưởng chân thành, mộc mạc của đồng bào từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, từ thành phố lớn đến nông thôn, từ miền núi xa xôi, trung du, đồng bằng đến hải đảo tiền tiêu... Những tình cảm da diết từ kiều bào xa Tổ quốc cũng được tái hiện trong không gian triển lãm; cùng với đó là những cảm tưởng ghi nhận sự kính yêu, ngưỡng mộ của mọi tầng lớp xã hội - công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân, thanh niên, học sinh, sinh viên dành cho Bác.

Các thế hệ lãnh đạo Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch chụp ảnh lưu niệm nhân kỷ niệm 70 năm Bác về ở và làm việc tại Khu Di tích.

Các thế hệ lãnh đạo Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch chụp ảnh lưu niệm nhân kỷ niệm 70 năm Bác về ở và làm việc tại Khu Di tích.

Phần hai “Dòng chảy cảm xúc của nguyên thủ, chính khách và bạn bè quốc tế” giới thiệu cảm tưởng của các nguyên thủ, chính khách, nhà hoạt động, nhà văn hóa, bạn bè từ khắp năm châu khi đến thăm nơi ở và làm việc của Bác. Trong suốt nhiều thập kỷ, các nguyên thủ quốc gia và đại diện các tổ chức quốc tế đến Việt Nam đều xem việc thăm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch như một dấu ấn quan trọng trong hành trình công tác, văn hóa ngoại giao.

55 năm qua, đã có đại biểu của gần 90 quốc gia đến thăm Khu Di tích và để lại gần 3.200 cảm tưởng đầy xúc động. Những dòng cảm tưởng chân thành thể hiện lòng kính trọng, sự ngưỡng mộ trước cuộc đời giản dị mà vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ suốt đời đấu tranh cho hòa bình, tự do và công lý.

Ông Trần Viết Hoàn, người cận vệ phục vụ Bác năm xưa.

Ông Trần Viết Hoàn, người cận vệ phục vụ Bác năm xưa.

Có mặt tại Triển lãm, ông Trần Viết Hoàn, nguyên Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch bồi hồi chia sẻ, vinh hạnh trong cuộc đời ông là đã có mấy năm làm nhiệm vụ của người cận vệ cầm súng canh gác bảo vệ Bác Hồ ở Khu Phủ Chủ tịch: hằng ngày được nhìn thấy Người ngồi làm việc, đi bách bộ; thỉnh thoảng được Người trực tiếp đến xem việc ăn uống; được Người cho quà mỗi lần đi công tác nước ngoài về; xem phim cùng Người mỗi tối thứ bảy hằng tuần tại nhà khách Phủ Chủ tịch; Tết cổ truyền dân tộc hằng năm, Người lại mời một bữa cơm tất niên và chụp ảnh chung với Người...

“Sau ngày Bác đi vào cõi vĩnh hằng, tôi tình nguyện rời tay súng để cầm cái chổi, cây bút làm nhiệm vụ bảo vệ di sản của Người. Nhờ vậy, tôi đã trực tiếp được tiếp cận hàng triệu người dân trong nước, nước ngoài, cùng hàng trăm vị nguyên thủ quốc gia ở các châu lục tới thăm Khu Di tích, viết nên những dòng cảm tưởng chân thành, sâu sắc, góp phần cho nội dung Triển lãm rất có ý nghĩa này. Không gian nơi Người ở và làm việc, giờ đây vẫn được giữ gìn và bảo tồn nguyên vẹn như lúc sinh thời. Mỗi lần vào Khu Di tích là một lần tôi được trở về với những ký ức đẹp đẽ và ý nghĩa nhất của cuộc đời tôi. Đó là những năm tháng được bên Người!”- ông Trần Viết Hoàn trải lòng.

Nguyên Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên trong không gian Triển lãm.

Nguyên Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên trong không gian Triển lãm.

Hòa vào dòng người tham dự Triển lãm, nguyên Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên cũng không giấu nổi nghẹn ngào: Lần đầu tiên trong suốt 55 năm thành lập Khu Di tích, hệ thống những cảm tưởng của nguyên thủ, lãnh đạo cao cấp, nhân dân và bạn bè quốc tế viết tại Khu Di tích về Người đã được phát huy trong không gian “đặc biệt” in đậm dấu chân và hình bóng Bác. Mỗi lời tri ân, mỗi dòng cảm tưởng không chỉ là minh chứng cho tầm ảnh hưởng lớn lao của Người trong lòng dân tộc, mà còn ghi đậm dấu ấn trong tâm trí nhân dân thế giới. Triển lãm sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản quý giá mà Bác Hồ kính yêu đã để lại trong di tích quốc gia về Người tại Khu Phủ Chủ tịch.

TRANG ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/sau-lang-nhung-dong-cam-xuc-tu-khu-di-tich-chu-tich-ho-chi-minh-tai-phu-chu-tich-post851488.html
Zalo