Sau 4 năm thực thi EVFTA: Đòn bẩy thúc đẩy xuất khẩu

Sau 4 năm thực thi (2020-2024), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã tạo đòn bẩy thúc đẩy đầu tư, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang châu Âu.

Cùng với việc chủ động tận dụng cơ hội từ EVFTA, cơ quan chức năng khuyến cáo, các doanh nghiệp cần tiếp tục đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường châu Âu...

Thủy sản là một trong những mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu. Trong ảnh: Sản xuất thủy sản xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thủy sản CAFATEX (tỉnh Hậu Giang).

Thủy sản là một trong những mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu. Trong ảnh: Sản xuất thủy sản xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thủy sản CAFATEX (tỉnh Hậu Giang).

Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 200 tỷ USD

Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), trong số những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia, EVFTA là hiệp định đem lại kết quả tích cực nhất. Sau 4 năm EVFTA có hiệu lực, Liên minh châu Âu (EU) hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu 4 năm ước tính đạt khoảng 200 tỷ USD, tăng trưởng từ 12% đến 15%. Riêng tháng 7-2024, Việt Nam xuất siêu sang EU ước đạt 20,1 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2023; kim ngạch xuất khẩu tăng 15,8%; nhập khẩu tăng 8,7%. EU nằm trong tốp 6 thị trường xuất, nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong nửa đầu năm 2024, xuất khẩu sang đa số các thị trường chủ lực trong EU đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Hà Lan là thị trường xuất khẩu nhiều nhất, đạt hơn 6,14 tỷ USD, chiếm 24,88% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU, tăng 27,12% so với cùng kỳ năm 2023. Tiếp theo là thị trường Đức đạt gần 3,82 tỷ USD, chiếm 15,46%, tăng 3,27%; Italia đạt gần 2,53 tỷ USD, chiếm 10,23%, tăng 9,23%…

Khảo sát Chỉ số niềm tin kinh doanh của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam vừa công bố cũng nhấn mạnh, sau 4 năm thực thi, EVFTA tiếp tục là đòn bẩy thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời mở cánh cửa cho các doanh nghiệp châu Âu vào thị trường Việt Nam.

Cho đến nay EU đã đầu tư vào Việt Nam 28 tỷ euro với 2.450 dự án và đứng thứ 6 trong số các nhà đầu tư. Phần lớn các thành viên EuroCham và doanh nghiệp Việt Nam xuất, nhập khẩu sang EU cho rằng, việc giảm thuế quan, tăng khả năng cạnh tranh và mở rộng khả năng tiếp cận thị trường là những lợi ích chính từ EVFTA. Còn theo các chuyên gia, với 4 năm có hiệu lực, EVFTA tạo ra lợi ích đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam, trở thành động lực gia tăng xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU.

Nông sản, hàng hóa Việt Nam được giới thiệu ở Lễ hội quảng bá văn hóa, nông sản Việt Nam tại Pháp tháng 6-2024. Ảnh: Nguyễn Hường.

Nông sản, hàng hóa Việt Nam được giới thiệu ở Lễ hội quảng bá văn hóa, nông sản Việt Nam tại Pháp tháng 6-2024. Ảnh: Nguyễn Hường.

Tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh

Sau 4 năm EVFTA có hiệu lực, bên cạnh những kết quả đã đạt được cũng còn nhiều vấn đề cần cải thiện. Đó là tỷ lệ xuất khẩu vẫn còn thấp, hàng Việt Nam mới chỉ chiếm hơn 2% dung lượng thị trường EU. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp mới đạt hơn 20%.

Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và EU Trần Ngọc Quân cho biết, EU hiện có xu hướng chuyển đổi mạnh với những quy định nghiêm ngặt liên quan đến chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, chống phá rừng… Nếu đáp ứng được những quy định này sẽ là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam so với những đối thủ khác.

Để tận dụng tốt những cơ hội từ EVFTA mang lại, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Cẩm Trang khuyến nghị, các doanh nghiệp cần chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh và giao hàng; chủ động đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường EU.

Đại diện EuroCham kỳ vọng, trong thời gian tới, EVFTA sẽ tiếp tục mang đến tác động tích cực, sâu rộng hơn, thúc đẩy môi trường kinh doanh minh bạch, mang lại lợi ích thiết thực cho cả EU và Việt Nam. EuroCham cũng đang tích cực ủng hộ việc phê chuẩn đầy đủ Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) như một bước quan trọng để mở khóa toàn bộ tiềm năng của EVFTA, nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, khai thác hiệu quả EVFTA là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ Công Thương. Các ngành hàng trọng điểm là công nghiệp chế biến chế tạo, nông - lâm - thủy sản. Bên cạnh việc phổ biến các cam kết và cách thức tận dụng ưu đãi từ EVFTA, Bộ sẽ phối hợp với doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các cơ quan quản lý chuyên ngành hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và tăng cường xúc tiến thương mại đến thị trường trọng điểm EU…

Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái:

Cơ hội tham gia mạng lưới cung ứng toàn cầu với tiêu chuẩn cao

Sau 4 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), một trong những điểm sáng được đánh giá cao là quá trình Việt Nam chủ động cải cách thể chế để tạo được môi trường kinh doanh mang tính minh bạch, thuận lợi hơn, từ đó có thể thu hút vốn đầu tư của nước ngoài, trong đó có vốn đầu tư từ các nước Liên minh châu Âu (EU). Thông qua việc thiết lập hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao như EVFTA, chúng ta đã tạo được kết nối về chuỗi cung ứng và chuỗi cung ứng này chỉ có thể được hình thành nếu có sự đầu tư mạnh mẽ từ EU vào Việt Nam.

Trong thời gian tới, nếu thu hút được vốn đầu tư từ EU nhiều hơn nữa, Việt Nam sẽ thiết lập nên chuỗi cung ứng mới và tham gia vào mạng lưới cung ứng toàn cầu với tiêu chuẩn cao, phù hợp với những xu hướng mới đang theo đuổi hiện nay.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế quốc dân):

Tăng hàm lượng xanh, hàm lượng số để đổi mới cơ cấu thương mại

Thời gian tới, để tận dụng hiệu quả hơn nữa EVFTA, cần hiểu cụ thể, đầy đủ các ưu đãi của hiệp định trong tất cả các lĩnh vực thông qua truyền thông, nâng cao nhận thức. Vai trò của thương vụ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội cũng như cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư cần được phát huy hơn nữa. Cần có cơ chế cho các đối tác châu Âu tại Việt Nam kết nối với đối tác nước ngoài để thâm nhập lẫn nhau. Cần sự đồng hành của cơ quan quản lý nhằm giảm thiểu chi phí tuân thủ.

Về lâu dài, cần tăng hàm lượng xanh, hàm lượng số, đổi mới sáng tạo và tiêu chuẩn bền vững để đổi mới cơ cấu thương mại. Mặt khác, đổi mới tiêu chuẩn lựa chọn vốn đầu tư; khai thác vốn đầu tư từ EU hoặc đối tác ngoài EU để đẩy mạnh xuất khẩu vào EU; lấy ưu đãi của EVFTA làm nhân tố hấp dẫn đầu tư. Tạo cơ cấu kinh tế hiệu quả để vừa bổ sung, hợp tác, vừa khai thác cơ hội mới từ cạnh tranh trên thị trường EU.

Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và Tư vấn môi trường DACE Trần Văn Hiếu:

Mong được hỗ trợ tiếp cận sâu rộng hơn tới thị trường

Sau 4 năm EVFTA được thực thi, doanh thu của công ty tại thị trường EU tăng từ 18% lên 36% và xếp vị trí số 1 trong cơ cấu doanh thu. Cùng với đó, việc hợp tác đầu tư với các đối tác được triển khai sâu rộng hơn, đã tạo đà để công ty phát triển mạnh mẽ hơn. Nhờ EVFTA, các đối tác rất thuận lợi trong việc đầu tư thiết bị, chất xám, đặt nhà máy tại Việt Nam, tạo chuỗi liên kết từ nông dân, nhà máy đến xuất khẩu và khách hàng. Quan trọng hơn, chúng tôi có thể tiếp cận khoa học, công nghệ cùng phương thức quản trị, vận hành tiên tiến…

Từ những tiêu chuẩn cao của thị trường châu Âu và trên cơ sở đặc thù sản phẩm xuất khẩu là gia vị hữu cơ, chúng tôi mong muốn các địa phương quy hoạch vùng trồng nông sản để bảo đảm chất lượng nguồn nguyên liệu, đi kèm là các chính sách phát triển vùng trồng bền vững. Ngoài ra, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ tiếp cận sâu rộng hơn tới thị trường, các hệ thống phân phối nhằm tạo đầu ra cho sản phẩm.

Hà Thư ghi

Lam Giang

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/sau-4-nam-thuc-thi-evfta-don-bay-thuc-day-xuat-khau-674267.html
Zalo