Sát sao tiến độ từng dự án, nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công

Trong năm cuối thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC) đạt ít nhất 95% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Kết quả giải ngân VĐTC được kỳ vọng tạo động lực mạnh mẽ để tỉnh hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 10% trở lên. Vì thế, đây là nhiệm vụ được chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm và sát sao tiến độ từng dự án.

Trong năm cuối thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC) đạt ít nhất 95% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Kết quả giải ngân VĐTC được kỳ vọng tạo động lực mạnh mẽ để tỉnh hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 10% trở lên. Vì thế, đây là nhiệm vụ được chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm và sát sao tiến độ từng dự án.

Nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu), đoạn qua địa bàn huyện Lương Sơn.

Nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu), đoạn qua địa bàn huyện Lương Sơn.

Áp lực cao về tiến độ giải ngân

Năm nay, kế hoạch VĐTC giao UBND các huyện, thành phố là 1.858,2 tỷ đồng. Áp lực về tiến độ giải ngân nguồn vốn rất cao khi đặt trong bối cảnh các địa phương quyết liệt thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Yêu cầu đặt ra đối với UBND các huyện, thành phố là chủ đầu tư các dự án sử dụng VĐTC năm 2025 là khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đã được giao. Trước áp lực về tiến độ giải ngân, hệ thống chính trị từ tỉnh đến các huyện, thành phố đang vào cuộc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, giải pháp được áp dụng cụ thể cho từng dự án nhằm mục tiêu từ nay đến cuối tháng 6/2025 phải đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất có thể, hạn chế thấp nhất khả năng phải trả lại vốn vì không thể giải ngân hết số vốn được giao.

Cũng chịu áp lực cao về tiến độ giải ngân là nhóm dự án trọng điểm của tỉnh có sử dụng VĐTC lớn. Nổi bật là 4 dự án gặp vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng và đất đắp, gồm: cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000 - Km53+000 trên địa bàn tỉnh); đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu); đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai, Hà Nội (giai đoạn 1); đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ (TP Hòa Bình) kết nối với quốc lộ 6. Tổng VĐTC được rót vào 4 dự án này chiếm khoảng 57% tổng kế hoạch VĐTC năm 2025 của toàn tỉnh. Do đó, việc sát sao tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ từng dự án được xác định là những mắt xích đặc biệt quan trọng trong nỗ lực giải ngân VĐTC năm 2025 của toàn tỉnh.

Năm 2025, tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao tổng số vốn 9.118,173 tỷ đồng; số vốn đã được HĐND tỉnh thông qua là 9.125,173 tỷ đồng. Đến ngày 13/3, UBND tỉnh đã phân bổ, giao chi tiết kế hoạch VĐTC cho các dự án. Về kế hoạch VĐTC được phép kéo dài thực hiện sang năm 2025, tổng kế hoạch vốn được phép kéo dài thời gian giải ngân là 2.684,828 tỷ đồng. Trong đó, vốn thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia được phép kéo dài thời gian giải ngân sang năm 2025 là 103,797 tỷ đồng; vốn thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được phép kéo dài thời gian giải ngân đến hết ngày 31/12/2025 là 2.581,031 tỷ đồng, bố trí cho dự án đầu tư cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đoạn trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá của UBND tỉnh, tính đến hết ngày 31/3, toàn tỉnh đã giải ngân tổng số vốn 1.291,821 tỷ đồng, đạt 14,16% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Kết quả này tuy cao hơn tỷ lệ giải ngân trung bình cả nước nhưng đòi hỏi cần quyết liệt đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân trong thời gian tới.

Đẩy nhanh tiến độ gắn với đảm bảo chất lượng công trình

Năm nay, giải ngân VĐTC được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các cấp, ngành, góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của tỉnh năm 2025 đạt 10% trở lên. Quyết liệt, sát sao trong công tác chỉ đạo, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 6 văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố, các ban quản lý dự án chuyên ngành của tỉnh và các chủ đầu tư thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân kế hoạch VĐTC năm 2025. Đồng thời, quyết định thành lập 4 tổ công tác do 4 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng. Các đoàn công tác thực hiện việc kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, chỉ đạo giải pháp đẩy mạnh giải ngân VĐTC năm 2025 tại các sở, ban, ngành, địa phương, chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Nhấn mạnh quyết tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Mục tiêu đề ra là tỷ lệ giải ngân VĐTC năm 2025 cần đạt ít nhất 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đây cũng là nội dung quan trọng trong kịch bản điều hành tăng trưởng kinh tế năm 2025 của tỉnh. Vì thế, UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương xây dựng và bám sát kịch bản giải ngân VĐTC theo từng tháng, từng quý, từng công trình, dự án. Giao Sở Tài chính theo dõi sát tiến độ giải ngân của các chủ đầu tư; kịp thời báo cáo UBND tỉnh hàng tuần, hàng tháng để UBND tỉnh chỉ đạo các giải pháp điều hành đảm bảo linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.

Cùng với đó, UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo về công tác giải ngân, trong đó, lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch theo từng tuần, tháng, quý. Quá trình thực hiện, yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải đề cao trách nhiệm, sát sao tiến độ từng dự án, nắm chắc tình hình, nhận diện rõ khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân giải ngân chậm của từng dự án để trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ kịp thời, đảm bảo vừa đẩy mạnh tiến độ giải ngân vừa thực hiện có chất lượng các chương trình, dự án sử dụng VĐTC.

Khánh An

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/200067/sat-sao-tien-do-tung-du-an,-no-luc-giai-ngan-von-dau-tu-cong.htm
Zalo