'Sát thủ' diệt tàu sân bay TU-22M3 bị hạ gục?
Ngày 19/4, Ukraine tuyên bố đã bắn hạ máy bay ném bom tầm xa siêu thanh Tupolev Tu-22M3 của Nga. Tư lệnh Không quân Ukraine Mykola Oleshchuk cho biết: 'Lần đầu tiên, đơn vị tên lửa phòng không của lực lượng Không quân đã hợp tác với tình báo quân đội Ukraine để phá hủy máy bay ném bom tầm xa chiến lược Tu-22M3, phi cơ mang tên lửa hành trình Kh-22'. Lâu nay, những chiếc Tu-22M3 vẫn được coi là 'sát thủ' diệt tàu sân bay, một vũ khí đáng gờm của của quân đội Nga.
Bộ Quốc phòng Nga xác nhận thông tin một máy bay ném bom tầm xa Tupolev Tu-22M3 đã rơi ở khu vực Stavropol phía Nam nước này, nhưng cho rằng nguyên nhân khiến máy bay rơi là do trục trặc kỹ thuật trong quá trình máy bay ném bom này trở về căn cứ. Vào thời điểm xảy ra tai nạn, chiếc Tu-22M không mang theo đạn dược.
Thống đốc khu vực Stavropol - ông Vladimir Vladimirov cho biết, một thành viên phi hành đoàn đã thiệt mạng và hai người được đưa ra ngoài an toàn. Phi công thứ tư vẫn đang mất tích.
Một số video đang lan truyền trên mạng được cho là đã ghi lại khoảnh khắc xảy ra vụ tai nạn. Có thể thấy một chiếc Tu-22 bay xoắn ốc trên không và rơi xuống, lửa xuất hiện ở phần đuôi.
Tu-22M có tải trọng ít nhất 12 tấn, tốc độ 1.750 km/h, tầm bắn 500 km và bán kính chiến đấu trên 3.000 km; với cấu tạo cánh cụp cánh xòe. Lượng vũ khí mà Tu-22M mang theo lên tới 24 tấn. Khả năng tải đạn và tầm bay của Tu-22M lớn hơn nhiều so với máy bay tiêm kích/bom F-111 hoặc Su-24. Với sứ mệnh công phá những pháo đài di động bất khả xâm phạm, chúng có thể khiến những cường quốc quân sự mạnh nhất thế giới cảm thấy bất an.
Phiên bản mới nhất của loại máy bay này - Tu-22M3M tự hào có tốc độ tối đa 2.300 km/h và tầm hoạt động 7.000 km. Máy bay ném bom được trang bị hai động cơ phản lực NK-25, trọng lượng cất cánh tối đa 126.400 kg, tổng tải trọng bom là 24 tấn.
Nhà thiết kế Tupolev mô tả đó là máy bay ném bom mang tên lửa siêu thanh tầm xa được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu trên biển và trên mặt đất bằng tên lửa dẫn đường và bom trên không. Chiếc Tu-22M3 có khả năng hoạt động tác chiến trong những điều kiện địa lý khắc nghiệt nhất. Đặc biệt, dòng oanh tạc cơ này còn được trang bị loại radar M202 phía trước mũi và radar PRS-3 Argon phía sau cho máy bay khả năng nhận diện, bảo vệ và tấn công mọi mục tiêu trong mọi điều kiện thời tiết, không kể ngày đêm. Đến nay, Tu-22M3 vẫn được đánh giá là dòng oanh tạc cơ có uy lực mạnh mẽ nhất có trong biên chế quân đội Nga. NATO gọi loại máy bay này là Backfire. Ukraine và các đồng minh phương Tây cho rằng Nga thường xuyên sử dụng Tu-22M3 để ném bom Ukraine. Theo tư lệnh lực lượng không quân nước này, chiếc máy bay Tu-22M3 mang tên lửa hành trình Kh-22. Kh-22 là tên lửa có khả năng kép, nghĩa là nó có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường. Hiện nay, Nga chưa sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.
Phiên bản đầu tiên của dòng Tu-22 được sản xuất vào cuối những năm 1960 để triển khai trong một cuộc xung đột thông thường quy mô lớn, nhưng phiên bản M3M mới nhất có khả năng sử dụng bom và tên lửa chính xác. Các phiên bản cũ hơn của máy bay ném bom vẫn có thể sử dụng làm phương tiện mang tên lửa hành trình tầm xa. Nó có khả năng mang vũ khí chống lại tàu thủy và các mục tiêu mặt đất mà không lọt vào tầm phòng không của đối phương. Nguyên mẫu đầu tiên của máy bay được ra mắt vào năm 1977. Tới tháng 3 năm 1983, những chiếc Tu-22M3 đã đi vào hoạt động trong quân đội Liên Xô trước sự ngỡ ngàng của tình báo Mỹ và các quốc gia Tây Âu. Nhưng Tu-22M3M được hiện đại hóa hoàn toàn, được tăng hiệu quả chiến thuật và có bán kính hoạt động lớn hơn và bay lần đầu tiên vào tháng 12 năm 2018.
Máy bay được làm bằng hợp kim nhôm cũng như thép cường độ cao, chịu nhiệt và hợp kim titan và magie. Nó có các cánh thấp bao gồm một bộ phận cố định và các tấm có thể di chuyển được, có thể quét qua các góc từ 20 đến 65 độ.
Việc hiện đại hóa nhằm mục đích kéo dài thời gian phục vụ của phiên bản sửa đổi Tu-22M3, đồng thời nâng cấp khả năng của nó nhờ vào thiết bị nhắm mục tiêu, động cơ và hệ thống điện tử hàng không mới. Các máy bay này sẽ có thể mang vũ khí tên lửa tiên tiến của Nga, bao gồm tên lửa đạn đạo Kh-47M2 Kinzhal ("Dagger"), có thể đạt tốc độ 10 Mach trong những giây đầu tiên sau khi cất cánh và thực hiện các động tác né tránh để đánh bại các hệ thống phòng không của đối phương. Tên lửa liên tục thay đổi hướng bay, cùng với tốc độ đáng kinh ngạc, nên khó bị hạ gục vì đường đi của nó không thể đoán trước.
Trang web Rt.com cho biết: Chiếc máy bay này đã tham gia các cuộc ném bom trong Chiến tranh Afghanistan những năm 1980 và xung đột Chechnya những năm 1990 và được triển khai gần đây nhất ở Syria trong các cuộc tấn công chống lại các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo (IS). Theo The National Interest, vào năm 2022, Nga đã sử dụng Tu-22M3 để tấn công thành phố Mariupol đang bị bao vây. Quân đội Nga có kế hoạch nâng cấp một nửa phi đội Tu-22 gồm 60 chiếc và kéo dài thời gian phục vụ của nó lên ít nhất vài thập kỷ.
Tướng Mykola Oleshchuk, tư lệnh không quân Ukraine, ngày 19/4 tuyên bố lực lượng phòng không nước này đã hợp tác với Tổng cục Tình báo Quốc phòng (GUR) hạ chiếc Tu-22M3, nhấn mạnh đây là lần đầu tiên làm được việc này kể từ khi chiến sự nổ ra.
Lãnh đạo GUR Kyrylo Budanov sau đó tiết lộ cụ thể hơn, cho biết oanh tạc cơ Nga đã bị tổ hợp phòng không S-200 nhắm bắn từ khoảng cách 308 km, sau khi vừa thực hiện vụ phóng tên lửa vào nước này. Theo ông, lực lượng Ukraine đã theo dõi chiếc Tu-22M3 trong một tuần trước khi tung đòn tấn công.
Hệ thống tên lửa phòng không S-200 sử dụng đạn 5V28, được trang bị động cơ chính dùng nhiên liệu lỏng cùng cụm 4 động cơ đẩy hoạt động bằng nhiên liệu rắn. Tên lửa có chiều dài khoảng 11 mét, nặng 7 tấn, các phiên bản mới nhất có tầm bắn tối đa khoảng 300 km.
Tính đến năm 2010, Ukraine được cho là còn triển khai 4 tổ hợp S-200, bên cạnh 12 hệ thống không hoạt động. Một số thông tin cho biết Kiev đã loại biên khí tài này vào năm 2013, song đã đưa chúng trở lại biên chế sau khi xung đột với Nga bùng nổ, đồng thời trang bị thêm tính năng tấn công mục tiêu trên đất liền.
Tháng 12 năm 2023, Người phát ngôn Bộ Tư lệnh Không quân Ukraine Yury Ignat nói rằng một trong những thách thức lớn nhất đối với hệ thống phòng không Ukraine là tên lửa Kh-22 của Nga (mang trên máy bay chiến đấu Tu-22M3) và phiên bản hiện đại hóa của nó là Kh-32. Tên lửa di chuyển với tốc độ 4.000 km/h và đi theo quỹ đạo đạn đạo, nghĩa là việc đánh chặn nó cần có “thiết bị đặc biệt” như hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất.
Kh-22 'Storm' là tên lửa hành trình chống hạm tầm xa siêu âm phóng từ trên không, ban đầu được phát triển ở Liên Xô. Kh-32 là phiên bản hiện đại hóa sâu của phiên bản cũ và hoạt động như một tên lửa hành trình không đối đất siêu thanh với tầm bắn lên tới 1.000 km.
Tên lửa Kinzhal được sử dụng để tấn công chính xác vào các mục tiêu như trung tâm ra quyết định của Ukraine, trong khi Kh-22, do đầu đạn lớn hơn, thường được dùng để tấn công các mục tiêu khu vực rộng lớn hơn như kho nhiên liệu và đạn dược.
Tên lửa Kh-22 được phát triển từ đầu những năm 1960 nhằm xuyên thủng hệ thống phòng không của đối phương và tiêu diệt các tàu chiến cỡ lớn như tàu sân bay, căn cứ quân sự, nhà máy điện và cầu đường.
Kh-32 là phiên bản nâng cấp của Kh-22. Kh-32 được thiết kế để trang bị cho máy bay ném bom siêu thanh Tu-22M3 và được đưa vào sử dụng từ năm 2016. Biến thể mới được trang bị đầu đạn thông thường, động cơ tên lửa cải tiến và đầu dò hình ảnh radar mới. Kh-32 có đầu đạn nhỏ hơn phiên bản trước đó nhưng có tầm bắn xa hơn.
Tên lửa được cho là có hai chế độ phóng: tầm cao hoặc tầm thấp. Ở chế độ tầm cao, tên lửa leo lên độ cao 27.000 m và lao xuống mục tiêu với tốc độ cao, ở giai đoạn cuối là khoảng Mach 4,6. Ở chế độ tầm thấp, tên lửa Kh-22 đạt độ cao 12.000 m và lao xuống mục tiêu với tốc độ khoảng Mach 3,5.
Có lẽ tính năng nổi bật nhất của Kh-22 là khả năng trao đổi thông tin mục tiêu trong quá trình bay với một tên lửa Kh-22 khác. Theo truyền thông Nga, khả năng này được tích hợp nhằm đánh lừa lực lượng phòng không đối phương khi tấn công nhóm tác chiến tàu sân bay (CBG).
Kh-32 được thiết kế để tránh né các hệ thống phòng không (AD) của đối phương bằng cách bay vượt quá giới hạn tốc độ và độ cao của chúng, sau đó lao xuống mục tiêu ở những góc gần như thẳng đứng. Radar phòng không không thể theo dõi mục tiêu trên đầu hoặc gần trên đầu.
Không quân Ukraine tuyên bố hệ thống Patriot do phương Tây chuyển giao đã giúp họ bắn hạ 15 tên lửa siêu thanh Kinzhal của Nga. Tuy nhiên, Kiev thừa nhận, các lực lượng nước này chưa thể đánh chặn được một quả tên lửa Kh-22/Kh-32 nào.
Tên lửa Kh-22 được cho là hoàn toàn bất khả xâm phạm trước các hệ thống đánh chặn và phòng không của đối phương vì nó có thể chịu được đòn tấn công từ pháo cỡ nòng 20 mm hoặc tên lửa không đối không.
Vốn được coi là bất khả xâm phạm, nếu oanh tạc cơ Tu-22M3 của Nga thực sự bị Ukraine bắn hạ, liệu chiến sự Ukraine có ảnh hưởng? Các chuyên gia cho rằng, nếu nó thật sự đã rơi do bị bắn hạ, sự cố này có thể khiến Nga lựa chọn phương án đưa oanh tạc cơ đến các căn cứ nằm sâu hơn phía sau tiền tuyến, đồng thời phải bố trí thêm các hệ thống tên lửa phòng không đến các căn cứ quan trọng. Việc mất chiếc máy bay ném bom Tu-22M3 đầu tiên hầu như không phải là vấn đề đối với bộ chỉ huy Nga, vì Nga đang sở hữu hơn 100 máy bay ném bom như vậy.
Không có năng lực sản xuất hùng mạnh của Liên bang Nga, nhưng Ukraine nhận được nhiều vũ khí mạnh của phương Tây, vụ việc này nếu được xác thực, thì sẽ là ví dụ cho thấy mối đe dọa đối với Nga có phần tăng lên. Xung đột Nga- Ukraine đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí còn nóng hơn sau khi Hạ viện Mỹ đã thông qua 4 dự luật về viện trợ nước ngoài, trong đó có gói viện trợ trị giá hơn 60 tỷ USD dành cho Ukraine, và dự luật mở đường cho việc tịch thu tài sản của Nga để hỗ trợ Ukraine tái thiết.