'Sát thủ vô hình' làm gia tăng bệnh hô hấp, tim mạch ở Hà Nội, TPHCM
Ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM đang ở mức đáng báo động, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ em, người già, phụ nữ mang thai và người mắc bệnh mãn tính.
Ô nhiễm không khí tại Việt Nam hiện nay, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sự phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của người dân. Đặc biệt là những người dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mãn tính, người lao động làm việc ngoài trời.
Đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương tại Hội thảo khoa học quốc gia về kiểm soát và cải thiện chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam diễn ra mới đây.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội luôn ở ngưỡng cao
Cũng theo Thứ trưởng, một số nghiên cứu gần đây đã cho thấy ô nhiễm không khí có liên quan đến sự gia tăng mắc các bệnh viêm đường hô hấp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen, dị ứng; các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đau thắt ngực, thiếu máu cơ tim, suy tim; một số bệnh về da, niêm mạc.
Ô nhiễm không khí cũng liên quan đến việc làm gia tăng gánh nặng bệnh tật, làm tăng số ca nhập viện, tăng chi phí và thời gian điều trị, từ đó góp phần gây sức ép và quá tải tại các cơ sở y tế, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị.
Thứ trưởng nhấn mạnh, cải thiện chất lượng không khí cần sự phối hợp liên ngành, liên vùng và sự chung tay của toàn hệ thống chính trị, doanh nghiệp, cộng đồng.
Cần có cách tiếp cận liên ngành, liên vùng
Đánh giá về các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại Hà Nội và TPHCM, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã triển khai một số giải pháp như tăng cường phủ xanh đô thị, phát triển hệ thống giao thông công cộng và từng bước chuyển đổi xe buýt sang xe điện. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa mang lại hiệu quả rõ rệt.
Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, hành động còn chưa quyết liệt và đặc biệt là chưa có một cơ chế giám sát chặt chẽ, hiệu quả để đảm bảo các giải pháp được thực thi đến nơi đến chốn.
Ông nhấn mạnh, cần có cách tiếp cận liên ngành, liên vùng, vì ô nhiễm không khí không chỉ nằm trong ranh giới của Hà Nội, TPHCM mà còn bị ảnh hưởng bởi các tỉnh lân cận. Theo ông, không thể để mỗi nơi làm mỗi kiểu.
Về vấn đề giám sát và xử lý các nguồn gây ô nhiễm như công trình xây dựng, giao thông, đốt rác… ông Tùng cho rằng, chúng ta đã nói nhiều nhưng hành động chưa thực sự cụ thể.
“Ở các nước, họ lắp camera, quan trắc bụi để giám sát công trình. Nếu phát hiện vi phạm là dừng ngay. Còn ở ta thì vẫn còn nể nang, thiếu cơ chế xử lý triệt để”, ông Tùng nêu thực trạng.
Một điểm yếu lớn được ông chỉ ra là hệ thống quan trắc không khí ở Hà Nội còn mỏng và chưa đủ độ phủ. “Hà Nội chỉ có 2 trạm chính và 12 trạm của Trung ương, như vậy là chưa đủ. Chúng ta cần bổ sung thêm các trạm cảm biến để phát hiện các ‘điểm nóng’ kịp thời, từ đó có hành động phù hợp”.
Minh bạch mọi chỉ số để người dân cùng giám sát
Học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế, ông Tùng đặc biệt ấn tượng với mô hình cải thiện không khí ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Theo ông, Trung Quốc làm rất quyết liệt, đồng bộ, sử dụng công nghệ hiện đại, dữ liệu lớn (big data) để phân tích dữ liệu, đo lường chính xác và có cơ chế giám sát minh bạch.
Đặc biệt, họ có một bộ phận chỉ huy thống nhất và rõ ràng về trách nhiệm. Chính sách đi kèm với hành động và có nguồn kinh phí cụ thể để triển khai.
Họ thậm chí chấp nhận chi kinh phí cho các giải pháp như đóng cửa nhà máy gây ô nhiễm, đầu tư xe buýt điện, hỗ trợ chính sách thay thế xe chạy xăng dầu bằng xe điện. Nhờ đó các chính sách nhanh chóng phát huy hiệu quả.
Ông Tùng khẳng định, để cải thiện chất lượng không khí ở Việt Nam, cần sự chỉ đạo thống nhất, minh bạch hóa trách nhiệm, tăng cường kiểm tra, giám sát và đặc biệt là sự đồng lòng của các địa phương, các ngành, cùng với sự tham gia giám sát của người dân.
“Chúng ta cần đo lường, công bố, minh bạch mọi chỉ số, để người dân cùng giám sát, từ đó tạo ra sự thay đổi bền vững”, ông Tùng nói.