Sau 'game' thoái vốn, cổ phiếu TTL đỏ liên tục

Tính chung 5 phiên gần nhất, cổ phiếu TTL của Tổng công ty Thăng Long – CTCP đều bao trùm bởi 'sắc đỏ'. Tạm chốt phiên sáng 7/1, cổ phiếu này giảm về mức 9.500 đồng/cp.

Trong thông báo mới đây, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã thoái toàn bộ 10,5 triệu cổ phiếu của Tổng công ty Thăng Long - CTCP (TTL), tương ứng tỷ lệ 25.09% vốn, thu về gần 223 tỷ đồng, thông qua hình thức đấu giá trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Theo thông tin từ HNX, có hai nhà đầu tư cá nhân đã tham gia đợt đấu giá này, kết quả một nhà đầu tư trúng đấu giá với giá 222,612 tỷ đồng, tương đương hơn 21.201 đồng/cp. Đáng nói, mức giá này cao hơn gần 70% so với thị giá đóng cửa phiên 26/12 của cổ phiếu TTL (12.500 đồng/cp).

Thông tin về cá nhân chi hàng trăm tỷ đồng “thâu tóm” 25% vốn của Tổng công ty Thăng Long chưa được công bố. Song, các thông tin sẽ dần được hé lộ bởi quy định công bố thông tin đối với cổ đông lớn (nắm giữ từ 5% trở lên).

Cổ phiếu TTL tiếp tục điều chỉnh trong phiên sáng 7/1.

Cổ phiếu TTL tiếp tục điều chỉnh trong phiên sáng 7/1.

Trước đó, thông tin SCIC thoái vốn tại Tổng công ty Thăng Long đã “tạo sóng” cho cổ phiếu TTL trên thị trường chứng khoán.

Cổ phiếu TTL đã có 6 phiên tăng trần liên tiếp từ ngày 5-13/12/2024, kéo thị giá từ 7.900 đồng/cp lên 14.900 đồng/cp, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư ở “game” thoái vốn của SCIC.

Ngay sau đó, doanh nghiệp đã phải có văn bản giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HNX về việc giá cổ phiếu tăng trần liên tiếp. Theo đó, công ty này lý giải việc cổ phiếu TTL tăng giá là diễn biến khách quan theo cung cầu thị trường, các quyết định giao dịch cổ phiếu TTL của nhà đầu tư không nằm trong phạm vi kiểm soát của Tổng công ty, đồng thời khẳng định mọi hoạt động của công ty vẫn diễn ra bình thường, không có gì biến động và công ty không có bất kỳ tác động nào gây ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.

Tuy nhiên, sau cơn sốt giá thì cổ phiếu này lại nhanh chóng hạ nhiệt, TTL đã có hai phiên giảm sàn từ 14.900 đồng/cp, xuống còn 12.200 đồng và chốt phiên ngày 03/01/2025, giá chỉ còn 10.700 đồng/cp. Tiếp nối sau đó là những phiên điều chỉnh.

Trước SCIC, cổ đông lớn khác là Công ty Cổ phần Tasco (HUT) cũng “rút quân” khỏi Tổng công ty Thăng Long. Tháng 7/2022, Tasco bán hết thành công hơn 16 triệu cổ phiếu TTL, tương ứng 38,66% vốn. Giao dịch này giúp Tasco thu về 300 tỷ đồng.

Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2024, ngoài SCIC, các cổ đông lớn khác của Tổng công ty Thăng Long gồm CTCP Đầu tư và xây dựng TNG - cổ đông lớn nhất - nắm 50,5% vốn, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) nắm 7,16% vốn.

Về kết quả kinh doanh, quý III/2024, Tổng công ty Thăng Long báo lãi sau thuế gần 5,14 tỷ đồng, tăng 43,93% so với cùng kỳ (3,57 tỷ đồng) nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động kinh doanh tăng, chi phí tài chính trong kỳ giảm.

Lũy kế 9 tháng năm 2024, doanh nghiệp báo lãi sau thuế đạt 10,7 tỷ đồng, giảm hơn 42% so với cùng kỳ (18,6 tỷ đồng) bất chấp doanh thu ghi nhận tăng mạnh từ 1.018 tỷ lên 1.364 tỷ đồng.

Châu Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//24h/sau-game-thoai-von-co-phieu-ttl-do-lien-tuc-1104538.html
Zalo