Sau 'Hồ sơ Pandora', châu Âu tuyên bố ra quy định ngăn tránh thuế

Theo một nguồn tin thân cận của Reuters, kể từ nay đến cuối năm, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đề xuất nhiều dự thảo pháp lý mới để ngăn chặn tình trạng trốn thuế của các chính trị gia, giới tỷ phú và các doanh nghiệp giàu có.

Mới đây, Reuters dẫn lời Ủy viên phụ trách về vấn đề kinh tế và thuế của Liên minh châu Âu (EU) ông Paolo Gentiloni hôm 6/10 rằng, vụ rò rỉ hàng loạt các tài liệu về việc trốn thuế “Hồ sơ Pandora” đã làm sáng tỏ được phương thức sử dụng các công ty ngoại biên (offshore company) của các chính trị gia, giới siêu giàu và các doanh nghiệp lớn để giảm nghĩa vụ thuế.

“Hồ sơ Pandora” hé lộ nhiều bí mật cho biết khối tài sản khổng lồ của giới tinh hoa thế giới che giấu tại nước ngoài. Ảnh: ICIJ/Getty Images.

Thông thường, việc tối ưu hóa thuế không phải lúc nào cũng bao gồm các hành vi bất chính. Song, việc giới siêu giàu chỉ phải trả thuế thấp nhờ có sự cố vấn của các chuyên gia cũng đang ngày càng bị soi xét và chất vấn, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang bước vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Phát biểu trước Nghị viện châu Âu, ông Gentiloni thông báo Ủy ban châu Âu (EC) sẽ tiếp tục cuộc chiến chống lại các hành vi trốn nghĩa vụ thuế, và sẽ đề xuất những quy định mới nhằm mở rộng mạng lưới thông tin giữa cơ quan thuế của các quốc gia.

Bên cạnh đó, vị Ủy viên cũng cho biết Ủy ban châu Âu sẽ đưa ra những đề xuất mới vào cuối năm nay để “giải quyết việc lợi dụng các công ty vỏ bọc nhằm mục đích trốn thuế”. Ông Gentiloni cũng tiết lộ thêm rằng sẽ có những quy định mới yêu cầu “công bố mức thuế mà các công ty đa quốc gia phải chi trả”.

Trước đó, EU nhận nhiều chỉ trích khi rút gọn danh sách đen thiên đường thuế, loại bỏ Anguilla, Dominica và Quần đảo Seychelles chỉ vài ngày sau khi Hồ sơ Pandora được công bố. Sau sửa đổi, danh sách hiện chỉ còn 9 khu vực pháp lý bị coi là không hợp tác vì các mục đích thuế, đặc biệt trong việc chia sẻ thông tin thuế theo thỏa thuận của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Sau 18 tháng nghiên cứu và phân tích, Hiệp hội các Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) vào hôm 3/10 công bố Hồ sơ Pandora bao gồm 6,4 triệu tài liệu, gần 3 triệu hình ảnh, hơn một triệu email và gần nửa triệu bảng tính.

“Hồ sơ Pandora” bao gồm các email riêng tư, bản ghi nhớ, hồ sơ doanh nghiệp, hợp đồng bí mật và các tài liệu khác giúp xác định chủ sở hữu thực sự đằng sau các tài sản bị che giấu.

Với 2,94 terabyte dữ liệu, “Hồ sơ Pandora” được xem là đợt rò rỉ dữ liệu về công ty offshore có quy mô lớn nhất lịch sử, tạo ra “cơn sóng thần” khi phơi bày tài sản bí mật ở nước ngoài của giới siêu giàu che giấu tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo đánh giá ban đầu, hồ sơ đã tiết lộ chủ sở hữu thực sự của hơn 29.000 công ty. Con số này cao hơn gấp đôi so với số lượng chủ sở hữu được tìm thấy cách đây 5 năm trong cuộc điều tra Hồ sơ Panama.

Không những vậy, khác với hồ sơ Panama và Paradise vốn chủ yếu chỉ đề cập đến các công ty ngoại biên (offshore business entities), “Hồ sơ Pandora” còn chỉ ra cách các công ty này hoạt động sau khi nhiều nước gây áp lực trước lo ngại gia tăng về rửa tiền, tài trợ khủng bố và trốn thuế.

Hương Vũ (Theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/sau-ho-so-pandora-chau-au-tuyen-bo-ra-quy-dinh-ngan-tranh-thue-post160403.html
Zalo