Sạt lở nghiêm trọng bờ sông Lô ở Vĩnh Phúc ảnh hưởng thế nào đến các hộ dân?
Bờ sông Lô sạt lở nghiêm trọng vẫn tiếp tục lan rộng, uy hiếp nhà ở của nhiều hộ dân ở Vĩnh Phúc.
Người dân chuyển đồ đi sơ tán
Sáng 24/9, có mặt tại xã Bạch Lưu, PV Báo Giao thông ghi nhận 7 hộ dân cùng 44 nhân khẩu bị ảnh hưởng bởi việc sạt lở bờ sông Lô.
Trao đổi với PV báo Giao thông, bà Hán Thị Phượng (SN 1976, trú tại Bạch Lưu, Sông Lô) chia sẻ: "Tôi đang dọn dẹp nốt đồ dùng cá nhân cần thiết để di chuyển sang nhà người thân vì ở nhà thấy bất an. Sạt lở đã gây sập công trình phụ nhà tôi, chẳng biết khi nào ăn vào phần nhà ở".
Chung tình cảnh, ông Vũ Văn Bính (SN 1966, trú tại Bạch Lưu Sông Lô) đã tạm trú bên nhà người em họ do diện tích sạt lở cách nhà ông chỉ khoảng 3m. Hệ thống cửa sổ, cửa ra vào đã được tháo dỡ toàn bộ nhằm đảm bảo tài sản nếu xảy ra tình huống nguy cấp.
"Hiện, tôi đã di chuyển hết đồ đạc sang nhà em. Hằng ngày, tôi ra phía đối diện nhà để xem tình hình ngôi nhà của mình. Nhà tôi xây từ năm 2019, còn rất mới. Nếu bị sạt lở vào đến nhà, gia đình tôi sẽ trắng tay.
Tôi chỉ mong, các cấp chính quyền sớm có phương án xây dựng, gia cố bờ kè để đảm bảo tài sản cho người dân", ông Bính chia sẻ.
Trước đó, khoảng 10h30 ngày 20/9, đoạn từ Km 0+650 đến Km 0+850 đê tả sông Lô thuộc địa phận thôn Hồng Đường, xã Bạch Lưu bị sạt lở mạnh. Diện tích sạt lở lớn với đường cung khoảng 200m.
Đến 18h cùng ngày, cung sạt lở ăn sâu vào bãi sông trên 10m, cách nhà dân chừng 3m.
Bãi bồi bị cuốn trôi sau một đêm
Cùng ngày, PV Báo Giao thông tiếp tục ghi nhận tình trạng sạt lở tại thôn Hạ, xã Đôn Nhân, Sông Lô (Vĩnh Phúc). Tại đây, nhiều diện tích hoa màu cùng hệ thống chuồng trại của 7 hộ dân ven sông đã bị thiệt hại do sạt lở.
Ông Nguyễn Đăng Quyên (SN 1958, trú tại xã Đôn Nhân, Sông Lô) cho biết: "Trong đợt mưa lũ vừa qua, nhà tôi bị ngập sâu, sau đêm nước rút, tôi mới biết khu vực bãi bồi nhà mình đã biến mất. Trước đây, từ nhà tôi ra đến mép nước khoảng chừng 50m, nhưng chỉ sau vài ngày nước dâng, diện tích sạt lở đã ăn vào hơn 30m.
Từ nhà tôi ra đến mép sông chỉ còn khoảng 15m, tường rào nhà tôi đã bị đổ toàn bộ, hệ thống chuồng trại, công trình phụ đã nứt gãy, bãi ngô, cùng nhiều diện tích cây ăn quả hiện cũng không còn".
Ông Nguyễn Văn Viên (SN 1959), một trong những hộ dân khác tại xã Đôn Nhân cùng chịu ảnh hưởng do sạt lở chia sẻ: "Khoảng 200m2 chuồng trại nhà tôi đã bị cuốn trôi. Tất cả mái tôn, khung thép, máng ăn chăn nuôi đều đã bị cuốn đi cả".
Trước tình trạng trên, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc cùng các sở, ngành chức năng đã trực tiếp đến hiện trường ghi nhận mức độ nguy hiểm của sự cố, đồng thời xác định nguyên nhân và hướng khắc phục.
Qua kiểm tra thực tế, các cơ quan chức năng đánh giá nguyên nhân chính gây sạt lở là do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 khiến mực nước sông Lô lên cao. Trong khi đó, địa chất bãi sông chủ yếu là đất pha cát không có độ kết dính, khi lũ rút kéo theo khối (đất cát) sạt trượt ăn sâu vào bãi sông.
Hiện, UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao UBND huyện Sông Lô cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn chặn người và phương tiện đi vào vùng sạt lở, sơ tán khẩn cấp người và tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm.
Đồng thời, lập chốt và tổ chức lực lượng trực 24/24h tại vị trí xảy ra sự cố cho đến khi xử lý xong các giải pháp khắc phục; tổ chức phân luồng giao thông, cấm xe quá khổ, quá tải lưu thông trên đê.
>> Một số hình ảnh PV Báo Giao thông ghi nhận: