Sau bão số 3 và mưa lũ: Chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, tiền sử dụng đất ra sao?
Cục Thuế TP Hà Nội vừa gửi thư ngỏ đến người nộp thuế phổ biến chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế đối với người nộp thuế gặp thiên tai nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người nộp thuế trên địa bàn.
Theo đó, Cục Thuế Hà Nội đã nêu các chính sách gia hạn, miễn, giảm trong trường hợp gặp thiên tai theo quy định của pháp luật thuế để người nộp thuế biết và chủ động thực hiện các thủ tục để được hưởng quyền lợi.
Các chính sách cụ thể như sau:
Miễn tiền chậm nộp, miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế
Cục Thuế Hà Nội cho biết, với trường hợp người nộp thuế không có khả năng nộp hồ sơ khai thuế đúng thời hạn do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ thì được thủ trưởng cơ quan thuế quản lý trực tiếp gia hạn nộp hồ sơ khai thuế.
Tuy nhiên, người nộp thuế phải nộp tiền chậm nộp theo quy định được miễn tiền chậm nộp trong trường hợp bất khả kháng.
Đối với trường hợp người nộp thuế bị phạt tiền do vi phạm hành chính về quản lý thuế mà bị thiệt hại trong trường hợp bất khả kháng thì được miễn tiền phạt. Tổng số tiền miễn phạt tối đa không quá giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại, sau khi trừ đi giá trị được bảo hiểm, bồi thường (nếu có).
Về gia hạn nộp thuế, hồ sơ khai thuế
Việc gia hạn nộp thuế được xem xét trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế trong các trường hợp bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp trường hợp bất khả kháng (thời gian gia hạn nộp thuế không quá 2 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế).
Người nộp thuế không có khả năng nộp hồ sơ khai thuế đúng thời hạn do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ thì được thủ trưởng cơ quan thuế quản lý trực tiếp gia hạn nộp hồ sơ khai thuế.
Các chính sách miễn, giảm đối với từng sắc thuế
Thuế giá trị gia tăng: Khấu trừ toàn bộ thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng, kể cả thuế giá trị gia tăng đầu vào không được bồi thường của hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng bị tổn thất.
Thuế thu nhập doanh nghiệp: Doanh nghiệp có chi phí liên quan đến phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Thuế thu nhập cá nhân: Đối tượng nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế thì được xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp.
Thuế tiêu thụ đặc biệt: Người nộp thuế sản xuất hàng hóa thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt gặp khó khăn do thiên tai, tai nạn bất ngờ được giảm thuế.
Mức giảm thuế được xác định trên cơ sở tổn thất thực tế do thiên tai, tai nạn bất ngờ gây ra nhưng không quá 30% số thuế phải nộp của năm xảy ra thiệt hại và không vượt quá giá trị tài sản bị thiệt hại sau khi được bồi thường (nếu có).
Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp: Miễn thuế trong trường hợp người nộp thuế gặp khó khăn do sự kiện bất khả kháng nếu giá trị thiệt hại về đất và nhà trên đất trên 50% giá trị tính thuế.
Giảm 50% số thuế phải nộp trong trường hợp người nộp thuế gặp khó khăn do sự kiện bất khả kháng nếu giá trị thiệt hại về đất và nhà trên đất từ 20% đến 50% giá tính thuế.
Thuế tài nguyên: Người nộp thuế tài nguyên gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ gây tổn thất đến tài nguyên đã kê khai, nộp thuế thì được xét miễn, giảm thuế phải nộp cho số tài nguyên bị tổn thất; trường hợp đã nộp thuế thì được hoàn trả số thuế đã nộp hoặc trừ vào số thuế tài nguyên phải nộp của kỳ sau.
Cục Thuế Hà Nội cho biết, trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, người nộp thuế liên hệ với cục thuế, hoặc chi cục thuế trực tiếp để được hướng dẫn.