Sau khi uống rượu bia bao lâu thì hết tuyệt đối nồng độ cồn

Trao đổi với Tri Thức - Znews, chuyên gia nhấn mạnh việc tồn tại nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho người lái xe.

 Người tham gia giao thông có thể bị phạt rất nặng nếu phát hiện có cồn trong cơ thể. Ảnh: Chí Hùng.

Người tham gia giao thông có thể bị phạt rất nặng nếu phát hiện có cồn trong cơ thể. Ảnh: Chí Hùng.

Thông tin Quốc hội chính thức thông qua quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông được nhiều người dân đặc biệt quan tâm. Trong đó, nhiều người thắc mắc bao lâu sau khi uống rượu bia, cơ thể đào thải hết hoàn toàn nồng độ cồn để lái xe.

Thời gian trung bình

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, một người trưởng thành có sức khỏe bình thường cứ sau 1 giờ, gan sẽ đào thải 1 đơn vị cồn. Đây là con số ở mức trung bình. Tùy theo thể trạng, mức thời gian này có thể tăng lên hay giảm đi.

Bác sĩ Hoàng dẫn chứng một cốc bia tương đương khoảng 2 đơn vị cồn. Trung bình, một người sẽ mất khoảng 2 giờ để thải trừ cồn. Tuy nhiên, sau khi thải trừ, cơ thể vẫn cần 2-3 giờ để cồn trong máu về 0.

"Do đó, nếu bạn uống 1 lon bia thì mất khoảng 5 giờ thổi nồng độ cồn mới không lên. Đặc biệt, mọi người cần lưu ý, cho dù sau khi gan thải trừ hết nồng độ cồn thì về cơ bản, cơ thể vẫn cần 2-3 giờ để thải trừ hết hoàn toàn", bác sĩ Hoàng cho hay.

Với quy định hiện nay, khi bạn bị thổi nồng độ cồn chỉ cần phát hiện ra cồn trong hơi thở dù chưa tới 0,25 mg/L bạn đã vi phạm. Vì vậy, uống một cốc bia trong vòng một giờ bạn vẫn có khả năng bị phạt. Nếu lái xe, tốt nhất chúng ta cần tránh uống bia trong khoảng 5-6 giờ trước khi tham gia giao thông, dù chỉ là một cốc.

"Mọi người khi đã tham gia giao thông thì không nên uống bia rượu, dù là bia 0 độ", bác sĩ Hoàng nhấn mạnh.

Còn theo TS Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ sinh học, Viện Kỹ thuật Công nghệ cao Nguyễn Tất Thành, ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng mọi người khi uống bia rượu tốt nhất vẫn cần có thời gian nghỉ ngơi cho cơ thể đào thải hết, không có cách xử lý nào thần kỳ để rượu đào thải hết ngay được.

Vấn đề về cồn nội sinh

Chia sẻ với Tri thức - Znews, TS Bùi Lê Minh cũng cho rằng vấn đề cồn nội sinh cũng được nhiều người quan tâm. TS Minh nhấn mạnh rằng ai cũng có cồn nội sinh nhưng phần lớn là nồng độ rất thấp, không phát hiện được qua hơi thở.

"Ở nồng độ thông thường, chưa có báo cáo nào cho thấy cồn nội sinh có thể gây tác hại cho sức khỏe nói chung và việc lái xe nói riêng. Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt, vẫn có những người có mức cồn nội sinh phát hiện được hoặc thậm chí cao do tình trạng bệnh lý của cơ thể nhưng rất hiếm gặp", TS Minh nhấn mạnh.

Nếu xác nhận có tình trạng trên, những người này cần phải tránh ăn các thức ăn có nhiều hydrocarbon để hạn chế ethanol nội sinh. Khi có các biểu hiện giống như người say, ngộ độc rượu, người bệnh cần đi khám bệnh để xác định nguyên nhân và không nên lái xe.

Cồn là chất ức chế hệ thần kinh trung ương, làm giảm sự kích thích trong hệ thần kinh trung ương và ảnh hưởng đến mọi cơ quan trong cơ thể con người.

Cồn làm gián đoạn hoạt động của não bằng cách cản trở sự giao tiếp giữa các tế bào thần kinh. Điều này có thể gây ra hàng loạt phản ứng như thay đổi tâm trạng, nói ngọng, thời gian phản ứng kém, suy giảm khả năng phán đoán, mất trí nhớ tạm thời, buồn nôn, ói mửa, mờ mắt, mất sự phối hợp thể chất và bất tỉnh

Khi uống đồ uống có cồn, khả năng phối hợp và phản xạ của mọi người sẽ kém đi. Điều này đặc biệt nguy hiểm nếu người uống rượu tham gia giao thông.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/sau-khi-uong-ruou-bia-bao-lau-thi-het-tuyet-doi-nong-do-con-post1483537.html
Zalo