Sau 45 năm, tuổi thọ của người dân TP.HCM tăng hơn 10 tuổi
Nếu như vào năm 1979, tuổi thọ trung bình của người dân TP.HCM là 66 tuổi thì đến hết năm 2024 đã lên đến trên 76 tuổi, cao hơn tuổi thọ trung bình của cả nước là 74,7 tuổi.
Ngày 24.2, Sở Y tế TP.HCM cho biết, đến cuối năm 2024, tuổi thọ bình quân của người dân TP.HCM là 76,6 tuổi, cao hơn tuổi thọ trung bình của cả nước (74,7 tuổi). Như vậy, sau 45 năm (tính từ 1979), tuổi thọ trung bình của người dân TP.HCM đã tăng lên hơn 10 tuổi.

Ảnh minh họa
Cụ thể, vào năm 1979, tuổi thọ của người dân TP là 66 tuổi, đến năm 2024 đã tăng lên 76,6 tuổi, cao hơn tuổi thọ trung bình của cả nước là 74,7 tuổi.
Ngoài ra, tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi (IMR), tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi (U5MR) và tỷ số chết mẹ đều giảm mạnh. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em luôn duy trì ở mức thấp nhất cả nước. Tầm vóc, thể lực người dân TP ngày càng được cải thiện.
Theo đó, chiều cao trung bình của dân số (khảo sát ở học sinh 17 tuổi) đã được cải thiện đáng kể ở cả hai giới. Nếu như vào năm 2014, chiều cao trung bình của nam giới là 168,2cm thì đến năm 2019 tăng lên 169,2cm; còn nữ giới từ 155,9cm tăng lên 157cm.
Tuy nhiên, Sở Y tế TP.HCM cho rằng bên cạnh những thành quả đạt được, ngành y tế TP vẫn còn phải giải quyết nhiều thách thức mới như: Gánh nặng bệnh tật kép với sự gia tăng tỷ trọng các bệnh không lây nhiễm trong khi các dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi vẫn tiếp tục xuất hiện; sự gia tăng của các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe như tình trạng già hóa dân số, biến đổi khí hậu, đô thị hóa, công nghiệp hóa, toàn cầu hóa, hành vi lối sống bất lợi cho sức khỏe…
Trong năm 2025 này, Sở Y tế TP.HCM cho biết, ngành y tế tiếp tục tham mưu UBND TP ban hành Đề án chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân TP, và một số giải pháp góp phần làm tăng tổng tỷ suất sinh giai đoạn 2025-2030, nhằm đảm bảo mọi người dân trên địa bàn TP được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục và chất lượng, sống trong môi trường an toàn, phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.
Qua đó, góp phần nâng cao sức khỏe của phụ nữ mang thai, bào thai, trẻ sơ sinh, trẻ em, người lao động và người cao tuổi, đồng thời làm tăng tổng tỷ suất sinh và cải thiện chất lượng cuộc sống cộng đồng, ổn định quy mô dân số, nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực cho sự phát triển của TP trong tương lai.