Sau đại án đăng kiểm: Trăn trở về 'tư duy nạn nhân'

Trong phòng xử án, ánh đèn huỳnh quang hắt xuống những gương mặt mệt mỏi với những ngày dài chờ đợi, những đêm thức trắng để suy nghĩ về ngày mai...

Ngày 6-1, TAND Cấp cao tại TP HCM mở phiên xét xử phúc thẩm 142 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam cùng 14 trung tâm đăng kiểm tại TP HCM và các tỉnh phía Nam. Đây là những người đã kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt hoặc bị VKSND TP HCM kháng nghị tăng nặng mức hình phạt so với bản án sơ thẩm mà TAND cùng cấp đã tuyên.

Lo âu chất chồng

Trong số các bị cáo, có những người được tại ngoại nhưng phần lớn đều bị tạm giam. Có người đã bị bắt từ năm 2023, có những người từng nắm giữ vị trí cao nhất trong ngành đăng kiểm, cũng có người là cán bộ, nhân viên dày dạn kinh nghiệm, am hiểu chuyên môn. Thế nhưng hôm nay, tất cả đang phải ngồi sau song sắt của chiếc xe bít bùng, bị áp giải đến tòa dưới sự giám sát nghiêm ngặt của lực lượng an ninh.

Đoàn xe chở các bị cáo nối nhau di chuyển trên các con đường từ trại tạm giam đến tòa án. Không một tiếng nói cười, chỉ có tiếng còi hú lạnh lẽo vọng giữa lòng thành phố. Các bị cáo đã nhiều lần được dẫn giải đến tòa án như thế, trong các phiên xét xử sơ thẩm trước đó. Thế nhưng, tại phiên xử phúc thẩm lại có phần khác biệt.

Lần này, trong quãng thời gian họ chờ đợi phán quyết cuối cùng của tòa án cũng là lúc ở ngoài kia, đất trời vào xuân, người người đang mong ngóng một khởi đầu mới, còn họ thì lại đối diện với tương lai mịt mờ khi mọi cánh cửa dường như vẫn chưa rõ sẽ khép lại hay mở ra. Bên trong những thùng xe kín mít, tối tăm là những gương mặt trĩu nặng lo âu. Còn bên ngoài, dòng người vẫn tất bật ngược xuôi, phố xá trang hoàng lộng lẫy đón Tết Nguyên đán.

Đoàn xe đến tòa án từ rất sớm. Trong phòng xử án, ánh đèn huỳnh quang hắt xuống những gương mặt mệt mỏi với những ngày dài chờ đợi, những đêm thức trắng để suy nghĩ về ngày mai. Dư luận vẫn chưa thôi xôn xao về những sai phạm của các cán bộ, nhân viên ngành này. Bởi vì họ vốn được giao phó trách nhiệm bảo đảm an toàn giao thông cho hàng triệu người dân, trong đó có cả những người đang ngồi trên ở hàng ghế HĐXX, VKS, luật sư, phóng viên và chính gia đình các bị cáo... Tất cả dường như đều mong muốn tìm ra sự thật đằng sau những tội lỗi này.

Các bị cáo không dám nhìn thẳng vào đám đông, nhất là ống kính của phóng viên Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Các bị cáo không dám nhìn thẳng vào đám đông, nhất là ống kính của phóng viên Ảnh: HOÀNG TRIỀU

"Hệ thống sai phạm"

Bên trong phòng xử án, không khí vẫn không khác nhiều so với các phiên tòa trước đó. Các bị cáo vẫn không dám nhìn thẳng vào đám đông, nhất là ống kính của phóng viên. Không khí nặng nề ấy đã kéo dài suốt 16 ngày xét xử của phiên tòa phúc thẩm.

Trong vụ án này, hàng loạt cán bộ, nhân viên ngành đăng kiểm đã vi phạm quy định, tiếp tay cho hành vi tham nhũng, nhận hối lộ để bỏ qua lỗi vi phạm kỹ thuật của phương tiện. Điều này diễn ra trong thời gian dài, lan rộng, có sự dung túng của nhiều cấp, được HĐXX cấp sơ thẩm gọi là "hệ thống sai phạm", tồn tại dựa trên lợi ích nhóm.

Thế nhưng, không phải bị cáo nào cũng thừa nhận trách nhiệm. Mỗi ngày, các bị cáo lại lần lượt đứng vào vị trí bục khai báo, cúi đầu bày tỏ sự ăn năn, hối hận. Thế nhưng, vẫn có những tiếng nói cố biện minh rằng các lỗi kỹ thuật bị bỏ qua đó không lớn, không ảnh hưởng nhiều tới phương tiện hay sự an toàn của người tham gia giao thông. Họ lập luận rằng những chiếc xe được bỏ qua lỗi vẫn tiếp tục lưu thông mà chưa có thống kê nào, ít nhất là trong nội dung cáo trạng, chứng minh là nguyên nhân của những vụ tai nạn.

Thế nhưng, việc chưa đo đếm trực tiếp hậu quả không đồng nghĩa với hậu quả không tồn tại. Từng trang hồ sơ được lật giở, từng con số được HĐXX, VKS đọc lên. Đó là số lượng ô tô, xe tải không đạt chuẩn vẫn được cấp phép, số tiền hối lộ được trao tay qua nhiều cấp bậc, "lột tẩy" sự tha hóa tồn tại trong hệ thống ngành đăng kiểm, nơi những nguyên tắc an toàn bị biến thành một món hàng có thể mua bán.

Chưa dừng lại ở đó, không ít bị cáo dù không phủ nhận sai phạm nhưng lại lập luận rằng đó là điều tất yếu, là "cơ chế", là "quy luật ngầm" mà ai cũng phải tuân theo nếu muốn tồn tại trong ngành.

Tư duy "nạn nhân" ấy đã ăn sâu vào tâm lý của các bị cáo đến mức khi đứng trước tòa, họ vẫn từ chối nhìn nhận bản thân như những người tiếp tay và hưởng lợi từ "cơ chế" sai phạm đó. Cựu Cục trưởng Đặng Việt Hà là một ví dụ cho lối suy nghĩ này. Từ phiên xử sơ thẩm đến phúc thẩm, ông không ngừng khẳng định mình chỉ là "người tiếp nối" công việc của những người tiền nhiệm và là "nạn nhân của cơ chế" mà ông đã phải tiếp nhận. Thậm chí, bị cáo này còn tuyên bố mình đã "quyết liệt chống tham nhũng" với những chỉ đạo bằng văn bản lưu lại làm bằng chứng.

Tuy nhiên, hồ sơ vụ án lại vạch trần một sự thật hoàn toàn trái ngược. Dưới thời ông Hà, số tiền hối lộ chảy về ngày càng lớn, hệ thống sai phạm ngày càng tinh vi và những người cấp dưới phải "điều chỉnh" cách ăn chia để đáp ứng yêu cầu từ cấp trên. Tất cả những điều này thì tồn tại "bất thành văn". Rõ ràng, ông Hà không phải là người bị cuốn vào guồng quay mà chính là đối tượng cầm trịch, thao túng hệ thống để thu lợi tối đa.

Với những người như bị cáo Hà, sai phạm chỉ là vấn đề "cơ chế", còn trách nhiệm cá nhân thì mờ nhạt. Chính tư duy ấy đã khiến hệ thống sai phạm kéo dài suốt bao năm, không ai chịu dừng lại, không ai cất tiếng nói phản kháng, vì ai cũng tin rằng mình chỉ là một phần của "quy luật bất thành văn".

Nhưng đến nay, đứng đối diện HĐXX, "cơ chế" ấy không thể là cái cớ để trốn tránh trách nhiệm. Bởi xét cho cùng, cơ chế có thể sai nhưng chính những con người duy trì và trục lợi từ nó mới là nguyên nhân khiến nó tiếp tục tồn tại. Không ai có thể biện minh cho cái sai của mình bằng cách nói rằng "ai cũng làm như vậy". Nếu ai cũng nghĩ như thế thì sẽ chẳng bao giờ có sự thay đổi.

Chấp nhận kháng cáo của 125 bị cáo

Sau 16 ngày xét xử và nghị án, TAND Cấp cao tại TP HCM đã chấp nhận kháng cáo của 125 bị cáo, trong đó có 2 cựu Cục trưởng là Đặng Việt Hà và Trần Kỳ Hình. HĐXX nhận định các bị cáo có tình tiết giảm nhẹ và tuyên phạt Trần Kỳ Hình 22 năm tù (giảm 3 năm so với bản án sơ thẩm) về tội "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", Đặng Việt Hà 17 năm tù (giảm 2 năm so với bản án sơ thẩm) về tội "Nhận hối lộ".

TRẦN THÁI

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/sau-dai-an-dang-kiem-tran-tro-ve-tu-duy-nan-nhan-196250207182253522.htm
Zalo