Sau chiến tranh

Minh họa: Phan Nhân

Minh họa: Phan Nhân

Trên con đường đèo vắng, nắng đã phủ khắp một vùng đồi, một người lính đang bước đi lầm lũi. Anh nghe thấy trong gió như có tiếng hát ngân lên: “Dù đôi chân qua những chặng đường có mỏi/ Vẫn bước dồn ta hãy hỏi vì đâu…”. Anh tự nhủ lòng. Có lẽ đã đi nhiều quá, đế dép mòn, áo sờn vai nên trong lòng mình cứ ngân nga như thế chứ nào có ai hát đâu.Nhưng khi đi đến cây đa đầu dốc thì tiếng hát ấy nghe rất rõ. Anh đi vòng ra sau bộ rễ um tùm, thấy một người vừa hát vừa rút lại quai dép cao su. Ngước nhìn lên thấy anh, anh ta như bắt được vàng:

- Anh bộ đội, anh bộ đội thật rồi. Anh không được đi.

Một câu nói mà anh được nghe trong ngày hòa bình thật ấm áp. Khi không còn phải khoác trên vai khẩu súng trường, gặp đồng bào là gặp những nụ cười, nhưng sao người đàn ông này lại cần anh đến thế.

- Anh có phải là anh Vĩnh không?

Anh lắc đầu và cười. Nụ cười từ đôi môi tím tái sau những trận sốt rét rừng. Như để làm dịu đi ánh mắt thất vọng của người đối diện, anh khẽ nói:

- Người lính giải phóng nào cũng là con của Nhân dân cả. Tôi không phải là chiến sĩ Vĩnh nhưng có thể giúp gì cho anh được không?

- Vậy mà ngày nào tôi cũng đến gốc đa chờ. Bà cụ bảo nếu chờ lâu quá cứ hát bài ca đó. Anh Vĩnh nếu về qua đây nghe được sẽ đến tìm tôi.

- Sao anh không đến huyện đội hay nhờ chính quyền tìm giúp.

Người ấy ngồi bệt xuống cái rễ cây lớn, bắt đầu kể:

Trong xóm. Có một bà cụ Tư mắt đã lòa. Người chồng của bà từng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Bà ở vậy nuôi người con trai tên Vĩnh. Năm 17 tuổi, khi tin tức chiến trường dội về, như có lửa cháy trong mạch máu. Anh lén giấu bà lên huyện xin nhập ngũ rồi đi mãi. Giấy báo tử cầm đến tay bà cụ sau mấy tháng anh Vĩnh nhập ngũ. Bà cụ Tư không tin, cụ bảo đó chỉ là sự nhầm lẫn thôi. Có thể cú sốc đó và bệnh tật đã làm bà suy yếu, đôi mắt không còn nhìn thấy rõ mọi vật. Bà nghe bằng tai và “nhìn” bằng chính cảm nhận của mình.

- Chuyện là thế đấy. Tôi tên Mật, chẳng phải họ hàng thân thích gì của cụ đâu. Tôi mồ côi cha mẹ từ nhỏ, lang thang dưới chợ huyện. May có lần bà cụ đi chợ đem về nuôi nên coi cụ như mẹ mình.

- Mấy nay cụ Tư yếu lắm rồi. Hay anh có thể đến thăm cụ để cụ tin là anh Vĩnh đã trở về.

Người lính tháo ba lô ra, lặng lẽ ngồi xuống bên anh Mật.

- Anh cũng là dân quân phải không, cũng tham gia khẩu đội bắn máy bay…

- Vâng, trong chiến tranh, kể cả phụ nữ cũng biết cầm súng chiến đấu.

- Anh và tôi cũng như những người lính khác đều là con cụ Tư cả. Đất nước vững bền bởi có những người mẹ vĩ đại.

Mật khẩn khoản:

- Từ ngày giải phóng, bài “Đất nước trọn niềm vui” phát trên đài làm cụ không thể ngủ được.

Người lính đưa bàn tay vò mái tóc đầy bụi bặm đường dài:

- Tôi tên Người lính. Biết nói thế nào với anh nhỉ. Việc anh nhờ không khó nhưng tôi cũng đang có nỗi buồn riêng của mình.

Nói xong, người lính lấy từ trong ba lô ra một con búp bê nhỏ. -Tôi mua trong Sài Gòn. Khi bước lên chuyến tàu ra Bắc, tôi mới biết nó đã mất khi sập hầm trú ẩn. Tôi không biết giờ mình sẽ đi về đâu?- Con gái anh năm nay mấy tuổi? Ý tôi là nếu cháu còn…

- Lên năm, sắp được đến trường rồi. Từ xóm mình đến trường xa không?

- Xa, xa lắm, qua hai dãy núi kia cơ, ở đây rất ít người biết chữ. Nếu không có chiến tranh thì giờ anh Vĩnh chắc cũng là thầy giáo rồi.

*

Họ chia tay nhau dưới gốc đa. Nắng đầu hè gay gắt, tiếng ve râm ran dưới những tán cây. Hai người đi về hai phía trên con đường mòn ven đồi quanh co. Mật cả đời chưa từng đi quá thị trấn. Đôi chân người lính đã đi khắp các ngả đường chiến dịch. Lưng quay đi nhưng tâm trạng cùng hướng về một nỗi niềm riêng. Trái tim họ đập với nhịp đập của một ngày mới.

Bất giác, Mật gặp một khe nước từ sườn đồi chảy xuống, nước trong mát. Như mọi khi anh sẽ bứt chiếc lá để khum lại lấy nước uống. Nhớ đến câu nói của người lính, anh đưa chiếc ca mà người lính vừa tặng: “Nếu có thể xin đừng bứt dù chỉ là một chiếc lá, đến cỏ cây cũng đã quá mất mát sau cuộc chiến tranh”.

Uống hết một cốc nước suối, đầu óc Mật như tỉnh táo hơn, anh ngắm nghía chiếc ca. Hay nhỉ, nó được làm từ làm từ ống phóng đạn chống tăng M72 LAW, người dân yêu chuộng hòa bình luôn biết cách biến đạn bom người lính vật dụng phục vụ cho sự hồi sinh. Vỏ kim loại vũ khí đựng nước suối đã giữ lại một chiếc lá hôm nay, vậy là có cách để hóa giải nỗi đau này. Mật vội vã cầm ca nước quay lưng chạy về phía người lính.

Ở một đoạn đường khác, người lính đã thay đổi ý nghĩ, anh hỏi một người đi bắt ong và biết được lối tắt lên xóm núi. Chiều hôm ấy nắng như chưa muốn lui về bên kia sườn núi. Những chiếc lá ánh lên một màu sắc kì lạ.

Một chấm nhỏ bắt đầu hiện ra dưới buổi chiều. Cái chấm ấy hiện dần với cái dáng cao gầy nhưng rắn rỏi. Một anh bộ đội đang khoác ba lô, vừa đi vừa có ý như tìm ai đó để hỏi đường. Người lính đã lên đến nơi. Anh bước vào ngôi nhà thứ nhất của xóm, tháo ba lô và lễ phép chào chủ nhà: “Chị làm ơn cho tôi hỏi, xóm mình có cháu bé nào tên là Thảo không”. Người phụ nữ đang sảy gạo liền dừng tay, nhìn anh đầy bất ngờ và lắc đầu. Anh định bước đi thì cô đã đưa một bát nước chè xanh. Uống xong ngụm nước anh cúi đầu chào và đi tiếp.

Nhà thứ hai anh đến, gương mặt đã toát lên vẻ mệt nhọc hơn: “Chào cụ, cụ biết xóm mình có bé nào tên là Lan không?”. Ông cụ đang sửa lại một cái bàn gẫy chân, bộ râu bạc trắng như cước lặng phắc, rồi ông nhìn vào mắt anh và cất tiếng:

- Thật tiếc là không có, anh tìm nhà ai?

Anh đáp lại bằng nụ cười. Anh đến nhà thứ ba, nhà khóa cửa nhưng nhìn kĩ thì có một đứa trẻ đang bị nhốt sau song cửa sổ gỗ xoan. Anh cất tiếng gọi:

- Cô bé ơi, bố mẹ đi vắng à?

- Vâng, sao chú biết?

- Hồi đi tản cư, chú cũng từng như cháu. Bị khóa trái cửa nhưng chú lại thấy thích thú. Khi đôi chân bị gò bó thì cái đầu lại nhảy nhót đầy ý nghĩ.

- Rồi chú làm gì trong lúc bố mẹ chưa về? - cô bé nhanh nhảu hỏi lại.

- Chú có cây bút chì làm bạn. Chú vẽ tất cả những gì chú tin có thật.

- Chú tin gì đấy chú?

- Tin là chiến tranh sẽ kết thúc. Trẻ em ở đâu cũng tung tăng nô đùa thỏa thích. Nhưng cháu tên là gì nhỉ?

- Dạ, cháu tên Hoa. Bố cháu bảo hoa của đất trời. Chú có thích tên ấy không?

- Thế thì đúng rồi, món quà của cháu đây. Chú đã đi suốt một chặng đường dài mới có thể tìm thấy cháu đấy.

Hoa nhận món quà trong sự ngỡ ngàng. Bất giác cô bé đưa đôi mắt to tròn nhìn người lính đầy hy vọng.

- Chú có thể vẽ giúp cháu một bức tranh được không?

- Được, nhưng với một điều kiện.

- Điều kiện gì hả chú?

- Điều kiện đơn giản là chú sẽ viết thêm một bài thơ dưới bức tranh. Cháu phải đi học mới đọc được.

Cô bé Hòa cười thích thú khoe hàm răng sún. Nụ cười khiến trái tim anh như hồi sinh. Đất nước đang có bao nhiêu cô bé như thế, đang cần đến những con búp bê, đến cái bảng xinh xinh, viên phấn, cái bút chì và mái trường lợp tranh vang tiếng học bài.

Mật đứng sững sau lưng anh, anh cứ đứng như thế quên cả mở cửa cho con gái. Anh nắm chặt tay người lính như sợ mất đi điều gì quý giá:

- Trước khi nhập ngũ, anh làm gì?

Người lính nhìn thẳng vào mắt Mật.

- Hết chiến tranh, tôi sẽ làm tiếp công việc dang dở của mình. Quên chưa nói với anh, tôi là thầy giáo.Nghe đến đây, Mật mới nhớ ra:

- Quên chưa hỏi, anh tên là gì?

Người lính xúc động, đôi mắt đỏ hoe đáp lại:

- Anh cứ gọi tôi là Vĩnh là được.

Nói xong, người lính đi theo Hoa về phía nhà bà cụ Tư, Mật chạy theo bước cao bước thấp, hình như tai anh nghe nhầm, à không, anh đã bao giờ nhầm đâu. Người lính nào cũng mang trái tim ấy để cùng người dân hàn gắn mất mát đau thương sau chiến tranh. Mầm xanh sẽ từ vết gãy của thân cành mà vươn lên, lan tỏa hạnh phúc cuộc đời…

Truyện ngắn: BÙI VIỆT PHƯƠNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202504/sau-chien-tranh-6e3058c/
Zalo