Sáu địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất

Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy những địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất, bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và không theo hợp đồng là TP. HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thông tin được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề cập trong báo cáo vừa phát hành về tình hình tai nạn lao động 6 tháng đầu năm 2024, cũng như đưa ra một số giải pháp chủ yếu nhằm chủ động ngăn ngừa sự cố và tai nạn lao động.

PHẦN LỚN VỤ CÁC VỤ TAI NẠN XẢY RA TRONG KHU VỰC CÓ QUAN HỆ LAO ĐỘNG

Theo báo cáo của 61/63 tỉnh, thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2024, trên toàn quốc đã xảy ra 3.201 vụ tai nạn lao động (giảm 227 vụ, tương ứng với 7,09% so với 6 tháng đầu năm 2023), làm 3.065 người bị nạn (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động).

Trong đó, số vụ tai nạn lao động chết người là 320 vụ, giảm 25 vụ, tương ứng 7,25% so với cùng kỳ. Số người chết vì tai nạn lao động là 346 người, giảm 7 người, tương ứng giảm 1,98%.

Trái với số vụ tai nạn và số người chết vì tai nạn lao động giảm, thì số người bị thương nặng lại tăng lên. Nửa đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 810 người bị thương nặng, tăng 26 người, tương ứng với 3,32% so với 6 tháng đầu năm 2023.

Những địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất, bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và không theo hợp đồng lao động như: TP. HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình.

Số vụ tai nạn lao động phần lớn xảy ra trong khu vực có quan hệ lao động, với 2.755 vụ trong nửa đầu năm nay, làm 2.834 người bị nạn. Trong đó, có 245 vụ tai nạn lao động chết người, 268 người chết, 710 người bị thương nặng.

Điển hình một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng (làm chết người và bị thương nhiều người) tại các địa phương như: Hà Nội, TP. HCM, Yên Bái, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Giang, Lào Cai, Quảng Ninh, xảy ra trong các lĩnh vực xây dựng, xi măng, khai thác khoáng sản…

Ngoài một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đang trong quá trình điều tra, 6 tháng đầu năm 2024, các địa phương báo cáo có 14 vụ tai nạn lao động đề nghị khởi tố, 17 vụ đã có quyết định khởi tố của cơ quan Cảnh sát điều tra.

Những lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người là khai thác khoáng sản, chiếm 14,13% tổng số vụ tai nạn và 13,07% tổng số người chết; lĩnh vực xây dựng chiếm 12,11% tổng số vụ tai nạn, và 13,15% tổng số người chết; lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 10,2% tổng số vụ, và 10,82% tổng số người chết; lĩnh vực dịch vụ chiếm 6,9% tổng số vụ và 5,59% tổng số người chết...

TẬP TRUNG THANH TRA CÁC LĨNH VỰC CÓ NHIỀU NGUY CƠ MẤT AN TOÀN LAO ĐỘNG

Theo số liệu báo cáo sơ bộ của các địa phương, thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động xảy ra 6 tháng đầu năm 2024 như sau: Chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương,... là trên 9.222 tỷ đồng (tăng khoảng 3.597 tỷ đồng so với 6 tháng đầu năm 2023).

Thăm hỏi, hỗ trợ các nạn nhân trong vụ nổ lò hơi tại tỉnh Đồng Nai xảy ra ngày 1/5/2024. Ảnh: Duy Nguyễn.

Thăm hỏi, hỗ trợ các nạn nhân trong vụ nổ lò hơi tại tỉnh Đồng Nai xảy ra ngày 1/5/2024. Ảnh: Duy Nguyễn.

Thiệt hại về tài sản trên 410 tỷ đồng (giảm khoảng 291 tỷ đồng so với cùng kỳ 2023). Số ngày nghỉ bình quân tính trên 1 người lao động do bị tai nạn lao động là khoảng 16 ngày (giảm khoảng 10 ngày so với cùng kỳ).

Căn cứ vào tình hình tai nạn lao động trong 6 tháng đầu năm 2024, để chủ động phòng ngừa và hạn chế tai nạn lao động trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các Bộ, ngành chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc ngành, và lĩnh vực quản lý chủ động kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Đồng thời phối hợp với Bộ trong thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng như: Xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, khoáng sản, quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp với khu dân cư, đông người qua lại, thiết bị nâng, thang máy...

Bộ cũng đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt, các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng. Chú ý đến hoạt động xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn tại doanh nghiệp; thực hiện báo cáo tai nạn lao động theo quy định của luật hiện hành.

Các đơn vị cũng cần tăng cường tổ chức điều tra tai nạn lao động đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động; tăng cường triển khai công tác phòng ngừa tai nạn lao động, với sự hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp, Bộ yêu cầu tăng cường triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động, chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, có hại tại doanh nghiệp.

Phòng ngừa tai nạn lao động do sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, ngã cao, điện giật, vật rơi, đổ sập. Đặc biệt, cần tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, chứng chỉ nghề cho người lao động theo quy định.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/sau-dia-phuong-co-so-nguoi-chet-vi-tai-nan-lao-dong-nhieu-nhat.htm
Zalo