Sau khi Quốc hội giám sát về môi trường, Hà Nội có giảm ô nhiễm không?

Câu hỏi này được Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đặt ra khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề cương giám sát chuyên đề của Quốc hội về 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành', sáng 7/1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên thảo luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên thảo luận.

Báo cáo nội dung trên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Lê Quang Huy cho biết, nội dung giám sát tập trung vào việc ban hành, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) đánh giá việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về BVMT; đánh giá kết quả xây dựng, ban hành, hoàn thiện chính sách, pháp luật để triển khai thi hành Luật BVMT năm 2020; việc lập và thẩm định Chiến lược BVMT quốc gia.

Về việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT, sẽ đánh giá việc tổ chức thi hành, thực hiện chính sách pháp luật và nội dung quản lý nhà nước về BVMT, trong đó tập trung đánh giá một số nội dung trọng tâm.

Như, việc bố trí và sử dụng nguồn lực cho BVMT; việc lồng ghép nội dung BVMT trong quy hoạch BVMT quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; việc lập, thẩm định, phê duyệt đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá tác động môi trường (ĐTM); việc thực hiện các nội dung BVMT trong các quy hoạch, công tác đánh giá ĐMC, ĐTM.

Nội dung giám sát còn có hoạt động kiểm soát ô nhiễm gồm kiểm soát nguồn ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường (chất lượng môi trường nước, chất lượng môi trường không khí); chống ngập úng ở các đô thị. Việc quản lý chất thải (quản lý chất thải rắn sinh hoạt, quản lý nước thải đô thị, quản lý chất thải trong hoạt động nông nghiệp, y tế và xây dựng). Công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát việc chấp hành pháp luật về BVMT và xử lý vi phạm, đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường. Tổ chức phát triển thị trường các-bon, trong đó có nội dung trao đổi tín chỉ các-bon rừng.

Về tiến độ, ông Huy cho hay sẽ hoàn thiện dự thảo báo cáo kết quả giám sát, dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề, trình UBTVQH (phiên họp tháng 9/2025 của UBTVQH); hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề, gửi trước khi khai mạc kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XV.

Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng nên có đánh giá tổng thể về ô nhiễm môi trường tại Hà Nội. “Cứ nói Hà Nội ô nhiễm nhưng chưa thấy cơ quan nào đánh giá tổng thể là từ đâu, theo tôi đoàn giám cần sát rà soát xem nguồn phát thải công nghiệp, các khu công nghiệp lớn xung quanh Hà Nội, các cơ sở sản xuất lớn gây ô nhiễm thế nào’, ông Vinh nói.

Ngoài ra, theo ông Vinh, cần rà soát nguồn ô nhiễm từ bụi xây dựng, rồi ô nhiễm khu nông nghiệp do đốt rác thải, đốt vật liệu nông nghiệp, từ đó đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp.

Như ở Bắc Kinh, có thời gian ô nhiễm nặng nề, nhưng sau khi giải quyết bằng chuyển hết công nghiệp ô nhiễm ra khỏi khu vực ngoại vi, tổ chức lại cây xanh, giờ đây Bắc Kinh có ai nói ô nhiễm nữa đâu, ông Vinh nêu ví dụ.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đặt vấn đề, “lâu nay rất nhiều nghị quyết và luật nói ông nào gây ra ô nhiễm môi trường sẽ bỏ tiền ra trả, sắp tới mình giám sát xong phải có một chính sách gì về chỗ đó”.

Ví dụ một gia đình dùng 100 khối nước một tháng, tức là thải ra 100 khối nước thải thì phải trả tiền nước thải đấy (chứ không phải chỉ trả tiền nước sạch) để người ta xử lý nước thải và lấy tiền đấy để phục hồi lại môi trường, lấy tiền thu từ môi trường để xử lý cho môi trường, ông Định nói tiếp.

“Một số vùng núi nhà dân không có nhà vệ sinh, người ta chỉ có làm nhà ở, sau giám sát có khắc phục được chỗ này không. Sau giám sát này, Hà Nội có giảm ô nhiễm không? Cần trả lời câu hỏi vừa rồi chỉ số chất lượng không khí Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới là tại đâu và sau giám sát này có khắc phục được không”, ông Định tiếp tục đặt vấn đề.

Từ phân tích trên, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, đề cương giám sát của Ủy ban nhân dân các tỉnh không thể giống nhau. Hà Nội là phải tập trung vào ô nhiễm không khí. Miền Tây là giám sát đất cho nghĩa trang, nghĩa địa…Làm sao sau giám sát có nghị quyết rất cụ thể để khắc phục được từng việc một, ông Định nói.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương thì mặc dù đã xác định các nội dung trọng tâm cho các địa phương nhưng cần thiết phải xác định các nội dung trọng tâm nổi lên của phạm vi cả nước để tránh dàn trải và để tập trung hơn.

Một số trọng tâm được ông Phương đề cập như kinh tế tuần hoàn, giải quyết vấn đề ô nhiễm rất tốt. Xử lý rác thải sinh hoạt phải tập trung làm quyết liệt, sau giám sát phải có chuyển biến. Nội dung trọng tâm tiếp thep cần giám sát là ô nhiễm làng nghề khu công nghiệp sông, ven biển, đô thị.

“Ngoài ra, cần đánh giá và dự báo về rác thải điện tử, dù rất mới nhưng rất khủng khiếp, như pin xe điện, pin mặt trời… hiện nay mới sơ khai nhưng nguy cơ trong tương lai, cho nên phải đánh giá và dự báo”, ông Phương nêu quan điểm.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/sau-khi-quoc-hoi-giam-sat-ve-moi-truong-ha-noi-co-giam-o-nhiem-khong-d239619.html
Zalo