SẠT LỞ BỦA VÂY, LÀM SAO PHÒNG TRÁNH? (*): Chờ ngày định cư

Để tránh sạt lở gây thảm họa, việc tiên quyết là di dân, tái định cư. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách này còn chậm, nhiều vướng mắc

Chúng tôi ngược ngàn đến bản vùng cao Xa Lung (xã Mường Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) sau những ngày mưa kéo dài do ảnh hưởng 2 cơn bão số 3 và 4. Do sống ở vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét nên hàng chục hộ dân bản Xa Lung luôn trong tâm trạng thấp thỏm suốt đợt mưa bão vừa qua.

Xa Lung vẫn mông lung

Xa Lung là bản người Mông có khoảng 70 nóc nhà với hơn 300 nhân khẩu sống rải rác dọc các sườn đồi ven sông Mã. Mỗi khi mưa lớn, lũ thượng nguồn đổ về; trên đồi, đất ngậm nước chực chờ sạt nên cả bản nằm trong diện không an toàn, phải tìm chỗ mới để định cư.

Dù đã được tỉnh Thanh Hóa quyết định đầu tư khu ở mới từ năm 2021 nhưng đến nay dự án vẫn chưa xong. "Mưa lũ tràn về chúng tôi rất lo sợ, có những trận mưa nhiều ngày, nước sông Mã cứ gầm rú sau nhà, cả bản không dám ngủ, phải bật đèn cả đêm vì lo sạt lở đất, sập nhà" - anh Mua Seo Sềnh bày tỏ.

Đồi nứt ở bản Cha Khót, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, khiến 55 hộ phải di dời đi ở tạm

Đồi nứt ở bản Cha Khót, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, khiến 55 hộ phải di dời đi ở tạm

Do nằm ngay bên đường lộ, phía sau là sông Mã, sau mỗi mùa mưa qua, hàng chục nóc nhà tại Xa Lung lại thêm xuống cấp, hư hỏng vì không thể sửa chữa.

Cũng vì nằm trong diện di dời nên cuộc sống người dân Xa Lung cứ tạm bợ, thiếu thốn đủ đường vì chưa có điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt, nhà văn hóa.

Ở Mường Lát, ngoài Xa Lung còn có hàng trăm hộ dân ở các bản khác sống ở các sườn đồi, mép sông thuộc diện di dời nhưng chờ mãi vẫn chưa có khu ở mới như: bản Lìn, bản Tung, bản Ma Hác (xã Trung Lý); bản Ún, bản Trung Thắng (xã Mường Lý), bản Kéo Té (xã Nhi Sơn)...

Nhiều bản làng dưới miệng "tử thần"

Bản Cha Khót (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) có 55 hộ với 220 nhân khẩu. Sau bão số 4, một vệt nứt rộng 50 - 70 cm, dài 300 m xuất hiện trên đỉnh đồi, đe dọa 55 nóc nhà, trường học...

"Vết nứt trên đồi ngày một lớn, có nguy cơ sạt trượt nên bà con đành phải bỏ nhà đi ở nhờ và chờ huyện dựng nhà tạm để tới ở chứ không ai dám về" - ông Hà Văn Liệu chia sẻ.

Năm nào cũng vậy, hễ trời mưa kéo dài là lũ sông Lò đổ về nhấn chìm bản Muỗng (xã Trung Xuân, huyện Quan Sơn). Vừa qua, sau mưa lũ đã xuất hiện một vết nứt rộng và sâu vắt ngang bản khiến bà con phải bỏ của chạy lấy người.

"Có nhiều gia đình trong bản vừa dựng được cái nhà giờ đã không thể ở. Có nhà đầu tư cái ao, thả được lứa cá chưa kịp thu hoạch thì lũ tràn về cuốn đi tất cả. Chúng tôi điều kiện kinh tế khó khăn, để có kinh phí tự tìm nơi ở mới là rất khó nếu không được nhà nước quan tâm" - ông Hà Văn Lực bày tỏ.

An cư cho dân chưa như kỳ vọng

Ông Lê Bá Lương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa), cho biết trong giai đoạn 2021-2025, địa phương lên phương án sắp xếp, ổn định đời sống cho 2.846 hộ trên địa bàn 9 huyện miền núi ở khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Hiện đã có 21 dự án được các cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương, sắp xếp chỗ ở cho 707 hộ. Tuy nhiên, mới có 4 khu tái định cư đã hoàn thành, một số khu đang triển khai và có tới 9 khu chưa thể triển khai.

"Đề án triển khai hiện vẫn chậm so với mục tiêu đề ra. Về bố trí tái định cư xen ghép, đa số hộ dân vùng ảnh hưởng thiên tai là hộ nghèo, cận nghèo nên việc tự tìm quỹ đất để di chuyển còn khó khăn. Về các dự án tái định cư tập trung, việc tìm quỹ đất rộng để triển khai gặp khó do địa hình các huyện miền núi chia cắt mạnh, độ dốc lớn, chi phí xây dựng cao, ngân sách không đủ" - ông Lương cho hay.

Còn theo ông Lương Văn Liêm, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Mường Lát, dự án tái định cư Xa Lung và các dự án tái định cư khác đều chung khó khăn là định mức vốn đầu tư cho một hộ thấp (đối tượng ở xen ghép 150 triệu đồng/hộ, hộ tái định cư tập trung 300 triệu đồng/hộ), trong khi tình hình thực tế triển khai lại rất cao. "Tại Mường Lát, để tìm được mặt bằng đáp ứng được các điều kiện để người dân chuyển tới ở, định cư lâu dài rất khó khăn. Khi tìm được rồi thì khối lượng san nền lớn, vật liệu xây dựng vận chuyển xa, giá cả cao… nên tất cả các dự án điều vượt định mức" - ông Liêm giải thích.

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 4-10

Quảng Nam: Núi nứt, sơ tán 2 ngôi làng

Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam - cho biết địa phương vừa tổ chức sơ tán dân ở 2 ngôi làng để tránh sạt lở.

Do ảnh hưởng bão số 4, ngọn đồi cách làng Tăk Chay (xã Trà Cang) khoảng 200 m xuất hiện vết nứt, ta-luy dương sạt lở. 33 hộ dân với 175 nhân khẩu là người dân tộc Xơ Đăng đã được chính quyền địa phương sơ tán ngay trong đêm.

Cảnh báo nguy cơ sạt lở tại xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam

Cách đó không xa, 26 hộ dân với 95 người ở làng Lăng Lương, xã Trà Tập cũng phải rời bỏ nhà cửa vì một vết nứt xuất hiện trên núi cách làng khoảng 300 m. Vết nứt này có từ cuối năm 2023 và sau mưa bão đã rộng ra thêm.

Ông Trần Duy Dũng cho biết dù mới đầu mùa mưa nhưng nhiều khu vực trên địa bàn huyện đã xảy ra sạt lở. Nguyên nhân do địa chất yếu, mưa nhiều ngày nên đất bị ngấm nước; gần đây địa phương thường xảy ra động đất kích thích; xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông; phá rừng... Để phòng tránh sạt lở, ông Dũng cho rằng xây dựng các công trình kè, cống thoát nước để ổn định địa chất, đặc biệt là sau khi mở đường và tạo ta-luy...

"Sắp tới, người dân 2 làng Tăk Chay và Lăng Lương sẽ được bố trí tại khu dân cư mới. Mỗi hộ được cấp 150 - 200 m2 đất và 100 triệu đồng để xây dựng nhà" - ông Dũng thông tin.

Tin-ảnh: Tr.Thường

Bài và ảnh: THANH TUẤN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/sat-lo-bua-vay-lam-sao-phong-tranh-cho-ngay-dinh-cu-196241004203838321.htm
Zalo