Sau 70 năm, Hà Nội từ đô thị nhỏ trở thành 'đầu tàu' kinh tế cả nước

Ngày 10/10/1954, Hà Nội chính thức được giải phóng, đây là một sự kiện trọng đại, khởi đầu cho công cuộc tái thiết và khôi phục lại vị thế của Thủ đô, từng bước phát triển kinh tế.

Sau 70 năm phát triển, Hà Nội vươn mình trở thành một đô thị hiện đại

Từ một đô thị nhỏ, chỉ khoảng 130km2, cùng với hơn 1.000 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, sau 70 năm, Hà Nội trở thành một trong 2 đầu tàu kinh tế quan trọng của cả nước, đóng góp gần 13% vào GDP cả nước, đồng thời góp 23% tổng thu ngân sách cả nước vào năm 2023.

Đặc biệt, trong 10 năm trở lại đây, Hà Nội luôn có mức tăng trưởng kinh tế dương và cao hơn mức tăng GDP trung bình hàng năm của cả nước. Số liệu của Cục Thống kê Hà Nội cho thấy, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Hà Nội giai đoạn 2011 - 2023 tăng bình quân 6,67%/năm.

 Hà Nội trở thành một trong 2 đầu tàu kinh tế quan trọng của cả nước, đóng góp gần 13% vào GDP cả nước, đồng thời góp 23% tổng thu ngân sách cả nước vào năm 2023. (Ảnh: PS)

Hà Nội trở thành một trong 2 đầu tàu kinh tế quan trọng của cả nước, đóng góp gần 13% vào GDP cả nước, đồng thời góp 23% tổng thu ngân sách cả nước vào năm 2023. (Ảnh: PS)

Trong một buổi tọa đàm gần đây, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho biết: Thời điểm mới tiếp quản Thủ đô, GDP bình quân đầu người lúc đó của Hà Nội cũng rất thấp so với các quốc gia xung quanh, thậm chí còn kém hơn so với nhiều tỉnh, thành khác.

Tuy nhiên, với quyết tâm của Chính phủ và sự nỗ lực của thành phố và người dân Thủ đô, Hà Nội sớm có những thành tựu quan trọng, tạo bàn đạp cho sự phát triển trong giai đoạn sau này.

Đơn cử, năm 1965, Hà Nội đã trở thành trung tâm công nghiệp lớn nhất miền Bắc, với nhiều nhà máy, xí nghiệp lớn. Một trong những cụm công nghiệp nối tiếng nhất vào giai đoạn này, đó là chuỗi 3 nhà máy nằm liền kề “Cao - Xà - Lá”, gồm Cao su Sao Vàng, Xà phòng Hà Nội và Thuốc lá Thăng Long.

Chưa kể, một số nhà máy khác nổi tiếng không kém như giày Thượng Đình, bóng đèn phích nước Rạng Đông, diêm Thống Nhất, nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, kem Tràng Tiền,....

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết: Đến năm 1982, Hà Nội về cơ bản đã coi là hồi phục các cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội và có những bước tiến tốt hơn.

Đến năm 1986, Hà Nội đã trở thành trung tâm đổi mới về khoa học công nghệ, cùng với đó là thay đổi về cơ chế quản lý kinh tế giúp Thủ đô Hà Nội vươn lên là một trong những điểm sáng trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế của cả nước.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, một trong những dấu mốc quan trọng của Hà Nội đó là mở rộng địa giới hành chính vào năm 2008. Điều này đã khiến cơ cấu kinh tế của Hà Nội đang ngày càng thay đổi theo hướng hiện đại, bền vững, xanh hơn, sạch hơn.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, quy mô thu nhập của Hà Nội đã tăng rất mạnh mẽ trong quãng thời gian từ năm 2010 cho đến năm 2023 với GDP thường là dẫn đầu cả nước với mức tăng trưởng khoảng 7%.

“Điều rất quan trọng là thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội vào năm 2023 đã lần đầu tiên vượt thu nhập bình quân đầu người của TP HCM”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Hà Nội đã dần chuyển mình thành địa phương có tốc độ thay đổi cơ cấu kinh tế sang dịch vụ cũng như là sang kinh tế xanh, kinh tế sạch hơn, nhanh hơn và mạnh hơn so với các tỉnh, thành khác trong cả nước. Vào năm 2022, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế của Hà Nội có chậm lại nhưng vẫn cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nước.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh hy vọng rằng với đà phát triển trong 70 năm qua, với ý chí quyết tâm, với vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học công nghệ, Hà Nội sẽ sớm có được những bước phát triển mới, tạo ra năng suất lao động cao hơn, hiệu quả lớn hơn cho sự phát triển kinh tế đất nước.

Những dấu ấn quan trọng trong năm 2024 - năm kỷ niệm 70 năm

Nối tiếp những thành công của năm 2023, trong 9 tháng đầu năm 2024, kinh tế - xã hội của Hà Nội tiếp tục gặt hái được những thành tựu mới, bất chấp các biến động khó lường từ thế giới và các tác động của quá trình biến đổi khí hậu, đặc biệt là ảnh hưởng của cơn bão số 3 - bão Yagi.

Báo cáo của Cục Thống kê Hà Nội cho thấy, trong quý III/2024, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) ước tăng 6,06% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 3 quý của năm 2024, GRDP của Hà Nội ước tăng 6,12% so với cùng kỳ năm ngoái.

 Một góc hiện đại của Hà Nội. (Ảnh: PS)

Một góc hiện đại của Hà Nội. (Ảnh: PS)

Cũng theo Cục Thống kê Hà Nội, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Hà Nội trong 9 tháng đầu năm 2024 tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của công nghiệp thành phố.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính chung 9 tháng năm 2024, toàn thành phố thu hút 1,5 tỷ USD vốn FDI.

Về du lịch, trong quý III/2024, Hà Nội đón khoảng 1,5 triệu lượt khách, tăng 3,4% so với quý trước và tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 9 tháng năm 2024, khách du lịch đến Hà Nội đạt gần 4,6 triệu lượt người, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm trước.

Về xuất nhập khẩu, trong 9 tháng đầu năm 2024, hoạt động xuất nhập khẩu của Hà Nội phục hồi ấn tượng với tổng kim ngạch đạt 44,9 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 14,4 tỷ USD, tăng 16,8%; nhập khẩu đạt 30,5 tỷ USD, tăng 13%.

Điều đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước của Hà Nội đạt xấp xỉ 1,45 triệu tỷ đồng, đạt 85% dự toán năm và tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2023. Hà Nội đóng góp 25,93%, trong khi đó TP HCM là 25,45%.

Cục Thống kê Hà Nội nhận định: Ngay từ đầu năm, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố đã triển khai quyết liệt các Nghị quyết, kết luận của Trung ương và Thành phố, chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hạ lãi suất, đơn giản các thủ tục vay vốn, kết nối thương mại, kích cầu tiêu dùng.

Thành phố cũng khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 nhanh chóng ổn định tình hình, kiểm soát tốt giá tiêu dùng, đảm bảo cung cầu, phòng chống dịch bệnh.

“Nhờ đó, kinh tế Thành phố tiếp tục duy trì tăng trưởng, an sinh xã hội được đảm bảo, kết quả chủ yếu các ngành, lĩnh vực trong quý III và 9 tháng năm 2024”, Cục Thống kê Hà Nội nhận định.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/sau-70-nam-ha-noi-tu-do-thi-nho-tro-thanh-dau-tau-kinh-te-ca-nuoc-post315874.html
Zalo