Sạt lở ở Hà Giang, hàng hóa thiết yếu vận chuyển ra sao?
Cùng với quốc lộ 2, hiện nhiều tuyến đường liên huyện, xã của Hà Giang cũng bị sạt lở nghiêm trọng, đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu được tỉnh ưu tiên.
Vụ sạt lở nghiêm trọng tại khu vực Km51 QL2 thuộc xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang vào sáng 29/9/2024 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các phương tiện vận chuyển hàng hóa và người đến thành phố Hà Giang.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Sở Giao thông vận tải tỉnh Hà Giang đã kịp thời phân luồng giao thông. Theo đó, các phương tiện đi trên QL2 đến Km269 thì rẽ trái đi xã Ngọc Linh - xã Bạch Ngọc - xã Thượng Bình - xã Kim Ngọc - rẽ phải đi QL279 - đi thẳng ra QL2 tại Km225+650 (ngã 3 Pắc Há) và ngược lại.
Tuy nhiên, đây là tuyến đường liên xã, đường nhỏ hẹp và nhiều khu vực cũng đang bị sạt lở, các phương tiện xe cá nhân và xe tải trọng nhỏ dưới 1 tấn có thể đi qua đây nhưng cũng hết sức khó khăn trong việc tránh nhau. Do vậy, đối với các xe trọng tải lớn, đặc biệt là các xe vận chuyển mặt hàng xăng dầu sẽ phải đi tuyến đường khác để đảm bảo không đứt gãy nguồn cung.
Sáng ngày 1/10/2024, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Trần Việt Thế - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Giang - cho biết: Ngay trong sáng nay, Sở Công Thương đã phối hợp với lực lượng quản lý thị trường đi kiểm tra nguồn cung và giá cả tại một số trung tâm bán lẻ, chợ dân sinh. Nhìn chung, các mặt hàng thịt, cá, rau, củ quả giá giữ ở mức ồn định; trừ các mặt hàng hành lá, cà chua, rau thơm có sự biến động tăng.
"Trong đợt mưa bão vừa qua, hầu hết các tỉnh khu vực Đông Bắc Bộ và Tây Bắc diện tích trồng rau, quả của nông dân đều bị hư hại, trong đó diện tích rau xanh của Hà Giang cũng bị thiệt hại và hư hỏng, do vậy giá cả các mặt hàng này ở địa phương có tăng nhẹ, nhưng không đáng kể. Tình hình này sẽ được cải thiện khi sạt lở ở quốc lộ 2 đi Hà Giang đoạn qua huyện Bắc Quang được thông xe, sau đó các mặt hàng rau củ quả sẽ trở lại bình thường"- ông Thế cho hay.
Cũng theo ông Trần Việt Thế, nhìn chung, các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu cầu thiết yếu trên địa bàn tỉnh cơ bản đảm bảo đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân. Qua làm việc, nắm bắt thông tin từ các đại lý, nhà phân phối, như: Winmart, Lâm Sâm, Nhật Cường, Khánh Hòa, Hồng Hà, tình hình cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm với mức giá cung ứng ổn định, không có biến động và có thể đảm bảo cung ứng từ 7 - 10 ngày (trong trường hợp các nguồn cung ứng chưa vận chuyển được do tắc đường).
“Riêng đối với mặt hàng xăng dầu, Công ty Xăng dầu Hà Giang đã thay đổi tuyến đường vận chuyển qua Cao Bằng và Lào Cai để đảm bảo không đứt gãy nguồn cung”- ông Trần Việt Thế khẳng định.
Chia sẻ thêm vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Công ty Xăng dầu Hà Giang - cho biết: Sau khi xảy ra sạt lở, Công ty Xăng dầu Hà Giang đã điều chỉnh tuyến đường vận tải đối với hàng lấy từ Tổng kho xăng dầu Đức Giang (Hà Nội) sẽ đi qua Cao Bằng theo quốc lộ 34 và đi từ Tuyên Quang theo quốc lộ 280 sang các huyện Bắc Mê, Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn và thành phố Hà Giang; tuyến thứ 2 vận chuyển theo tuyến đường qua Bắc Hà (Lào Cai) để sang Xín Mần, Hoàng Su Phì (Hà Giang).
Đến thời điểm hiện tại, nguồn cung xăng dầu trên địa bàn tỉnh Hà Giang vẫn đảm bảo, mặc dù nhiều tuyến đường liên huyện, xã ở Hà Giang đang bị sạt lở nghiêm trọng như ở Xín Mần, Hoàng Su Phì, Mèo Vạc… Tuy nhiên, với sự chuẩn bị từ sớm, từ xa với các phương án cụ thể, do vậy khi các khu vực bị chia cắt về giao thông thì hàng hóa thiết yếu đặc biệt lương thực, thực phẩm và xăng dầu tại các địa bàn vẫn đảm bảo nguồn cung và giá cả cho người dân.
Theo Sở Công Thương Hà Giang, tại thành phố Hà Giang, các mặt hàng lương thực, nhu cầu thiết yếu trên địa bàn thành phố cơ bản đảm bảo đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân. Các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm như: Gạo, thịt, mỳ tôm, thịt hộp, dầu ăn, nước mắm giá cung ứng ổn định, các mặt hàng rau củ quả giá tăng không đáng kể.
Trước đó, các ngành chức năng thành phố và UBND các xã, phường đã tổ chức tuyên truyền việc tuân thủ các quy định trong kinh doanh và niêm yết giá đối với các mặt hàng phải niêm yết gia. Đồng thời kiểm tra chất lượng hàng hóa, giá cả hàng hóa thiết yếu đảm bảo phục vu nhân dân. Do đó trên địa bàn thành phố không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá.
Cũng theo Sở Công Thương, trước đó UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo và giao cho Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị cơ quan chức năng chủ động nắm bắt tình hình cung ứng điện, xăng dầu nhằm đảm bảo cung ứng, phục vụ đủ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp để đảm bảo nguồn cung năng lượng phục vụ sản xuất và tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó triển khai Công điện số 99/CĐ-TTg ngày 23/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo các Sở, ban ngành, trong đó Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Công Thương chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch cung ứng đủ nguồn hàng xăng dầu cho hệ thống của mình, tuyệt đổi không để giãn đoạn, đứt gãy nguồn cung. Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu,duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, bán đúng giá niêm yết và không được dừng bán hàng khi chưa có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền…